Chiến sự ở Sudan và những sai lầm của phương Tây

Khi những tiếng súng nổ ra giữa 2 phe phái quân sự tại Sudan cuối tháng 4 vừa qua, nhiều người đang tự hỏi liệu các cường quốc phương Tây nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung có đánh giá sai tình hình ở đất nước Đông Bắc Phi này hay không?

Mối nguy nội chiến

Cuộc xung đột vũ trang tại Sudan đã bước sang tuần thứ ba, với những trận giao tranh dữ dội bằng vũ khí hạng nặng, gây ra hàng trăm cái chết và khiến hàng chục ngàn người phải chạy trốn khỏi đất nước.

 Khói lửa vẫn bốc lên ở thủ đô Khartoum, Sudan, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết giữa các bên tham chiến. Ảnh: New York Times

Khói lửa vẫn bốc lên ở thủ đô Khartoum, Sudan, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết giữa các bên tham chiến. Ảnh: New York Times

Tiếng súng nổ ra đồng nghĩa rằng, triển vọng hòa giải, dân chủ và pháp quyền ở đất nước Đông Bắc Phi này đã tiêu tan. Nói cách khác, hy vọng về một tương lai hòa bình ở Sudan, đất nước từng chìm trong gần 2 thập kỷ nội chiến và những cuộc binh biến, cũng trở nên rất xa vời.

Đã có những ý kiến cho rằng, tập đoàn đánh thuê Wagner là tác nhân khơi mào cho cuộc xung đột tại Sudan. Một số nguồn tin tình báo phương Tây cho rằng, Wagner đã cung cấp vũ khí cho Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) của Trung tướng Mohamed Hamdan Dagalo, thường được biết đến nhiều hơn với cái tên Hemedti.

Quan điểm dựa trên lập luận rằng Wagner vốn đang tham gia khai thác vàng tại Sudan ở những khu vực do RSF kiểm soát nên sẽ hỗ trợ lực lượng này tranh giành quyền lực với quân đội chính phủ, do Trung tướng Abdel Fattah al-Burhan, người trên thực tế cũng đang đứng đầu cả quân đội lẫn chính phủ quân sự Sudan.

Nhưng theo bà Marina Peter, người sáng lập và đứng đầu Diễn đàn Sudan và Nam Sudan, thì về cốt lõi, cuộc xung đột này là kết quả của những vấn đề vẫn chưa được giải quyết trong nhiều thập kỷ tại Sudan, bao gồm sự tranh giành tài nguyên và khao khát quyền kiểm soát đất nước.

Bà Petrer nhận định, những mâu thuẫn bên trong Sudan sẽ khó bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Bởi Trung tướng Abdel Fattah al-Burhan – người đứng đầu quân đội quốc gia Sudan và Trung tướng Mohamed Hamdan Dagalo, lãnh đạo RSF, đều không có ý định chia sẻ quyền lực hoặc hướng tới một cuộc chuyển giao quyền lực cho các lực lượng dân sự.

Dù từng là đồng minh và đều tuyên bố sẽ đưa đất nước theo con đường dân chủ song trên thực tế, hai lãnh đạo quân sự này đều ấp ủ ý định chuyên quyền, như nhà độc tài mà họ đã lật đổ trước đây: cựu Tổng thống Omar al-Bashir.

Amgad Fareid, cựu cố vấn của Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok, tuyên bố trong một bài đăng trên blog gần đây: “Cuộc xung đột này là cuộc chiến giữa hai đối tác trong cùng một tội ác, để tranh giành chiến lợi phẩm từ tội ác của họ. Cả Al-Burhan và Hemedti đều không vì lợi ích của đất nước”. Và “tội ác” mà Fareid nhắc đến là cuộc đảo chính ngày 25/10/2021, khi Abdel Fattah al-Burhan và Hemedti cùng hợp lực lật đổ ông Hamdok.

Nỗi thất vọng của người Sudan

Đến đây một câu hỏi đặt ra rằng: Các nước phương Tây - vốn trước đó đang nỗ lực gây ảnh hưởng tại Sudan nhằm thúc đẩy các cải cách dân chủ ở quốc gia này - đã phản ứng đủ mạnh để ngăn chặn cuộc xung đột quân sự hay ít nhất là ngăn cho chiến sự tại Sudan không leo thang?

 Hàng chục nghìn người dân Sudan đang phải tìm đường tị nạn vì cuộc xung đột vũ trang leo thang. Ảnh: FT

Hàng chục nghìn người dân Sudan đang phải tìm đường tị nạn vì cuộc xung đột vũ trang leo thang. Ảnh: FT

Ở khía cạnh này, dường như người Sudan đang tỏ ra rất thất vọng. Nhà hoạt động chính trị nổi tiếng tại Sudan, Hamid Khalafalla mới đây đã bày tỏ trên Twitter rằng các nỗ lực của phương Tây là quá ít để khiến hai phe tham chiến tại Sudan phải lắng nghe. Chẳng hạn như về thỏa thuận ngừng bắn hồi vốn đạt được dưới áp lực của cộng đồng quốc tế cuối tháng 4 đã bị vi phạm quá dễ dàng.

Trên Twitter cá nhân, Hamid Khalafalla tự hỏi, tại sao các tướng lĩnh Sudan phải tuân thủ lệnh ngừng bắn khi họ biết rằng, cuộc đảo chính quân sự 18 tháng trước tại Sudan, cuộc đảo chính do Abdel Fattah al-Burhan và Hemedti tiến hành để lật đổ cựu thủ tướng Abdalla Hamdok, hầu như không bị phương Tây trừng phạt?

Tạp chí Foreign Policy cũng chỉ trích cách tiếp cận của phương Tây đối với Sudan trong những năm gần đây.

Bài phân tích của tờ báo này khẳng định rằng Mỹ và phương Tây đã đặt quá nhiều niềm tin vào lời nói của hai vị tướng, những lời dường như được thiết kế riêng cho mục đích “ru ngủ” các nước lớn. Đó là lý do tại sao Mỹ vẫn khăng khăng gọi quá trình chuyển đổi ở Sudan là "dân sự lãnh đạo". Và theo Foreign Policy, đó là một mô tả gây hiểu lầm bởi quá trình chuyển đổi chính trị tại Sudan "không hề do dân sự lãnh đạo”.

Bà Marina Peter, đến từ Diễn đàn Sudan và Nam Sudan, cũng cho rằng các nước phương Tây đã phạm sai lầm sau năm 2019, tức là năm cựu tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất. Peter nói trong một cuộc phỏng vấn với đài DW của Đức: “Sai lầm nghiêm trọng nhất là không cho phép phần lớn người dân tham gia vào các cuộc thảo luận và đàm phán chính trị”.

Bà Peter nhận định: “Các nhà hoạt động Sudan và các chuyên gia nước ngoài đã nhiều lần cảnh báo rằng quân đội, đặc biệt là Hemedti, không thể tin tưởng được và việc dựa vào vị tướng này sẽ khiến cho một giải pháp hòa bình lâu dài trở nên bất khả thi”.

Cơ hội nào cho hòa bình ở Sudan?

Cameron Hudson, cựu chuyên gia phân tích của CIA, hiện là chuyên gia về châu Phi tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Những cường quốc tham gia vào các cuộc đàm phán - Mỹ và Anh, cũng như Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi và cộng đồng Arab - đã tính toán sai lầm nghiêm trọng khi tin rằng cả hai vị tướng đều chấp nhận các thỏa thuận đưa Sudan tới tiến trình dân chủ. Thực tế là cả hai đều sẵn sàng đưa đất nước vào xung đột, miễn là đạt được mục đích thâu tóm quyền lực”.

 Hai chỉ huy quân sự đứng đầu các bên tham chiến tại Sudan hiện nay, Mohamed Hamdan Dagalo (trái) và Abdel Fattah al-Burhan (phải). Ảnh: Asharg Al-Awsat

Hai chỉ huy quân sự đứng đầu các bên tham chiến tại Sudan hiện nay, Mohamed Hamdan Dagalo (trái) và Abdel Fattah al-Burhan (phải). Ảnh: Asharg Al-Awsat

Trong một bài bình luận trên New York Times, bà Jacqueline Burns - cựu cố vấn của đặc phái viên Mỹ tại Sudan và Nam Sudan, đồng thời là nhà phân tích chính sách cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation, cũng nói rằng cuộc chiến tại Sudan có lỗi của phương Tây.

“Việc giải quyết xung đột tập trung vào việc ký kết các hiệp định nhằm phân chia quyền lực giữa các nhóm vũ trang - bất kể có thêm bao nhiêu điều khoản về cải cách chính trị - hiếm khi dẫn đến hòa bình bền vững. Và nó thậm chí cũng không dẫn đến hòa bình ngắn hạn. Hậu quả của những nỗ lực sai lầm như vậy, trong đống đổ nát ở Khartoum, là điều dễ thấy”, Jacqueline Burns viết.

Bởi vậy, theo các chuyên gia, nếu các đối tác quốc tế có ảnh hưởng - trong trường hợp này là Liên minh châu Phi và Liên hợp quốc, Mỹ, EU và các tổ chức khác - tiếp tục hợp pháp hóa các nhóm vũ trang với tư cách là tiếng nói hợp lệ duy nhất cần được lắng nghe, thì thật khó có cơ hội hòa bình ở Sudan.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chien-su-o-sudan-va-nhung-sai-lam-cua-phuong-tay-post245843.html