Chiến thắng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại: Sự kiện mang ý nghĩa thời đại

Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô năm 1945 có ý nghĩa lịch sử to lớn không chỉ với nhân dân Liên Xô mà còn với phong trào cách mạng và giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ngày 16/4/1945, Hồng quân Liên Xô mở trận tấn công vào Berlin, sào huyệt cuối cùng của phátxít Đức và đến chiều 30/4/1945 đã chiếm được Nhà Quốc hội Đức, cắm lá cờ chiến thắng lên nóc tòa nhà này. (Ảnh: Tư liệu Quốc tế/TTXVN)

Ngày 16/4/1945, Hồng quân Liên Xô mở trận tấn công vào Berlin, sào huyệt cuối cùng của phátxít Đức và đến chiều 30/4/1945 đã chiếm được Nhà Quốc hội Đức, cắm lá cờ chiến thắng lên nóc tòa nhà này. (Ảnh: Tư liệu Quốc tế/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 8 đến 11/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại vào ngày 9/5/2025.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự sự kiện trên thể hiện sự trân trọng, tôn vinh của Việt Nam đối với những đóng góp, hy sinh vô cùng to lớn của Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay trong chiến thắng vĩ đại chống chủ nghĩa phátxít.

Mốc son trong lịch sử thế giới

Chiến tranh Thế giới thứ 2 (1939-1945) là một cuộc chiến tàn khốc nhất, đẫm máu nhất, đau thương nhất với quy mô rộng lớn nhất.

Đây cũng là cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử nhân loại do liên minh phátxít Đức, Italy, Nhật Bản phát động, tập trung chủ yếu tại chiến trường châu Âu và bao trùm trên hầu hết các châu lục.

Mở màn bằng sự kiện phátxít Đức tấn công Ba Lan ngày 1/9/1939, cuộc chiến kéo dài gần 6 năm đã cướp đi sinh mạng của khoảng 60 triệu người và lan tới hầu hết các châu lục, trong đó riêng châu Âu đã biến thành “lò lửa chiến tranh.”

Sau khi đánh chiếm hàng loạt nước châu Âu, phátxít Đức tập trung lực lượng lớn tiến công Liên Xô, mở ra cuộc chiến tranh Xô-Đức (1941-1945) với những đòn tấn công khốc liệt và chớp nhoáng, song đã nhận lại sự chống trả quyết liệt của quân và dân Liên Xô.

Sau khi chuyển từ phòng ngự sang chiến lược phản công, Hồng quân Liên Xô đã tấn công dồn dập quân Đức trên mặt trận phía Đông, giải phóng Tổ quốc và nhiều quốc gia trong khu vực.

Đến 0 giờ 43 phút ngày 9/5/1945 (theo giờ Moskva), đại diện Đức quốc xã đã phải ký biên bản xác nhận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh.

 Đêm 8/5/1945, tại ngoại ô thủ đô Berlin của Đức (rạng sáng 9/5 theo giờ Moskva), phátxít Đức đã ký văn bản đầu hàng không điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh, chấm dứt Chiến tranh thế giới lần thứ hai tại châu Âu. (Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN)

Đêm 8/5/1945, tại ngoại ô thủ đô Berlin của Đức (rạng sáng 9/5 theo giờ Moskva), phátxít Đức đã ký văn bản đầu hàng không điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh, chấm dứt Chiến tranh thế giới lần thứ hai tại châu Âu. (Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN)

Thời khắc ấy mãi đi vào lịch sử nhân loại, trở thành Ngày Chiến thắng chung của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ngày đánh bại chủ nghĩa phátxít, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Đó đồng thời cũng là Ngày Chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945).

Sau khi đánh bại phátxít Đức, Liên Xô tiếp tục tuyên chiến với phátxít Nhật và đã đánh gục đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật, buộc Nhật phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện.

Cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 đã chính thức kết thúc.

Chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô đã đập tan chủ nghĩa phátxít, làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thực dân của các đế quốc châu Âu; cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Thắng lợi này đã làm thay đổi cục diện, tạo tiền đề quan trọng đưa thế giới sang thời kỳ phát triển mới. Nhân dân các nước thuộc địa đã vùng lên mạnh mẽ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước theo con đường phù hợp với mình.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong số đó, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã làm nên Cách mạng tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một chặng đường lịch sử mới đầy tự hào và vẻ vang.

Sự kiện chiến thắng chủ nghĩa phátxít cũng mở ra một chương mới cho lịch sử chính trị thế giới, với sự ra đời của Liên hợp quốc cùng những nguyên tắc nền tảng trong quan hệ quốc tế, đó là những nguyên tắc tôn trọng quyền bình đẳng, quyền tự quyết của các quốc gia; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Với những ý nghĩa vẻ vang ấy nên dù đã 80 năm trôi qua với biết bao thăng trầm, biến cố của thời cuộc, nhưng cuộc chiến tranh vĩ đại chiến thắng chủ nghĩa phátxít vẫn luôn được người dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới vinh danh, bởi đó chính là nền móng vững chắc kiến tạo nên thế giới phát triển tốt đẹp, bền vững như ngày nay.

Kỷ niệm 80 năm Chiến thắng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại

Hàng năm, để tưởng nhớ và tri ân những chiến sỹ Hồng quân Liên Xô năm xưa, chính quyền và người dân Nga vẫn thường tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5.

Đối với người dân Nga, Ngày Chiến thắng 9/5 không chỉ là ngày kỷ niệm mà còn là dịp để nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc, là dịp giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần chiến đấu anh dũng và những hy sinh của thế hệ cha ông để giành độc lập, tự do.

 Lực lượng cơ giới hạng nặng của Nga tiến vào Quảng trường Đỏ. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

Lực lượng cơ giới hạng nặng của Nga tiến vào Quảng trường Đỏ. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm tròn 80 năm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 9/5, nước Nga tổ chức Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5/2025.

Ngay từ những ngày cuối tháng 4/2025, công tác chuẩn bị trên Quảng trường Đỏ đã bắt đầu được triển khai. Các đơn vị thi công đã chở các trang thiết bị và tích cực lắp đặt công trình ở các khu vực chung quanh Quảng trường Đỏ.

Những ngày này trên các đường phố chính ở Moskva, những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ dành riêng cho Ngày Chiến thắng đã xuất hiện, khoác lên thủ đô cổ kính của nước Nga một tấm áo mới với màu đỏ chủ đạo, màu biểu tượng của Chiến thắng.

Dự kiến, tham dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng 9/5 ở Nga sẽ có các nhà lãnh đạo của khoảng 20 quốc gia.

Ngoài nguyên thủ các nước SNG, sự kiện trọng đại này còn có sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Slovakia Robert Fico và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic.

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cũng sẽ thăm chính thức Liên bang Nga và dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại từ ngày 8 đến 11/5/2025.

 Tổng Bí thư Tô Lâm. (Nguồn: TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Nguồn: TTXVN)

Nói về sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô năm 1945 có ý nghĩa lịch sử to lớn không chỉ đối với nhân dân Liên Xô mà còn đối với phong trào cách mạng và giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng, chúng ta càng thấm thía sâu sắc những giá trị lịch sử, tinh thần chiến đấu bất khuất và khát vọng hòa bình mà chiến thắng mang lại.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định đối với Việt Nam, chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là nguồn cổ vũ, động viên to lớn và cũng là tiền đề quan trọng để nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vùng lên tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thành công.

Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã nổ ra trong bối cảnh “thời cơ chín muồi”, hệ thống phátxít tan rã, đặc biệt là việc Nhật đầu hàng Liên Xô và quân Đồng minh, chiến tranh ở châu Âu chấm dứt.

Và ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước đồng bào và nhân dân trên toàn thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên tự do, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thắng lợi của dân tộc Việt Nam còn góp một phần không nhỏ cùng nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh chống phátxít vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Hơn thế nữa, trong cuộc đấu tranh chống phátxít đã có những chiến sỹ tình nguyện Việt Nam trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Moskva trong năm 1941.

Nhiều chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh anh dũng, để lại xương máu của mình trên mảnh đất Xô viết anh hùng.

Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng yêu chuộng hòa bình tiến bộ trên toàn thế giới đã tạo nên bức tượng đài anh hùng chói sáng của nhân loại, sẽ mãi mãi được vinh danh, bởi đó chính là nền móng vững chắc kiến tạo nên thế giới phát triển tốt đẹp, bền vững như ngày nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chien-thang-chien-tranh-ve-quoc-vi-dai-su-kien-mang-y-nghia-thoi-dai-post1037282.vnp