Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc son của nghệ thuật chiến tranh nhân dân
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954), đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954 là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là mốc son của nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó có nghệ thuật huy động sức mạnh toàn dân làm nên chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.
Nhân dân đồng sức, đồng lòng tạo nên sức mạnh chiến thắng
Đông Xuân 1953-1954, ta giành được nhiều thắng lợi trên khắp các mặt trận, đưa địch vào tình thế khó khăn khi Kế hoạch Nava từng bước bị thất bại. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp và quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (còn gọi là Chiến dịch Trần Đình).
Điện Biên Phủ ở xa hậu phương tới 500-600km, chủ yếu là địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, giao thông liên lạc rất khó khăn... đã gây rất nhiều trở ngại cho công tác chuẩn bị tác chiến. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Theo đó, trên cả nước, đã diễn ra một cuộc tổng động viên sức lực quy mô lớn chưa từng có; công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, nhà buôn rồi cả một số địa chủ, tư sản đã đóng công, góp của chi viện cho mặt trận.
Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng vạn dân công tham gia tải thương, gùi lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị vào phục vụ chiến trường; xẻ núi, bạt đèo cho bộ đội ta kéo pháo vào trận địa. Chưa bao giờ khí thế lại trào dâng mãnh liệt đến như vậy; đường lối chiến tranh nhân dân đó đã quy tụ và tạo thành sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng”.
Trở lại 70 năm về trước, đường cơ giới duy nhất lên Tây Bắc là con đường 41 từ Hòa Bình qua Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo lên Lai Châu. Con đường này lòng đường hẹp, cầu yếu, nhiều đoạn sạt lở và ngang qua những khu vực địa hình hiểm trở, núi cao, suối sâu. Từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ dài 89km, mặt đường vốn đã nhỏ lại men theo sườn núi, phần lớn một bên núi cao, một bên suối sâu. Bằng quyết tâm và lòng dũng cảm của hàng vạn dân công, thanh niên xung phong, Bộ đội Công binh ngày đêm lao động khẩn trương, chỉ hơn 3 tháng sau (12/1953-3/1954), ta đã hoàn thành việc tu sửa và mở mới các tuyến đường 41, số 13, đường Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ - là trục đường chính của tuyến vận tải cơ giới, tổng cộng chiều dài khoảng 300km. Mở đường cho xe pháo cơ động, cho vận tải cơ giới vào tới Điện Biên Phủ, cho pháo vào trận địa, đây thực sự là một sự nỗ lực cố gắng lớn của quân và dân ta.
Cùng với việc mở đường, chỉ trong thời gian ngắn, ta đã huy động được một khối lượng lớn sức người, sức của ở vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, ở Việt Bắc cũng như ở vùng địch tạm chiếm phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ. Dưới làn bom đạn ác liệt của thực dân Pháp, hàng ngàn dân công hỏa tuyến, vận dụng đủ loại phương tiện từ ô tô, xe đạp thồ, ngựa thồ, thuyền bè các loại phục vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, hàng hóa cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo số liệu tổng kết, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã góp hơn 25.000 tấn gạo, 266 tấn muối, gần 1.900 tấn thực phẩm khô, hàng nghìn tấn rau, hơn 261.000 lượt người tham gia dân công với 20.991 xe đạp thồ, 11.800 chiếc thuyền. Riêng nhân dân Tây Bắc vừa được giải phóng, tuy rất nghèo nhưng cũng đã huy động hơn 7.300 tấn gạo, 389 tấn thịt, 800 tấn rau, 31.818 dân công và 914 ngựa thồ cung cấp cho tiền tuyến 47% nhu cầu số gạo, 43% thịt, 100% rau tươi, 100% thuyền và ngựa; ngoài ra, còn đóng góp 14% số ngày công chủ yếu từ trung tuyến ra tiền tuyến. Đó là một nỗ lực phi thường thể hiện bản lĩnh của một dân tộc, tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh với kẻ thù lớn mạnh hơn mình nhiều lần.
Bài học quý báu để xây dựng Tổ quốc hiện nay
Thiếu tướng, Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng đánh giá, Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Chiến thắng vang dội của chiến dịch cũng thể hiện rõ nét những yếu tố đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam; đồng thời, để lại nhiều bài học quý giá có thể phát triển, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
“Tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, Đảng ta xác định là cuộc kháng chiến: Toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh. Do đó, toàn dân ta từ Bắc chí Nam, từ rừng núi, nông thôn đồng bằng đến đô thị, đoàn kết chiến đấu, tham gia phối hợp với chủ lực chiến đấu và phục vụ chiến đấu, càng đánh càng mạnh, từng bước giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường; đẩy quân địch vào thế sa lầy, bị động. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng vạn dân công tham gia tải thương, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị vào phục vụ chiến trường; xẻ núi, bạt đèo cho bộ đội ta kéo pháo vào trận địa, đóng góp nhiều nhất sức người, sức của để làm cách mạng. Khí thế dân tộc trào dâng mãnh liệt. Thế trận chiến tranh nhân dân ấy đã trở thành bức thành đồng vững chắc đè bẹp bè lũ bán nước và cướp nước” - Thiếu tướng Trần Minh Tuấn khẳng định.
Chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến tranh nhân dân nói riêng mãi là bài học thực tiễn quý báu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thiếu tướng Vũ Đức Long, Phó Chính ủy Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho rằng, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, đẩy mạnh, phát triển cao độ truyền thống, sức mạnh “thế trận lòng dân” trong tình hình mới. Để thực hiện tốt vấn đề này, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng, nâng cao cuộc sống của nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.