Chiến tranh nhìn từ góc độ môi trường và cảnh quan

Với 'Dấu chân chiến tranh', nhà sử học môi trường David Biggs đã đem đến một góc nhìn sâu sắc, đầy thấu cảm trên phương diện xã hội và hệ sinh thái tại miền Trung Việt Nam.

 Khu nhà tạm trú của lính vừa bị tháo dỡ tại căn cứ Chiến đấu Phú Bài, ngày 11/2/1972. Nguồn: Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Mỹ.

Khu nhà tạm trú của lính vừa bị tháo dỡ tại căn cứ Chiến đấu Phú Bài, ngày 11/2/1972. Nguồn: Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Mỹ.

Sau Đầm lầy, công trình nghiên cứu về lịch sử môi trường - địa lý miền Nam Việt Nam, David Biggs tiếp tục cho ra mắt cuốn sách Dấu chân chiến tranh. Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu lịch sử môi trường, lần này Biggs trực tiếp nhấn mạnh vào những vết sẹo mà chiến tranh đã để lại cho môi trường và xã hội.

“Những vết sẹo này không chỉ là tàn tích căn cứ và những ngọn đồi bị ném bom, mà còn là rạn nứt trong đời sống gia đình cũng như các sinh hoạt tập quán địa phương”, Biggs viết.

Những dấu chân đến từ quá khứ

David Biggs là một nhà sử học môi trường người Mỹ. Như bao đứa trẻ sinh ra vào thập niên 1970, ông lớn lên trong cái bóng của cuộc chiến mà người Mỹ gọi là “Chiến tranh Việt Nam”. Sau đại học, ông từng đến Việt Nam và dạy tiếng Anh với tư cách tình nguyện viên. Ở bậc cao học, ông học chuyên ngành lịch sử môi trường và Việt Nam học, học ngôn ngữ và nghiên cứu về văn khố Việt Nam. Những điều đó đã cho ông một sự gắn bó vô hình đối với mảnh đất Việt Nam.

Ông đến Huế vào năm 2006, chứng kiến hàng chục lô đất trống trải dài, hoang vắng giữa những dải làng mạc và nhà máy mới đông đúc. Đó là vết tích của những căn cứ quân sự cũ như trại Evans, Hochmuth và Eagle. Quang cảnh nơi đây cùng ký ức của những người lớn tuổi sống gần đó đã khiến ông như bị mê hoặc và quyết định thực hiện một nghiên cứu tại Huế.

Được viết từ thời điểm Việt Nam bùng nổ kinh tế vào đầu thế kỷ XXI, cuốn sách xuôi theo dòng lịch sử xung đột sâu sắc của khu vực miền Trung, lần theo dấu chân chiến tranh, để xem xét các trường hợp xung đột quân sự liên tiếp diễn ra đã định hình đời sống và ký ức hàng ngày ở đây như thế nào.

 Tác phẩm Dấu chân chiến tranh của David Biggs. Ảnh: PhanBook.

Tác phẩm Dấu chân chiến tranh của David Biggs. Ảnh: PhanBook.

Tác giả sử dụng từ “dấu chân” như một phép ẩn dụ về những thứ có vẻ phức tạp và hữu hình đại diện cho những gián đoạn trong quá khứ. Thay vì theo dõi tác động môi trường qua một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi, Biggs chọn tập trung vào lịch sử lâu dài hơn của cảnh quan bị quân sự hóa lâu đời, thông qua nhiều lớp công trình xây dựng và tàn tích chiến tranh. Cách tiếp cận mang tính lịch sử dài hơn đối với bối cảnh quân sự hóa này đã đặt cuộc Chiến tranh chống Mỹ vào mối tương quan lịch sử - môi trường đa tầng và sâu sắc.

Giải mã lịch sử thông qua hình ảnh

Cuốn sách gồm 6 chương được sắp xếp theo thứ tự thời gian, bắt đầu từ thời sơ khởi mà người Việt hiện đại định cư ven biển vào những năm 1400. Sau đó, độc giả lại tiếp tục “chứng kiến” mảnh đất đi qua năm tháng là thuộc địa của Pháp (1884-1945) trước khi chuyển sang tập trung vào các cuộc chiến tranh hiện đại, một giai đoạn hủy diệt quân sự khốc liệt trong lịch sử thế giới.

Để giúp độc giả có thể nắm bắt một công trình nghiên cứu mang tính hàn lâm, Biggs đã cẩn thận xây dựng một bản phác thảo cần thiết về các yếu tố quân sự và môi trường quan trọng trong lịch sử lâu dài của vùng duyên hải. Với lối kể chuyện trầm lắng và sâu sắc, câu chuyện của Biggs không chỉ xuất hiện qua hình ảnh của sông ngòi, núi đồi, nhà máy,... mà còn lồng ghép trong nhiều câu chuyện lịch sử của cuộc chiến tranh, cộng đồng và các cá nhân.

Điểm độc đáo trong tác phẩm của ông cũng nằm ở dữ kiện đồ sộ và đa dạng mà ông khai thác được. Trong đó, ông tiếp cận hàng trăm bức ảnh thuộc tài liệu quân sự được giải mật, các cứ liệu lịch sử từ văn khố, thư viện tại Huế, TP.HCM và Mỹ. Để có thêm cơ sở sàng lọc, đối chiếu, ông còn phát hiện một nguồn tài nguyên hình ảnh mà phần lớn vẫn chưa được các nhà sử học khai thác.

Biggs nhận ra khung thời gian diễn ra các cuộc chiến ở Việt Nam giai đoạn 1945-1975, hoàn toàn tương thích với giai đoạn một loạt đổi mới công nghệ đáng kinh ngạc, bao gồm sự phát triển của công nghệ chụp ảnh trên không, chụp ảnh độ cao, chụp ảnh vệ tinh và quét đa băng tần dựa trên vệ tinh. Từ đó, ông có thêm một nguồn tư liệu khác gồm nhiều bản đồ, ảnh chụp trên không và ảnh vệ tinh được tạo ra trong các cuộc xung đột hiện đại ở Việt Nam.

Những chứng cứ ông đưa ra có tác động mạnh mẽ đến những cuộc thảo luận về chiến tranh, cho thấy những gì đã và đang xảy ra khi con người xung đột - một quá trình tổn thương và biến dạng, đứt gãy và tái thiết, của môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa. Tất cả tạo nên một tác phẩm sinh động, mang đậm phong cách khoa học, đồng thời thể hiện cái nhìn sâu sắc, đầy thấu cảm cả trên phương diện xã hội và hệ sinh thái.

Đông Miên

Nguồn Znews: https://znews.vn/chien-tranh-nhin-tu-goc-do-moi-truong-va-canh-quan-post1489861.html