Chiềng Pha mở rộng diện tích cây ăn quả

Nhiều hộ dân ở xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, đã tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hiện nay, diện tích cây ăn quả của xã Chiềng Pha trên 127 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài, bưởi, thanh long... trong đó, trên 76 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 600 tấn quả các loại/năm. Diện tích cây ăn quả tập trung chủ yếu ở các bản Hưng Nhân, Quỳnh Thuận, là những địa bàn có lợi thế về đất đai, nguồn nước tương đối ổn định.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Thuận Châu hướng dẫn người dân chăm sóc cây bưởi da xanh.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Thuận Châu hướng dẫn người dân chăm sóc cây bưởi da xanh.

Nhắc đến mô hình cây ăn quả ở xã, phải kể đến gia đình chị Hoàng Thị Thu, bản Hưng Nhân. Đưa chúng tôi đi xem mô hình trồng bưởi da xanh phát triển tươi tốt, đang trong thời kỳ cho quả, chị Thu chia sẻ: Gia đình tôi đầu tư gần 800 triệu đồng để cải tạo hơn 8.000 m² đất vườn và mua cây giống bưởi da xanh về trồng. Đến nay, có gần 500 gốc bưởi da xanh, hơn 60 gốc bưởi Phúc Kiến. Năm vừa qua, doanh thu từ tiền bán bưởi được trên 400 triệu đồng. Hiện, tôi đang nghiên cứu áp dụng quy trình VietGAP cho vườn bưởi, nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc.

Ngoài được cán bộ khuyến nông giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh cho cây bưởi, chị Thu thường xuyên tìm hiểu qua sách, báo, internet, học hỏi một số mô hình trồng bưởi để áp dụng. Gia đình chị còn đầu tư hơn 20 triệu xây dựng hệ thống tưới ẩm tiết kiệm nước và hạn chế dùng phân vô cơ, mà chủ yếu ủ phân vi sinh từ bèo tây, vỏ cà phê, phân ủ cá, đậu tương để bón cho cây...

Tới thăm vườn thanh long của gia đình chị Lò Thị Dưng, bản Quỳnh Thuận, là người tiên phong đưa cây thanh long về trồng ở xã. Năm 2017, sau khi được huyện cho đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế, thấy mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo chuỗi liên kết của HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng ở Mai Sơn phù hợp, chị Dưng đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô, sắn sang trồng 400 trụ thanh long trên 3000 m² đất, chỉ sang năm thứ 2 đã cho quả và thu được 80 triệu đồng. Đến nay, gia đình đã phát triển lên 1.700 trụ trên diện tích 1,7 ha. Năm 2021, thu hoạch được 15 tấn quả, thu về hơn 300 triệu đồng.

Chị Dưng cho biết: Đầu năm 2020, tôi đã cùng các chị em trong bản thành lập HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận với 12 thành viên trồng 10 ha thanh long ruột đỏ, toàn bộ diện tích này đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. HTX chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Dự kiến năm nay, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 200 tấn quả.

Ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, cho biết: Những năm gần đây, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày, năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, các cơ sở cung cấp cây giống chất lượng; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân. Chỉ đạo cán bộ về các bản hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả hiệu quả tại các địa phương trong và ngoài huyện...

Xã Chiềng Pha đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng diện tích trồng cây ăn quả; trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chieng-pha-mo-rong-dien-tich-cay-an-qua-50614