Chiêu hiền, đãi sĩ

TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết về thu hút và sử dụng người tài trong bối cảnh hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho biết, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trân trọng đội ngũ trí thức, nhất là lúc bắt đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Nhiều trí thức, văn nghệ sĩ là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã tự nguyện trở về nước tham gia kháng chiến kiến quốc.

Ngay khi họ trở về nước, Người đã trao cho họ những công việc đúng với sở trường năng lực. Như ông Nguyễn Văn Huyên làm về giáo dục, ông Trần Đại Nghĩa làm về vũ khí... Nghĩa là không những có cách thu hút, mời người tài về, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn biết dùng người. Nhiều lần Bác nói: “Dụng nhân như dụng mộc”, nghĩa là gỗ có cái thẳng cái cong, con người có người này người kia nhưng phải biết sử dụng người vào đúng việc thì sẽ phát huy được hiệu quả.

Hiện nay Đảng, Nhà nước và nhiều địa phương cũng rất quan tâm và đề cập đến thu hút nhân tài. Tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn.

PV: Bộ Chính trị đánh giá, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

TS. Nguyễn Viết Chức: Chúng ta nói nhiều đến trọng dụng, thu hút nhân tài với nhiều biện pháp, cơ chế chính sách như: trả lương cao, cấp căn hộ, nhà ở nhưng các chính sách đó đem lại hiệu quả chưa cao. Bởi người tài đâu chỉ chờ căn hộ, vật chất. Người có tài, có tâm luôn mong sáng kiến của họ được sử dụng. Cho nên với người tài chúng ta phải thu hút và trọng dụng chứ không phải ưu đãi. Phải trân trọng và trọng dụng ý kiến của họ.

Theo ông trong bối cảnh hiện nay làm sao phát huy được vai trò, đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển của đất nước?

- Hiện tại chúng ta đang yếu ở khâu trọng dụng và sử dụng nhân tài như thế nào để không lãng phí nhân tài, tiền bạc và nảy sinh những bất cập. Tôi lấy ví dụ, tuyển một người có tài mà trả lương 100 triệu đồng/tháng, còn những người làm bao nhiêu năm lương cũng chỉ 5-10 triệu thì rõ ràng họ sẽ tâm tư, sẽ thấy bất công, không hợp tác, mà khi không có sự hợp tác thì người tài không thể làm một mình.

Người lãnh đạo phải là người hiểu rõ thế nào là người tài. Nếu không hiểu mình cần người tài làm việc gì thì làm sao có thể chọn được nhân tài. Giống như việc đang cần người cày mà lại chọn người đi cấy.

Người chọn và sử dụng nhân tài cũng phải rất công tâm. Không thể tuyển chọn con cháu, phe cánh, cũng đừng nhầm lẫn cứ có bằng cấp, học giỏi là người tài. Như thế sẽ mắc bệnh… sính bằng cấp. Quan điểm của tôi là luôn phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong việc trọng dụng nhân tài.

Thưa ông, đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nhiều người là chuyên gia đầu ngành, nếu chúng ta có cơ chế tốt thì có thể thu hút họ?

- Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mới phát triển tốt. Ủng hộ chính sách cầu hiền, thu hút và trọng dụng nhân tài nhưng phải chú trọng đến việc dùng người tài vào việc gì? Dùng như thế nào? Và bồi dưỡng như thế nào cho người tài, giỏi thêm tài, giỏi hơn nữa.

Tôi cho rằng đã là trí thức, người tài thì không phân biệt người trong nước hay người ngoài nước, miễn họ là người tài. Nhiều người không phải là người Việt Nam nhưng rất yêu Việt Nam, đóng góp cho Việt Nam. Miễn là người có tâm, có tài để làm cho đất nước Việt Nam phát triển cường thịnh, nhân dân Việt Nam hạnh phúc thì phải trân trọng, tìm mọi cách để họ phục vụ cho ta.

Có lẽ cũng cần có chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành, thưa ông?

- Tôi thấy ở trong nước hiện nay chúng ta có rất nhiều trí thức, cán bộ đã nghỉ hưu. Chúng ta hãy sử dụng họ không phải bằng cách cho họ thêm thời gian công tác mà nên đặt hàng họ những việc thấy cần thiết và phù hợp. Hiện nay đang có hàng trăm nghìn cán bộ đã nghỉ hưu, nhiều người đã 70-80 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, chúng ta nên lắng nghe ý kiến, tư vấn của họ.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chieu-hien-dai-si-5714610.html