Chiều nay, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm 'Ứng xử thế nào với xe hợp đồng?'
Tọa đàm 'Ứng xử thế nào với xe hợp đồng?' được Báo Giao thông tổ chức chiều nay (13/6), là diễn đàn để trao đổi, thảo luận, nhằm tìm ra một hướng đi rõ rệt hơn cho vận tải hành khách liên tỉnh trong thời gian tới.
Trong những năm qua, hoạt động vận tải đường bộ ngày càng phát triển mạnh mẽ, các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Nếu như năm 2013, cả nước có tổng số 121.897 phương tiện kinh doanh vận tải thì đến hết năm 2023, số xe kinh doanh vận tải là 921.333 xe, tăng gấp 7,5 lần.
Trong số 331.914 xe khách có 17.537 xe tuyến cố định, 225.264 xe hợp đồng, 4.717 xe du lịch, 74.222 xe taxi, 8.757 xe buýt và 1.417 xe trung chuyển.
Hiện nay, vận tải đường bộ vẫn đảm nhận tỷ trọng lớn tổng khối lượng vận chuyển hành khách. Thống kê năm 2023, vận tải hành khách đường bộ chiếm 91,39%.
Theo các chuyên gia, với số lượng xe hợp đồng chiếm đến gần 70% tổng số xe khách, loại hình vận tải này đang đóng vai trò rất lớn trong vận chuyển, luân chuyển hành khách, được nhiều người dân lựa chọn sử dụng.
Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều tranh cãi về khái niệm, quy định hoạt động của loại xe này dẫn đến lượng lớn xe hợp đồng đang được gọi bằng những cái tên như: xe trá hình tuyến cố định, xe hợp đồng trá hình.
Trong khi cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng vẫn đang loay hoay trong quản lý, xử lý các phương tiện này thì nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải cũng trăn trở, họ cho rằng, xe hợp đồng phát triển là phù hợp với thực tiễn, đáp ứng sự đòi hỏi về chất lượng dịch vụ vận tải ngày càng cao của người dân, trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ, chuyển đổi số.
Tọa đàm "Ứng xử thế nào với xe hợp đồng" do Báo Giao thông tổ chức với sự tham gia của cơ quan quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp vận tải sẽ là diễn đàn để trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra một hướng đi rõ rệt hơn cho vận tải hành khách liên tỉnh, để các doanh nghiệp có thể nâng cao chất lượng dịch vụ, người dân được thuận tiện mà Nhà nước cũng có công cụ quản lý hiệu quả, đảm bảo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh và ngày càng phát triển.
Tọa đàm diễn ra khoảng 14 giờ chiều 13/6, tại Hội trường tầng 6 Báo Giao thông, số 2 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội. Đồng thời, được phát trực tiếp trên các nền tảng truyền thông điện tử của Báo Giao thông và tường thuật trực tuyến trên Báo Giao thông điện tử.
Các khách mời tham dự tọa đàm:
1. Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam
2. Bà Lê Thu Mai , Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế
3. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
4. Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
5. Ông Đỗ Văn Bằng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội
6. GS.TS, Nhà giáo Ưu tú Từ Sỹ Sùa - Giảng viên Cao cấp trường Đại học GTVT
7. Ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH X.E Việt Nam
8. Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng
9. Ông Vũ Ngọc Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần lữ hành Sơn Hải