Chiều sâu, sức gợi của một tập tiểu luận phê bình văn học

Một trong những tập tiểu luận gần đây được bạn đọc quan tâm là 'Sóng đồng và cây núi' (Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ, 2020) của nhà phê bình Lê Quang Trang, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tên sách, theo lời tác giả “là ẩn dụ hay đủ gợi nghĩ về những vấn đề nóng bỏng và tác gia tiêu biểu của văn chương” vùng đất phương Nam. Sách dày 436 trang, gồm 17 bài nghiên cứu, lý luận, phê bình và chân dung 18 nhà văn, nhà văn hóa như: Chế Lan Viên, Trần Bạch Ðằng, Vũ Hạnh, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Anh Ðức, Nguyễn Khoa Ðiềm...

Với bất kỳ một nền văn học nào thì lý luận phê bình luôn đóng vai trò quan trọng với tính định hướng, sự khẳng định, tinh thần phê phán. Bản thân nhà phê bình phải ý thức cao về vai trò ấy mà miệt mài học tập, nâng tầm tri thức mới, đặc biệt phải luôn có cái tâm sáng và sự nhạy cảm trước những vấn đề mới. Cái tâm thể hiện ở trách nhiệm trước văn chương, trước đất nước. Với Lê Quang Trang, tôi biết, anh là một người rất trách nhiệm. Một câu, một từ anh dùng thường đích đáng, khó thay thế, những vấn đề đặt ra đều đáng suy nghĩ. Văn chương là một thành viên trong đại gia đình tinh thần đất nước. Ở đâu, thời nào thì nhà văn vẫn phải viết vì con người, vì cuộc sống đất nước mình. Vì lẽ cơ bản ấy mà anh bàn sâu về “cái tôi” nghệ sĩ, về trách nhiệm nhà văn với lịch sử, với hôm nay. Trước hiện tượng có một vài nhà văn quay lưng hoặc bàng quan với thiên chức hướng con người về chân trời lý tưởng của cái chân-thiện-mỹ, anh thẳng thắn và cũng thật thấu đáo “không xuất phát từ một quan điểm vững vàng, sự phân tích khoa học, đánh giá có cân nhắc toàn diện, thì đó (tức sáng tạo tác phẩm) chỉ là một cách a dua, xu thời”. Ở ngày hôm nay, Đảng và nhân dân thống nhất trong cơ thể đất nước này, dân tộc này thì sứ mệnh nhà văn là viết theo tiếng nói của Đảng cũng tức là viết theo tiếng gọi của lòng dân, của lương tri, của thời đại. Đi ngược lại hay xa rời đường lối của Ðảng không chỉ sai về nguyên lý mà còn là sự vi phạm chân lý và lạc lối về đạo lý. Thời hôm nay, chúng ta càng thấy câu nói của nhà văn Sholokhov mà anh Lê Quang Trang dẫn lại là rất đúng: “Tôi không viết theo chỉ thị của Ðảng mà theo chỉ thị của trái tim, nhưng trái tim tôi lại thuộc về Ðảng”.

Từng là lính đánh trận, là phóng viên chiến trường, nhiều năm làm quản lý, từ ở một tờ báo lớn cho đến làm lãnh đạo phong trào văn chương cả một địa phương, rồi cả nước... anh tận dụng vốn hiểu sâu biết rộng của mình, đặt vấn đề vào tính thực tiễn, thổi vào đó tâm nguyện của mình nên bài viết sinh động, nhất là một tâm huyết mong vấn đề được tiếp nhận, được hiểu đúng hơn, tốt hơn. Tôi thích lý luận phê bình của anh hơn là bình luận chân dung. Anh không ngại khó nói về những vấn đề nóng, nhạy cảm. Như về phê bình văn học, đã nhiều người nói nhưng gióng lên tiếng chuông “sa sút”, “có chiều đi xuống” cả về vai trò và vị trí như anh thì ít người. Quan trọng hơn là chứng minh một cách khá toàn diện, về sự “ít ý kiến đa dạng, mới mẻ và sắc sảo”; về văn phong chưa phù hợp với thời đại; về sự tác động còn thiếu chuẩn xác của các giải thưởng... Trên cơ sở ấy, anh đưa ra các giải pháp nhiều chiều, về sự nhận thức mang “tính chiến lược”; về đội ngũ, cả đội ngũ lãnh đạo quản lý tương xứng và đội ngũ chuyên gia, rồi đội ngũ biên tập... Hầu hết các bài về lý luận chung anh, đều đáp ứng cái cấu trúc tối ưu là làm rõ khái niệm/vấn đề/hiện tượng; đặt trong bối cảnh cụ thể để thấy rõ tính chất, ý nghĩa rồi đưa ra các giải pháp. Đấy là cách làm khoa học, bạn đọc tin và quý các giải pháp anh đưa ra cũng vì tin tác giả đã có những thao tác đáng tin.

Những vấn đề lý luận đặt ra trong tập sách khá rộng, từ vấn đề vĩ mô về “lý luận văn nghệ cách mạng” đến các khái niệm cơ bản như “phẩm chất dân tộc” rồi “lý thuyết thể loại” (tiểu thuyết) và phạm trù “cái tôi nghệ sĩ”... nhưng đều được bàn khá kỹ. Xét ở khía cạnh, cấp độ nào đó, chúng đã góp phần trả lời cho câu hỏi vấn đề ấy cần phải như thế nào trước yêu cầu hôm nay. Ở bài nào cũng đều toát ra cái đau đáu của một trách nhiệm trước thời cuộc, làm sao để tránh tình trạng “đường lối văn hóa văn học nghệ thuật bị lệch lạc, chạy theo những điều vụn vặt mà quên nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng, bồi đắp cái đẹp, cái thiện cho đời sống tinh thần của con người”.

Thiên hướng tư duy của Lê Quang Trang vẫn là tư duy lý luận. Anh mạnh về khái quát, về biện luận, về trình bày lớp lang khúc chiết, thể hiện ở ngay cách đặt tên bài phê bình chân dung: “Chế Lan Viên-Ngọn núi của tài năng lớn”; “Nguyễn Thi-Ðời và văn bi tráng”; “Anh Đức-Khốc liệt vẫn trữ tình”; “Thu Bồn-Phong phú và hoang dã”; "Nguyễn Khoa Điềm-Sục sôi và điềm đạm”... Anh viết sâu và hay, đầy cảm xúc về Chế Lan Viên, cũng là một cách để nhiều văn nghệ sĩ hiểu thêm và lấy đó làm tấm gương soi. Không chỉ là một nhà thơ lớn, Chế Lan Viên còn là một bản lĩnh nhất quán với quan niệm “bay theo đường dân tộc đang bay”, một người đã từng băn khoăn về “con đường không ra đường của kẻ tìm thơ” nên làm ra “Thơ không ra thơ của kẻ tìm đường”, nhưng khi đã tìm thấy lý tưởng thì nguyện là một người lái con tàu thi ca đến tận chân trời miền Tây Bắc để góp phần dựng xây Tổ quốc, như ý thơ trong bài “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”. Anh viết về Trần Bạch Đằng với lòng khâm phục “cây đại bút vượt tầm thành phố”, viết về Lê Đình Kỵ với sự nể phục một nhà phê bình có “óc lý luận và tim nghệ sĩ”, viết về Nguyễn Quang Sáng với sự ngưỡng mộ nhà văn Nam Bộ “độc và sắc”... 18 chân dung là 18 phong cách khác nhau, cách viết, cách triển khai vấn đề khác nhau nhưng chung một phong cách, trên cơ sở thấu hiểu trước tác văn nghiệp, thấu cảm đời tư nghệ sĩ để đưa ra những đánh giá khái quát mà cụ thể, sắc sảo kỹ càng mà tài hoa tinh tế!

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/chieu-sau-suc-goi-cua-mot-tap-tieu-luan-phe-binh-van-hoc-659485