Chim trời - Mối đe dọa lớn với máy bay
Chim trời tưởng chừng vô hại nhưng là mối dọa trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn máy bay thảm khốc trên thế giới.
Ngày 29/12, thế giới chấn động trước thông tin liên quan đến vụ tai nạn của chiếc Boeing 737-800 thuộc hãng hàng không Jeju Air từ Bangkok của Thái Lan đến sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc). Chuyến bay có 181 người, gồm 175 hành khách, 6 thành viên phi hành đoàn.
Thông tin ban đầu, các nhân viên kiểm soát không lưu đã cảnh báo máy bay về nguy cơ va chạm với chim, và phi công cũng đã phát tín hiệu báo nguy hiểm.
Theo hãng tin News1, một hành khách nhắn tin cho người thân nói rằng có một con chim bị kẹt trong cánh máy bay. Sau tai nạn, một trong hai thành viên phi hành đoàn sống sót nói với nhân viên cứu hộ rằng máy bay va chạm với chim.
Chim trời - mối dọa lớn với ngành hàng không
Đa số mọi người đều đánh giá thấp mối đe dọa từ những con chim nhỏ bé đối với hoạt động hàng không dân dụng, nhất là khi máy bay chở khách hiện nay đều sử dụng các công nghệ hiện đại nhất và nặng đến hàng chục tấn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tai nạn máy bay do chim trời diễn ra phổ biến, thậm chí từng gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng trong quá khứ.
Trước vụ việc thương tâm của máy bay Jeju Air, từng có nhiều tai nạn thảm khốc do chim gây ra.
Ngày 4/10/1960, chiếc máy bay số hiệu 375 của Eastern Air Lines (Mỹ) cất cánh từ sân bay Logan, Boston (Mỹ) đã đâm vào đàn chim sáo đá khiến ba trong bốn động cơ mất lực đẩy. Máy bay rơi xuống vịnh Winthrop, làm 62 trong số 72 người trên máy bay thiệt mạng.
Ngày 15/9/1988, một tai nạn thảm khốc khác do chim gây ra liên quan đến chuyến bay 604 của Ethiopian Airlines (Ethiopia). Chiếc Boeing 737-200 cất cánh từ sân bay Bahir Dar (Ethiopia) hút phải một đàn chim bồ câu, dẫn đến hỏng cả hai động cơ.
Phi hành đoàn buộc phải hạ cánh khẩn cấp, nhưng máy bay bốc cháy, làm 35 trong số 104 người trên máy bay thiệt mạng.
Một vụ tai nạn máy bay nổi tiếng khác liên quan đến chim trời là vào ngày 15/1/2009, chiếc Airbus A320 của hãng US Airways, Mỹ, đâm phải một đàn ngỗng Canada ngay sau khi cất cánh từ sân bay LaGuardia, New York, khiến cả hai động cơ hỏng.
Cơ trưởng Chesley "Sully" Sullenberger đã hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson, cứu sống toàn bộ 155 người trên máy bay.
Ngày 15/8/2019, chiếc Airbus A321 cất cánh từ sân bay Zhukovsky, Matxcơva, đã va chạm với một đàn mòng biển, dẫn đến hỏng cả hai động cơ. Đây là chuyến bay 178 của Ural Airlines (2019).
Cơ trưởng Damir Yusupov đã hạ cánh khẩn cấp xuống cánh đồng ngô gần đó, cứu sống toàn bộ 233 người trên máy bay, với chỉ một số người bị thương nhẹ.
Trong 112 năm qua, các vụ va chạm với chim khiến 795 người trên toàn thế giới thiệt mạng, 678 chiếc máy bay bị phá hủy.
Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ, mỗi năm chỉ riêng tại Mỹ có hơn 14.000 vụ va chạm với chim được báo cáo. Năm 2022, Cục Hàng không Dân dụng Vương quốc Anh báo cáo gần 1.500 vụ va chạm với chim.
Vì sao va chạm với chim là mối đe dọa với máy bay?
Có sự chênh lệch lớn giữa một con chim với một chiếc máy bay dân dụng thông thường. Tuy nhiên khi máy bay đang di chuyển với vận tốc lên tới 1.000 km/h, vụ va chạm có thể gây ra hậu quả đáng kể vì tốc độ va đập ở mức cực cao.
Theo ông Flavio Mandonca, phó giáo sư khoa học hàng không tại Đại học hàng không Embry-Riddle, máy bay có thể hư hỏng nặng nếu va chạm với chim trên không. Việc những con chim thường di chuyển theo bầy có thể khiến tình hình tồi tệ hơn.
“Khi vụ va chạm xảy ra, các phi công có thể không biết được động cơ của máy bay bị ảnh hưởng đến mức nào”, ông Flavio đánh giá.
Chuyên gia hàng không Doug Drury cho biết, việc va chạm với chim ảnh hưởng thế nào đến máy bay phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể kể đến như tốc độ va chạm, loại máy bay, vị trí va chạm.
“Hậu quả của việc này có thể khiến động cơ của máy bay dừng hoạt động. Điều này từng xảy ra với chuyến bay của Virgin Australia. Chiếc máy bay này là Boeing 737-800, phải bay với một động cơ trước khi hạ cánh xuống một sân bay”, ông Drury cho biết.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ va chạm giữa chim và máy bay, ngành hàng không và giới khoa học quốc tế đã triển khai nhiều biện pháp và công nghệ.
Hiện nhiều sân bay trên thế giới triển khai hệ thống radar để theo dõi hoạt động của chim trong thời gian thực, giúp kiểm soát không lưu và phi công phát hiện sớm sự hiện diện của chim và điều chỉnh lộ trình bay để tránh va chạm.
Ngoài việc sử dụng hệ thống phát hiện tốt hơn để cảnh báo phi công điều chỉnh đường bay, một số kỹ thuật có thể được sử dụng để xua đuổi chim. Tín hiệu báo động chim, động vật mồi hoặc sử dụng âm thanh và ánh sáng là một số cách để xua đuổi chim khỏi máy bay gần sân bay.
Ngoài ra, các nhà bảo tồn chim cũng ủng hộ việc tạo ra các hành lang di cư an toàn cho các loài chim. Đây là mạng lưới các môi trường sống được kết nối được tạo ra sau khi xác định các tuyến đường di cư chung của loài chim.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chim-troi-moi-de-doa-lon-voi-may-bay-ar917021.html