Chính phủ ban hành Nghị quyết đầu tiên theo cơ chế đặc biệt giải quyết khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 66.1/2025/NQ-CP ngày 18/7/2025 quy định xử lý khó khăn, vướng mắc về việc lập mới, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch phân khu đối với khu vực hình thành đô thị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Nghị quyết này quy định về việc lập mới, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch phân khu khi thực hiện sắp xếp ĐVHC các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; áp dụng đối với khu vực hình thành đô thị có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có quy mô dân số dự báo theo thời hạn 10 năm đạt từ 45.000 người trở lên đối với TP trực thuộc trung ương; từ 15.000 người trở lên đối với tỉnh hình thành sau sắp xếp ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới; từ 21.000 người trở lên đối với các tỉnh hình thành sau sắp xếp còn lại.

Nghị quyết nêu rõ, quy hoạch phân khu đối với khu vực hình thành đô thị có thể được lập mới, điều chỉnh đồng thời với quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung đô thị và được phê duyệt trước khi phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị. Sau khi phê duyệt, quy hoạch phân khu được cập nhật, tích hợp trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Nội dung quy hoạch phân khu đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn và bảo đảm các yêu cầu bao gồm ranh giới, quy mô diện tích lập quy hoạch phân khu tại quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch trên cơ sở rà soát, xác định tính chất, chức năng, vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khả năng kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự kiến lập quy hoạch; tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị và nông thôn, quy định của pháp luật có liên quan.

Nghị quyết nêu rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập mới, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch phân khu.

Theo đó, UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị trực thuộc lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu.

Cơ quan chuyên môn về quy hoạch đô thị và nông thôn cấp tỉnh tổ chức thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu.

UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu trên cơ sở báo cáo thẩm định và hồ sơ do cơ quan chuyên môn về quy hoạch đô thị và nông thôn cấp tỉnh trình.

UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định trước khi phê duyệt trong trường hợp việc lập quy hoạch phân khu đối với khu vực hình thành đô thị làm thay đổi vượt quá các chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh theo pháp luật về đất đai.

UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định trước khi tổ chức lập mới, điều chỉnh trong trường hợp quy mô dân số dự báo thấp hơn mức quy định tại Điều 1 Nghị quyết này.

Trình tự, thủ tục lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu tại khoản 1, 2 và 3 Điều này theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành (18/7/2025) đến hết ngày 28/2/2027.

Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có hiệu lực thi hành sau ngày Nghị quyết này được thông qua và trước ngày 1/3/2027 thì các quy định tương ứng được ban hành trong Nghị quyết này chấm dứt hiệu lực.

Trong thời gian các quy định của Nghị quyết này có hiệu lực, nếu quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước, trình tự, thủ tục trong Nghị quyết này khác với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thì thực hiện theo quy định tại Nghị quyết này.

Đây là Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ ban hành theo cơ chế đặc biệt giải quyết khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 206/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.

Nghị quyết 206/2025/QH15 nêu rõ, khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật được xử lý theo các phương án bao gồm giải thích luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Điều 60 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 61 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để quy định vấn đề mới, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định hiện hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Ban hành nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 dưới đây trong thời gian luật, nghị quyết của Quốc hội chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế theo phương án quy định tại điểm b nêu trên.

Trong thời gian luật, nghị quyết của Quốc hội chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế theo phương án quy định tại điểm b nêu trên, Chính phủ được ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số quy định của luật, nghị quyết do Chính phủ trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại phiên họp, kỳ họp gần nhất

Theo Nghị quyết 206/2025/QH15, Nghị quyết của Chính phủ được ban hành theo quy định này được đánh số, ký hiệu riêng để theo dõi, xử lý. Số, ký hiệu của nghị quyết bao gồm số được ghi bằng chữ số Ả Rập, thứ tự được đánh liên tiếp theo các năm, bắt đầu từ 66.1; năm ban hành nghị quyết; ký hiệu là NQ-CP. Sau từ "số" có dấu hai chấm (:), giữa số nghị quyết, năm ban hành và ký hiệu có dấu gạch chéo (/). Ví dụ: Nghị quyết số: 66.1/2025/NQ-CP.

Tường Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chinh-phu-ban-hanh-nghi-quyet-dau-tien-theo-co-che-dac-biet-giai-quyet-kho-khan-vuong-mac-do-quy-dinh-cua-phap-luat.html