Chính phủ cần có kế hoạch tổng thể để liên kết vùng
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng nay 25-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đã đề xuất nhiều giải pháp lên quan đến công tác quy hoạch vùng, đất đai, giải pháp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, chính sách hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản…
Thời gian qua, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong 4 tháng đầu năm, hơn 30.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,6% so cùng kỳ. Đời sống, việc làm người lao động, an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh, đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như là sự điều hành của Chính phủ, của các địa phương trong việc tìm ra những giải pháp vừa thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự đóng góp rất lớn của nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang cho biết thời gian qua nổi lên một số vấn đề cần Chính phủ quan tâm, có giải pháp để ổn định giá cả thị trường. Vì hiện nay, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người nông dân.
Các mặt hàng nông sản đầu ra bấp bênh, giá không ổn định, trong khi đó giá vật tư nông nghiệp, giá phân bón thì rất cao. Vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách quan tâm hỗ trợ đối với nông dân, đặc biệt là trong thời điểm chúng ta đang chuyển qua hướng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề Chính phủ ưu tiên biên chế cho ngành giáo dục và ngành y tế. Qua giám sát về thực hiện chính sách pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì các địa phương cho thấy việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giáo dục đào tạo là đảm bảo nhưng do thiếu giáo viên nên buộc phải dồn lớp. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn ảnh hưởng đến các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia.
Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang cho biết, tại phiên giải trình do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức mới đây thì giữa 2 bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nội vụ cũng chưa “gặp nhau” về vấn đề biên chế.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói rằng chúng ta sẽ được quyền thi tuyển. Tuy nhiên hiện nay tình trạng thiếu biên chế rất nhiều, thi tuyển bao nhiêu để tuyển dụng thì chưa có số liệu cụ thể nhưng phải giảm 10% biên chế hằng năm vẫn phải làm. Hiện tại thiếu biên chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu mà lại giảm thì ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư của đội ngũ giáo viên.
Không chỉ giáo dục mà ngành y tế cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu biên chế, nhất là y tế cơ sở. Hiện tại đội ngũ y tế cơ sở áp lực rất lớn. Trong đợt dịch vừa qua nếu chúng ta không vận động, tuyên truyền thì họ xin ra khỏi ngành. Vì vậy, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ y tế.
Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang
Liên quan đến tỉnh Bình Phước, Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang cho biết, tỉnh đang được bổ sung vào Quy hoạch điện VII với 6 dự án điện năng lượng mặt trời, tương đương với 850MW. Đến nay, 6 dự án này đã mang lại giá trị kinh tế rất cao và có nhiều đóng góp cho nguồn thu ngân sách của tỉnh. Đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét và tiếp tục đưa vào quy hoạch điện VIII khoảng 4.000MW để phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn ĐBQH tỉnh, hạn chế hiện nay là liên kết vùng, quy hoạch vùng kinh tế mặc dù luôn được đề cập trong các báo cáo của Quốc hội. Kỳ họp nào cũng có, nhiệm kỳ nào cũng có nhưng kết quả đạt được từ quy hoạch vùng chưa nhiều, chưa đáp ứng được mong đợi. Các đề án quy hoạch vùng được xây dựng từ nhiều năm qua, tuy nhiên đến nay có thể thấy rằng việc quy hoạch và liên kết vùng với tư cách là một đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng chưa được hiện thực hóa, chưa trở thành động lực cho phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.
Theo đại biểu Vũ Ngọc Long, nguyên nhân là chưa có đề án chính thức - chưa có cơ chế ràng buộc nên các địa phương trong vùng kinh tế dường như chưa có nhiều dự án kết nối, chưa có liên kết, gắn kết với nhau cùng phát triển. Cụ thể nhất là kết nối giao thông giữa Bình Phước và Đồng Nai. Việc khôi phục cây cầu Mã Đà, vốn là cây cầu từng tồn tại trong lịch sử, bị bom đạn chiến tranh phá hủy, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được… Nếu không có sự vào cuộc của Chính phủ bằng một kế hoạch tổng thể thì liên kết giữa các tỉnh khó mà thực hiện được.
Đại biểu Vũ Ngọc Long cho rằng, quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn cho phát triển xã hội. Tuy nhiên, quy hoạch hiện nay còn rất nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Đơn cử là quy hoạch sử dụng đất. Cử tri Bình Phước cũng đã kiến nghị rất nhiều lần về quy hoạch sử dụng đất liên quan đến đất lâm phần. Gọi là đất lâm phần, nhưng thực tế đã hình thành khu dân cư với đầy đủ hạ tầng giao thông, điện… nhưng vẫn thuộc đất lâm phần, người dân không chuyển đổi được, không phát huy được giá trị sử dụng đất. Cử tri nhiều năm kiến nghị nhưng không giải quyết được.
Đại biểu Vũ Ngọc Long nêu thực tế hiện nay, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở phải theo định mức phân bổ, hết định mức phân bổ thì không thể chuyển đổi được, dù diện tích đất đó nằm ở giữa khu dân cư, giữa khu đô thị nhưng vẫn là đất nông nghiệp. Cho nên cần phải thay đổi bằng quy hoạch đất theo vùng. Vùng nào là đô thị, dân cư thì đất ở khu vực đó đương nhiên là đất ở chứ không phải xin chuyển đổi với khoản phí rất lớn…