Chính phủ cho ý kiến đối với 5 dự án Luật
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025 (Phiên thứ 2).

Tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025 (Phiên thứ 2), Chính phủ quyết nghị về 5 dự án Luật. Ảnh: CP
Tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025 (Phiên thứ 2), Chính phủ quyết nghị về 5 dự án Luật gồm: Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Trong đó:
Ưu tiên cho chi đầu tư phát triển
Đối với Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi): Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật, bảo đảm:
Vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và sự chủ động của ngân sách địa phương; ưu tiên cho chi đầu tư phát triển; rà soát để có quy định phù hợp về việc ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện đầu tư các công trình, dự án; sử dụng ngân sách địa phương đầu tư các công trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương; nghiên cứu tăng mức bố trí dự phòng ngân sách nhà nước.
Rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật (như: Luật Đầu tư công, Luật Phí và lệ phí, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...). Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật; trên cơ sở đó, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định; chủ động báo cáo, giải trình với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định. Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật này.
Nghiên cứu bổ sung quy định chủ đầu tư quyết định, tự chịu trách nhiệm về đấu thầu, chỉ định thầu
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, bảo đảm một số yêu cầu:
Rà soát, nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Đấu thầu quy định chủ đầu tư quyết định và tự chịu trách nhiệm về việc đấu thầu hay chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu, đồng thời quy trình, thủ tục phải bảo đảm nhanh chóng, không rườm rà như quy định hiện hành; việc thành lập và thành phần của Hội đồng thẩm định cần nghiên cứu để gọn hơn, không quá cồng kềnh, làm mất nhiều thời gian.
Rà soát kỹ các nội dung cần có quy định chuyển tiếp tại dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tạo khoảng trống pháp lý sau khi Luật này có hiệu lực thi hành. Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật này.
Tháo gỡ các vướng mắc về xử lý nợ xấu và hoạt động ngân hàng
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng: Chính phủ giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật, bảo đảm yêu cầu:
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa và phân bổ nguồn lực đi đôi với giám sát, kiểm tra; cắt giảm, đơn giản hóa triệt để thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 66/NQ-CP, không để chạy chọt, xin - cho; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu và hoạt động ngân hàng, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Hoàn thiện quy định về thu giữ tài sản bảo đảm để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan; rà soát kỹ các nội dung cần có quy định chuyển tiếp tại Dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tạo khoảng trống pháp lý sau khi Luật này có hiệu lực thi hành.
Giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật này./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/chinh-phu-cho-y-kien-doi-voi-5-du-an-luat-39793.html