Chính phủ đã rất thẳng thắn, không né tránh

Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Nhiều ý kiến đánh giá cao các kết quả đạt được 9 tháng qua. Có đại biểu đánh giá, báo cáo của Chính phủ đầy đủ, dày dặn, thẳng thắn và không né tránh.

Chính phủ, Thủ tướng chính phủ sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp: Đi cùng nhau, tất cả cùng chiến thắng Còn né tránh, đùn đẩy thì giải ngân sẽ lại tiếp tục "bàn mãi, bàn nữa" Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát Đại biểu Quốc hội hiến kế khắc phục những tồn tại của nền kinh tế

Tiền lương thấp không phải là căn nguyên của công chức nghỉ việc

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) và nhiều ĐB đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, chúng ta đã đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong 9 tháng qua.

Theo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

ĐBQH Tô Văn Tám: Chính phủ đã rất thẳng thắn, không né tránh.

ĐBQH Tô Văn Tám: Chính phủ đã rất thẳng thắn, không né tránh.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 đã thể hiện 12 thành quả nổi bật; chỉ ra 10 hạn chế, khó khăn; 6 bài học kinh nghiệm; 11 nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2022 và 12 giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. “Đây là một báo cáo đầy đủ, dày dặn, thẳng thắn và không né tránh” - ĐB Tô Văn Tám nhận định.

Điểm sáng là tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 8,83%, kiểm soát được lạm phát, thành quả giảm nghèo được đánh giá cao, công tác xây dựng thể chế là một đột phá chiến lược. “Cử tri và dư luận đánh giá cao các thành tựu này” - ĐB Tô Văn Tám nói.

Về thực trạng gần 40 nghìn cán bộ công chức nghỉ việc, chuyển việc, theo ĐB, đây là vấn đề đặt ra cho hoạt động quản trị của Chính phủ. Đây là xu hướng không chỉ của nước ta mà của nhiều nước, chuyển dịch nhân sự ra khỏi khu vực công, nhưng họ vẫn cống hiến cho đất nước. Nguyên nhân là tiền lương thấp, nhưng nếu coi là nguyên nhân căn nguyên của vấn đề thì không phải, mà còn có nguyên nhân là do áp lực lớn. Khu vực công yêu cầu trách nhiệm cao của công chức trước nhân dân, “cán bộ công chức là công bộc của dân”, đúng như Bác Hồ nói.

ĐB Tô Văn Tám bày tỏ tán thành trước các giải pháp xử lý của Chính phủ. Ngoài ra, ĐB đề nghị, cần xử lý hợp lý cán bộ và bộ máy; cơ hội thăng tiến công bằng, minh bạch; hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức; quan tâm bằng cơ chế lương thích hợp; cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị.

Địa phương gặp khó khi giải ngân vốn đầu tư công

ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) quan tâm đến việc giải ngân vốn khó khăn của các địa phương. Năm 2022 là năm triển khai nhiều dự án mới, nhưng tiến độ giải ngân 9 tháng mới đạt 46,7%, thấp hơn so với năm 2021. Trong đó, giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang rất chậm. Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm, chưa có chuyển biến. Nguyên nhân do dịch bệnh, giá nguyên nhiên vật liệu cao, giải phóng mặt bằng chậm. Còn nguyên nhân chủ quan đó là: thái độ thực thi công vụ của cán bộ công chức chưa cao, vướng do cơ chế.

Các ĐBQH trong phiên họp sáng 27/10.

Các ĐBQH trong phiên họp sáng 27/10.

ĐB Bế Minh Đức cho rằng, vẫn còn nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm như: thể chế chính sách còn bất cập; từ khi hình thành dự án đến tổ chức thi công trải qua rất nhiều thủ tục; giải phóng mặt bằng phải có 12 bước; mỗi giai đoạn phải thực hiện các yêu cầu, thủ tục, trình tự nghiêm ngặt; một số quy định còn có sự giao thoa, chồng chéo nên mất rất nhiều thời gian. Năm 2022 triển khai nhiều quy định mới nên địa phương cũng mất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn.

Đây cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. Có ý kiến đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành sớm các tuyến đường giao thông huyết mạch, liên kết vùng, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề được nhân dân và cử tri quan tâm cũng được các ĐBQH phản ánh tới Quốc hội. Có ĐB đề nghị: Cần giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu thuốc, thiếu thiết bị vật tư y tế kéo dài từ đầu đại dịch đến nay. Vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, đặt biệt là trong ngành y tế, giáo dục nghỉ việc cũng làm cho cử tri lo lắng, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động, các dịch bệnh khác có thể bùng phát. Cũng có ý kiến đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến người lao động sau đại dịch...

“Bức tranh” sáng kinh tế - xã hội

Theo báo cáo của Chính phủ: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6 - 6,5%). Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và giao kế hoạch vốn chi tiết 3 Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 92 nghìn tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025; cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-phu-da-rat-thang-than-khong-ne-tranh-115471.html