Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8,3 - 8,5%

Thủ tướng yêu cầu huy động tổng lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao, làm nền tảng cho giai đoạn 2026 - 2030.

Lựa chọn phương án tăng trưởng cao hơn để tạo đà bứt phá

Ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Hội nghị kết nối tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các xã, phường trên cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Trong đó, kịch bản 1 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 8%, tương ứng với GDP quý III tăng 8,3% và quý IV đạt 8,5%. Quy mô GDP năm 2025 ước đạt trên 508 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người trên 5.000 USD.

Kịch bản 2 cao hơn, với mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025. Theo đó, quý III dự kiến tăng 8,9 - 9,2%, quý IV đạt 9,1 - 9,5%, đưa quy mô GDP lên hơn 510 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người vượt 5.020 USD.

Bộ Tài chính đề xuất lựa chọn kịch bản 2 nhằm tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt từ 10% trở lên. Để thực hiện được mục tiêu này, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm cần đạt khoảng 111 tỷ USD, trong đó đầu tư công phải giải ngân khoảng 28 tỷ USD, đầu tư tư nhân 60 tỷ USD, vốn FDI giải ngân 16 tỷ USD và các nguồn đầu tư khác khoảng 7 tỷ USD.

Cùng với đó, Bộ kiến nghị điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng tại địa phương và doanh nghiệp Nhà nước theo hướng cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP. Ví dụ, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần tăng trưởng 8,5%, Quảng Ninh 12,5%, Thái Nguyên 8%. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được yêu cầu tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu đầu năm khoảng 0,5%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mục tiêu khó nhưng không bất khả thi

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025 là khó nhưng không phải bất khả thi, đồng thời nhấn mạnh nếu không đạt được trong năm nay sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo và các mục tiêu chiến lược 100 năm.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh, giao mục tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng quý, từng ngành, địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với tinh thần "làm việc nào dứt việc đó", phân công rõ "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả và rõ thẩm quyền.

Các mục tiêu chủ yếu gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng dưới 4,5%, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt từ 8,3 - 8,5% và năm 2026 đạt 10% trở lên, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tổng đầu tư xã hội năm 2025 khoảng 2,8 triệu tỷ đồng; trong đó đầu tư công khoảng 1 triệu tỷ đồng và các nguồn khác khoảng 1,8 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chỉ tiêu tăng trưởng bảo đảm sát tình hình, mang tính cụ thể, tính khả thi, tính chiến đấu cao, tính hệ thống và đồng bộ, tính hiệu quả để bảo đảm mục tiêu đề ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu xây dựng, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chỉ tiêu tăng trưởng bảo đảm sát tình hình, mang tính cụ thể, tính khả thi, tính chiến đấu cao, tính hệ thống và đồng bộ, tính hiệu quả để bảo đảm mục tiêu đề ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ổn định tỷ giá, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và sinh kế cho người dân, kiểm soát dòng vốn tín dụng đi vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội. Đồng thời, phát hành trái phiếu Chính phủ dài hạn để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực động lực tăng trưởng.

Về thực hiện 3 đột phá chiến lược, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành các mục tiêu về đường cao tốc, đường ven biển, khởi công các dự án đường sắt; các địa phương được giao công trình, dự án cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế mới.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo các bộ tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết về đột phá phát triển y tế, giáo dục, văn hóa; thúc đẩy công nghiệp văn hóa, chính sách visa du lịch; bảo đảm mục tiêu 25 triệu du khách năm 2025.

Thủ tướng cũng lưu ý việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước 31/8, đặc biệt với người có công trước 27/7. Chương trình nhà ở xã hội cần triển khai quyết liệt hơn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ hoàn thành Nghị quyết Chính phủ giải quyết các vướng mắc về quy hoạch, vốn ODA, vật liệu xây dựng trong tháng 7; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhưng không để ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng.

"Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu thiết lập cơ chế giám sát, tổng kết định kỳ, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đủ năng lực, gần dân, sát dân, phục vụ hiệu quả.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-phu-dat-muc-tieu-tang-truong-gdp-nam-2025-tu-8-3-8-5-410786.html