Chính phủ đề nghị Quốc hội cho Cần Thơ thí điểm một số cơ chế đặc thù

Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép Cần Thơ được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển và trước mắt đã được Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đồng thuận về cơ bản, chỉ góp ý thêm một số nội dung.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo. Ảnh: VGP

Tại kì họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 4-1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

sao Cần Thơ được đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù

Nói về sự cần thiết ban hành nghị quyết, ông Dũng cho biết việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Ông cho biết cần thiết ban hành nghị quyết vì nhiều lý do khác nhau.

Thứ nhất, thành phố Cần Thơ là đô thị loại một trực thuộc Trung ương, có vị trí trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố này mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội. Cần Thơ cũng là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế – đô thị năng động nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long là trục hành lang thành phố Hồ Chí Minh – thành phố Cần Thơ và Trục sông Hậu (An Giang – Cần Thơ – Sóc Trăng). Cần Thơ đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng – an ninh của vùng.

“Tuy nhiên, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ, Bộ Chính trị đã chỉ ra rằng mặc dù thành phố đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chưa thực sự là trung tâm động lực của Vùng đồng bằng sông Cửu Long,” ông Dũng nói.

Thêm nữa, Chính phủ còn nhận xét cơ cấu kinh tế của Cần Thơ chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp; phát triển ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành và chưa xây dựng được các khu liên kết sản xuất của vùng. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn bất cập, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của thành phố Cần Thơ và Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Cần Thơ chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân liên kết và kết nối vùng.

Ông Dũng nói: “Tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị đã chỉ ra cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Cần Thơ chưa đủ mạnh để tạo ra động lực mới cho phát triển. Nhất là trong thu hút đầu tư, chưa tạo ra nguồn lực lớn để tạo sự phát triển đột phá.”

Một lý do nữa mà Chính phủ đặt ra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là: Nghị quyết số 59-NQ/TW 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu phát triển thành phố này đến năm 2030 là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị đã định hướng cho phép xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước. Bộ Chính trị giao Chính phủ xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, ban hành.

Một góc Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tán thành và góp ý thêm

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo trên của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, các ý kiến của ủy ban này cho rằng: “Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.”

Ông Cường cho hay việc ban hành nghị quyết sẽ tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, các nội dung trong dự thảo Nghị quyết đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước. Đặc biệt, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có những chính sách đặc thù khác với nhiều địa phương khác – tương thích với đặc điểm riêng, tạo cơ sở phát huy được thế mạnh của vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, lợi thế con người.

Tuy nhiên, để bảo đảm phát triển bền vững, ông Cường cho rằng cần khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên trên nguyên tắc bảo vệ môi trường sinh thái; đề cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước; thu hút thực chất và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế – xã hội, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế đặc thù.

Về việc cho phép thành phố Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất này vì sẽ góp phần tạo dư địa để thành phố Cần Thơ có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển và cũng tương đồng với mức dư nợ được áp dụng cho một số địa phương như thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc vì thực tế thời gian qua chưa địa phương nào vay được tối đa theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, việc quy định nội dung này chỉ mang tính hình thức.

Dự thảo Nghị quyết quy định hằng năm ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu NSTW (từ các khoản thu phân chia và một số khoản thu NSTW hưởng 100% so với dự toán). Nhưng không vượt quá tổng số tăng thu NSTW trên địa bàn so với thu năm trước và NSTW không hụt thu.

Ông Cường cho biết đa số ý kiến nhất trí với đề xuất này và cho rằng, quy định này không mới. Hiện thành phố Cần Thơ đang được hưởng theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 103/2018/NĐ-CP và tương tự như cơ chế Quốc hội vừa cho phép thành phố Hải Phòng được hưởng.

“Có ý kiến đề nghị cân nhắc vì trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn rất phức tạp như hiện nay, NSTW phát sinh rất nhiều khoản chi, trong trường hợp NSTW tăng thu so với dự toán, cần bố trí chi cho các nhiệm vụ cấp bách khác. Có ý kiến cho rằng, đây không phải chính sách mới, do đó đề nghị không quy định tại Nghị quyết này,” ông Cường nói.

Về nội dung dự thảo Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ được ban hành phí, lệ phí chưa có trong danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của Luật. Ông Cường cho hay đa số ý kiến nhất trí với đề xuất trên vì chính sách này tương tự như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng đang được hưởng và phù hợp với thực tế của Cần Thơ. Tuy nhiên, đề nghị trong triển khai cần bảo đảm nguyên tắc có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của Thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm công khai, minh bạch.

Song cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống, sản xuất, kinh doanh, việc ban hành thêm hoặc điều chỉnh mức phí, lệ phí có thể ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và kích cầu phục hồi kinh tế.

Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 héc ta. Ông Cường cho biết đa số ý kiến cho rằng, quy định này tương tự như một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép. Do vậy, nhất trí như dự thảo. Tuy nhiên, với đặc thù là địa phương nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, do vậy, việc chuyển đổi phải tuân thủ các điều kiện: lấy ý kiến công khai và được sự đồng thuận của các chủ thể chịu sự tác động của việc chuyển đổi; không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; không ảnh hưởng đến an ninh lương thực; phải mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội thiết thực, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt…

“Có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung trên vì Cần Thơ có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện nay, việc khiếu kiện tại một số địa phương chủ yếu liên quan đến đất đai, nhất là đất trồng lúa; việc chuyển đổi có thể ảnh hưởng đến người nông dân và trật tự xã hội,” ông Cường nói.

Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ đề xuất Cần Thơ được thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội theo quy định, Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố quy định.

Việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi thu nhập tăng thêm quy định tại Điều này chỉ được thực hiện khi Thành phố tự cân đối được ngân sách.

Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, ông Cường cho hay đa số ý kiến nhất trí với dự thảo quy định vì cho rằng: nội dung này phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách tiền lương, theo đó Cần Thơ chỉ được phép cải cách tiền lương khi tự cân đối được ngân sách; chính sách này tương tự như đối với thành phố Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Có ý kiến cho rằng, mức sống, giá cả tại Cần Thơ thấp hơn so với thành phố Hồ Chí Minh, nguồn thu hạn chế. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, Quốc hội đã có Nghị quyết lùi thời gian cải cách tiền lương nên việc thực hiện chính sách này cần cân nhắc thận trọng, lựa chọn thời điểm phù hợp.

Về khu liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, đa số ý kiến tán thành việc thành lập Trung tâm và các nội dung ưu đãi theo đề xuất của Chính phủ vì phù hợp với tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị; tạo cơ chế hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh của khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với đặc thù của Cần Thơ và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mức ưu đãi thuế, thời hạn ưu đãi đã được quy định theo hướng tham khảo các mức ưu đãi đang được áp dụng cho các khu kinh tế. Tuy nhiên, đề nghị trong tổ chức thực hiện cần bảo đảm chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, lợi dụng chính sách.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chinh-phu-de-nghi-quoc-hoi-cho-can-tho-thi-diem-mot-so-co-che-dac-thu/