Chính phủ đề xuất không đấu giá quyền khai thác đối với một số loại khoáng sản

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm 12 chương, 117 điều, tăng 1 chương và 31 điều so với Luật Khoáng sản năm 2010, nội dung bám sát vào 5 chính sách đã được thông qua.

Chiều 20/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.

Dự thảo luật bám sát vào các chính sách đã được thông qua

Trình bày Tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, dự thảo luật gồm 12 chương, 117 điều, tăng 1 chương và 31 điều so với Luật Khoáng sản năm 2010, nội dung bám sát vào các chính sách đã được thông qua. Gồm: Chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản. Hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; hoàn thiện chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Mội trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình dự án Luật Khoáng sản.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Mội trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình dự án Luật Khoáng sản.

Dự thảo luật có một số điểm mới, như: Quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương. Bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản…

Theo đó, tại điều 104, Chính phủ đề xuất không đấu giá quyền khai thác đối với khoáng sản năng lượng, phóng xạ; khoáng sản đã được xác định trong chiến lược, quy hoạch phát triển ngành quốc gia. Ngoài ra, khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho dự án chế biến sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch; khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh cũng nằm trong diện không đấu giá. Trường hợp còn lại do Thủ tướng và Chính phủ quy định.

Tránh khoảng trống pháp lý dẫn đến thất thoát khoáng sản

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật; về phân nhóm khoáng sản (điều 7), Ủy ban cơ bản thống nhất với quy định phân 4 nhóm khoáng sản như dự thảo luật, trong đó tách riêng nhóm khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường (nhóm III) và khoáng sản làm vật liệu san lấp (nhóm IV).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra.

Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu giải trình, tiếp thu các ý kiến nêu trên, tránh khoảng trống pháp lý dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí. Ngoài ra, quy định phân nhóm khoáng sản cần lưu ý các vấn đề liên quan đến một số khoáng sản như than, quặng phóng xạ, titan, bauxit và mối quan hệ giữa than, dầu và khí, đá phiến.

Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, đa số thành viên Ủy ban tán thành quan điểm của Chính phủ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như dự thảo luật. Lý do: khoáng sản là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, vì vậy, nhà đầu tư phải trả một khoản tiền để được thực hiện quyền khai thác. Cơ sở pháp lý của việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, thu thuế tài nguyên được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 121 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, khoản 2 điều 3 Luật Quản lý thuế; Luật Tài nguyên nước cũng quy định về hai khoản thu này đối với tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác đã được quy định tại Điều 77 Luật Khoáng sản hiện hành và trong thời gian qua, ngân sách Nhà nước đã thu được số tiền lớn. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Quốc hội về kinh nghiệm quốc tế đối với nội dung tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tổng kết tình hình thực hiện tiền cấp quyền khai thác các loại tài nguyên trong thời gian qua.

Tránh tình trạng “xin - cho” quyền khai thác khoáng sản

Thảo luận về dự án luật, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là cấp quyền sử dụng khai thác khoáng sản, sử dụng kinh phí từ cấp quyền khai thác khoáng sản. Nói về chính sách của Nhà nước về sử dụng kinh phí từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cho rằng, theo quy định của luật hiện hành, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương đối với Giấy phép do Trung ương cấp; 100% cho ngân sách địa phương đối với Giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát quy định của dự thảo luật về tỷ lệ trích kinh phí phù hợp với nguyên tắc nộp các khoản thu về ngân sách trung ương hoặc địa phương. Hoặc có thể sửa theo hướng “Nhà nước bố trí ngân sách để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản”.

Đối với quy định “Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản” đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, cần làm rõ nội dung quy định này, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại phiên họp.

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Dương (đoàn Tiền Giang) đề nghị áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đầu thầu trong hoạt động khai thác khoáng sản, để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng “xin - cho” quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đấu thầu thực hiện dự án khoáng sản, trừ khu vực chứa khoáng sản năng lượng, phóng xạ, hạt nhân, khu vực khoáng sản tại vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chinh-phu-de-xuat-khong-dau-gia-quyen-khai-thac-doi-voi-mot-so-loai-khoang-san-i734986/