Chính phủ liên minh Đức ủng hộ mục tiêu khí hậu 90% của EU kèm điều kiện

Ngày 14/4, chính phủ sắp tới của Đức tuyên bố ủng hộ mục tiêu cắt giảm 90% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2040 của Liên minh châu Âu (EU), với điều kiện các quốc gia thành viên được phép sử dụng tín chỉ carbon quốc tế để bù đắp một phần lượng khí thải thay vì phải cắt giảm hoàn toàn trong nước.

Một nhà máy điện than tại Garzweiler, Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Một nhà máy điện than tại Garzweiler, Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Lập trường này được nêu trong thỏa thuận liên minh vừa được công bố hôm 9/4 giữa hai đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) theo xu hướng trung hữu, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhanh vào tháng 2 và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả. Thỏa thuận dài 144 trang vẫn cần được hơn 300.000 đảng viên SPD phê chuẩn.

Trong văn kiện này, hai đảng tái khẳng định cam kết đưa nước Đức đạt mức trung hòa carbon vào năm 2045 và ủng hộ có điều kiện mục tiêu giảm 90% lượng phát thải khí nhà kính của EU vào năm 2040 như khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Hiện tại, tiến trình luật hóa mục tiêu mới đang bị trì hoãn do chưa đạt được sự đồng thuận giữa các chính phủ và nghị sĩ trong khối.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của Berlin đi kèm điều kiện mang tính đột phá: các quốc gia EU phải được phép sử dụng tín chỉ carbon quốc tế trong nỗ lực khí hậu của mình. Điều này đồng nghĩa với việc thay vì cắt giảm phát thải trong nước, các nước có thể tài trợ cho các dự án giảm phát thải tại các quốc gia ngoài EU và tính kết quả đó vào thành tích quốc gia của mình.

Dù đã có một số quy định toàn cầu được cải thiện, độ tin cậy của các tín chỉ carbon quốc tế vẫn rất khác biệt. Nhiều ý kiến lo ngại rằng việc dựa vào công cụ này có thể làm suy yếu nỗ lực cắt giảm khí thải thực chất và đẩy trách nhiệm từ các nước giàu sang các nước đang phát triển.

Tháng trước, báo Politico đưa tin Ủy ban châu Âu đã tổ chức các cuộc thảo luận với nghị sĩ và chính phủ các nước EU về khả năng đưa tín chỉ carbon quốc tế vào mục tiêu chung. Thông tin này đã khiến nhiều nghị sĩ Nghị viện châu Âu và các tổ chức môi trường lo ngại. Nếu được thông qua, thỏa thuận chính phủ mới của Đức sẽ bổ sung thêm sức nặng từ nền kinh tế lớn nhất châu Âu cho đề xuất gây tranh cãi này..

Trước khi thỏa thuận liên minh được công bố, nghị sĩ SPD Tiemo Wolken phát biểu rằng việc sử dụng tín chỉ carbon quốc tế sẽ làm suy giảm tính minh bạch của chính sách khí hậu và đẩy trách nhiệm sang các quốc gia khác, mở ra những kẽ hở lớn thay vì thúc đẩy giảm phát thải thực sự trong nước.

Thỏa thuận quy định rằng mọi tín chỉ được sử dụng phải đạt tiêu chuẩn cao, dẫn đến giảm phát thải lâu dài và chỉ được áp dụng ở mức tối đa 3 điểm phần trăm trong mục tiêu 2040.

Ngoài ra, việc ủng hộ mục tiêu 90% còn phụ thuộc vào việc cho phép tính lượng carbon được loại bỏ vĩnh viễn vào chỉ tiêu khí hậu. Đức cũng yêu cầu rằng đóng góp của mình vào mục tiêu toàn EU phải giới hạn ở mức mục tiêu quốc gia đã đặt ra cho năm 2040, tức là giảm 88%.

Theo thỏa thuận, cả tín chỉ carbon quốc tế và lượng carbon bị loại bỏ vĩnh viễn sẽ phải được tích hợp vào Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) - cơ chế thị trường carbon của EU, cũng như Luật Khí hậu của khối.

Nghị sĩ CDU Peter Liese cho rằng cách diễn đạt trong thỏa thuận là một sự thỏa hiệp hợp lý. Ông nhận định rằng nếu quốc gia lớn nhất EU có lập trường rõ ràng, điều đó sẽ giúp các nước còn lại tìm ra điểm đồng thuận.

Bên cạnh các mục tiêu khí hậu, thỏa thuận cũng ủng hộ cơ chế định giá carbon của EU đối với nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong lĩnh vực sưởi ấm và giao thông, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2027. Các bên cam kết phân bổ lại nguồn thu từ cơ chế này cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Chính sách năng lượng trong thỏa thuận mới không thay đổi nhiều so với dự thảo tháng 3, với kế hoạch bổ sung 20 gigawatt công suất điện khí mới, đồng thời tiếp tục mở rộng năng lượng tái tạo.

Hai đảng cũng tuyên bố muốn khai thác tiềm năng sản xuất khí đốt truyền thống trong nước Đức. Đáng chú ý, năng lượng hạt nhân không được đề cập trong tài liệu, mặc dù CDU từng nhiều lần kêu gọi khôi phục năng lực điện hạt nhân của Đức trong chiến dịch tranh cử.

Đạo luật về chuyển đổi hệ thống sưởi - vốn gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua - sẽ bị bãi bỏ, thay thế và sửa đổi. Văn bản này, do chính phủ tiền nhiệm ban hành, quy định cấm sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho mục đích sưởi ấm kể từ năm 2045. Cơ quan Năng lượng Quốc tế từng đánh giá đây là một thành tựu quan trọng.

CDU từ lâu đã kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn đạo luật này, trong khi SPD - đảng từng tham gia thông qua luật - chỉ đề xuất điều chỉnh một số điểm cụ thể, theo nội dung dự thảo hồi tháng 3.

Hoàng Tuấn Anh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chinh-phu-lien-minh-duc-ung-ho-muc-tieu-khi-hau-90-cua-eu-kem-dieu-kien-20250414104340671.htm