Chính phủ Mỹ tích cực can thiệp để ngăn khủng hoảng ngân hàng
Hôm 12/3, chính phủ Mỹ buộc phải thực hiện các biện pháp can thiệp để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng tiềm tàng sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), bao gồm việc đảm bảo khách hàng SVB có thể lấy lại tiền của mình.
SVB bắt đầu rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán khi khách hàng của ngân hàng này, phần lớn là các công ty công nghệ, bắt đầu rút tiền gửi do họ cần tiền mặt trong bối cảnh gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Ngân hàng đã phải bán lỗ trái phiếu để bù đắp cho việc rút tiền, dẫn đến sự thất bại lớn nhất của một tổ chức tài chính Mỹ kể từ năm 2008.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, việc tăng lãi suất để chống lạm phát là vấn đề cốt lõi đối với SVB. Nhiều tài sản của ngân hàng này như trái phiếu hoặc chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp đều mất giá trị thị trường khi lãi suất leo thang.
Do đó theo AP, các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại những yếu tố khiến ngân hàng SVB phá sản có thể lan rộng. Trong vòng 2 ngày cuối tuần sau vụ sụp đổ của ngân hàng này, các cơ quan quản lý tại Mỹ đã làm việc cật lực để cố gắng tìm người mua lại SVB nhưng gặp thất bại.
Thêm vào đó, tình hình còn trở nên tồi tệ hơn nữa khi các nhà quản lý tiếp tục thông báo Signature Bank có trụ sở tại New York nối bước SVB phá sản và bị tịch thu ngày 12/3. Với hơn 110 tỷ USD giá trị tài sản, vụ sụp đổ Signature Bank là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 3 lịch sử ngành tài chính Mỹ, theo sau ngân hàng SVB và ngân hàng Washington Mutual năm 2008.
Các dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng tài chính cận kề buộc các cơ quan quản lý của Mỹ phải can thiệp và khiến thị trường châu Á trở nên lo lắng. Trong phiên giao dịch sáng 13/3, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,8%, S&P/ASX 200 của Australia mất 0,7% và Kospi của Hàn Quốc giảm 0,8%. Tuy nhiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,5% và Shanghai Composite tăng 0,4%.
Trong nỗ lực củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng, Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang và FDIC hôm 12/3 trấn an tất cả các khách hàng của SVB rằng họ sẽ được bảo vệ, đồng thời vẫn có thể truy cập vào tiền của mình. Ngoài ra, các cơ quan này cũng công bố các biện pháp nhằm bảo vệ khách hàng của ngân hàng và ngăn chặn các hoạt động rút tiền bổ sung.
Tuyên bố chung của các cơ quan quản lý này cho biết các biện pháp sẽ “đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của mình là bảo vệ tiền gửi và cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp theo cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững”.
Cụ thể, những người gửi tiền tại SVB và Signature Bank, bao gồm cả những người nắm giữ vượt quá giới hạn bảo hiểm 250.000 USD, sẽ có thể truy cập tiền của mình ngày 13/3. Trong khi đó, một ngân hàng đang gặp khó khăn khác là First Republic Bank cũng thông báo đã củng cố sức khỏe tài chính của mình bằng cách tiếp cận nguồn vốn từ Fed và JPMorgan Chase.
Trong một thông báo riêng cuối ngày 12/3, Fed cũng công bố một chương trình cho vay khẩn cấp nhằm ngăn chặn làn sóng rút tiền hàng loạt có thể đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Các quan chức của Fed mô tả chương trình này giống như những gì các ngân hàng trung ương đã làm trong nhiều thập kỷ, trong đó cho phép hệ thống ngân hàng vay tự do để khách hàng tin tưởng rằng họ có thể truy cập vào tài khoản của mình bất cứ khi nào cần thiết.
Cơ sở cho vay sẽ cho phép các ngân hàng đang cần huy động tiền mặt để trả cho người gửi tiền vay số tiền đó từ Fed thay vì phải bán trái phiếu Kho bạc và chứng khoán để huy động tiền. Trước đó, SVB đã buộc phải bán lỗ một số trái phiếu Kho bạc của mình để tài trợ cho việc rút tiền của khách hàng. Theo chương trình mới của Fed, các ngân hàng có thể gửi những chứng khoán đó làm tài sản thế chấp và vay từ cơ sở khẩn cấp.
Kho bạc Mỹ đã dành 25 tỷ USD để bù đắp bất kỳ tổn thất nào phát sinh theo cơ sở cho vay khẩn cấp của Fed. Tuy nhiên, các quan chức của Fed không kỳ vọng sẽ phải sử dụng bất kỳ khoản tiền nào trong số tiền này do các chứng khoán được đưa làm tài sản thế chấp có rủi ro vỡ nợ rất thấp.
Nhận định về việc này, các nhà phân tích cho biết chương trình của Fed sẽ đủ để làm dịu thị trường tài chính ngày 13/3. Theo AP trích dẫn các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Jefferies, “13/3 chắc chắn sẽ là một ngày căng thẳng đối với nhiều người trong lĩnh vực ngân hàng”. Tuy nhiên, các động thái của Fed đã làm giảm đáng kể nguy cơ khủng hoảng lan rộng.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đây là sự can thiệp sâu rộng nhất của chính phủ Mỹ vào hệ thống ngân hàng. Dù vậy, những biện pháp này vẫn tương đối hạn chế so với 15 năm trước trong khi bản thân 2 ngân hàng bị sụp đổ và SVB và Signature Bank vẫn chưa được giải cứu.