Chính phủ nêu 5 nhóm giải pháp đối phó với thách thức phát triển KT-XH

Chính phủ tiếp thu tất cả các ý kiến xác đáng của các ĐBQH về những khó khăn, thách thức và bất cập trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp để đối phó trong thời gian tới.

Cuối buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều nay (29/5), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu đồng thời làm rõ một sốt vấn đề ĐBQH và cử tri quan tâm. Trong đó nêu rõ, trước bối cảnh đầy khó khăn, mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm vừa qua đạt trung bình 5,2 % và mục tiêu của 5 năm là 6,5% - 7 % cũng là một thách thức lớn.

Bộ trưởng thừa nhận tình hình SXKD của các DN vẫn đang còn rất nhiều khó khăn, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân. Sự phục hồi chậm, áp lực cạnh tranh gia tăng ở các thị trường nước ngoài cũng như trong nước đã kéo theo các vấn đề về tín dụng, nợ xấu, đầu tư tư nhân dẫn đến chất lượng tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện. Tốc độ tăng năng suất lao động đang còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực đang còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Nền kinh tế nổi lên một số vấn đề về thị trường bất động sản, thị trường vàng, giá vé máy bay… Các đại biểu cũng nêu nhiều thách thức phía trước; thể chế pháp luật phân cấp, phân quyền quản lý, công tác kiểm tra, giám sát thị trường, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh còn rườm rà và phức tạp. Bên cạnh đó là các thách thức về thiên tai, dịch bệnh, thiếu nước xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, phát triển đô thị, phòng cháy, chữa cháy và tai nạn giao thông…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu

Đề cập các giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra ra 5 nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất là thực hiện quyết liệt và đồng bộ hiệu quả các giải pháp, chính sách đảm bảo giải quyết những vấn đề trong ngắn hạn và dài hạn. Trong đó tập trung hỗ trợ cho DN để chuẩn bị các điều kiện tốt đón làn sóng chuyển dịch FDI, điều này liên quan đến các Bộ, ngành và các địa phương phải thực sự đồng hành hỗ trợ DN.

“Nếu Quốc hội trình Chính phủ, trình Trung ương không cũng không giải quyết được, những vấn đề này còn liên quan ở địa phương. Đề nghị các ĐBQH cũng giám sát tại địa phương mình để hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ, giải quyết những ách tắc thủ tục để hỗ trợ cho DN”, Bộ trưởng đề nghị.

Thứ hai là Chính phủ thúc đẩy các động lực truyền thống về đầu tư tiêu dùng, xuất khẩu. Đồng thời xem xét triển khai đẩy mạnh các động lực mới, các mô hình kinh tế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và một số ngành kinh tế mới nổi, công nghiệp quan trọng như chip bán dẫn, năng lượng tái tạo…Thứ ba là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là hạ tầng chiến lược và quan trọng.

Giải pháp thứ tư được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra là Chính phủ tập trung cải cách thể chế pháp luật theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương để giải quyết những vướng mắc bất cập hiện nay. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất rõ ràng để khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, phát huy tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm của cán bộ công chức hiện nay đang là rào cản.

Chính phủ sớm sửa đổi và ban hành đồng bộ các văn bản thi hành Luật Đất đai, đang trình Quốc hội cho áp dụng sớm vào ngày 1/7 tới. Đẩy mạnh triển khai thực hiện khi Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập 2 Tổ công tác sắp tới sẽ phát huy cơ chế, hoặc nếu cần phải thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề thủ tục hành chính. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang hoàn thiện để trình Quốc hội cho phép tách GPMB ra khỏi dự án nhóm B, nhóm C. Phân cấp cho các địa phương phê duyệt kế hoạch để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt nhằm đẩy nhanh tiến độ; thực hiện kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất,… những vấn đề này sẽ tháo gỡ rất nhiều các vướng mắc hiện nay”, Bộ trưởng cho biết.

Giải pháp thứ năm được Bộ trưởng Nguyễn Tiến Dũng đưa ra là Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sơ kết, tổng kết và đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng cho 10 tỉnh, thành phố hiện nay. Nếu như cơ chế chính sách nào đã rõ, đã phù hợp với tình hình thực tiễn và pháp luật, cho phép nhân rộng đến các địa phương khác cùng được thực hiện. Điều này có thể thực thi bằng một Nghị quyết của Quốc hội.

“Riêng phần Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung rà soát lại Luật Đầu tư công (trong đó có cả các dự án ODA), Luật đầu tư PPP, Luật Đấu thầu để làm sao tháo gỡ các vướng mắc nhanh hơn, hiệu quả hơn. Riêng về tình hình DN đang có chuyển biến rất tốt, trong tháng 5 vừa qua số DN thành lập mới đã đạt 20.000 DN và tính tổng 5 tháng qua số DN thành lập mới đã lớn hơn số rút lui khỏi thị trường. Đây là dấu hiệu hết sức tích cực và Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách để hỗ trợ cho DN phục hồi và phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chinh-phu-neu-5-nhom-giai-phap-doi-pho-voi-thach-thuc-phat-trien-kt-xh-post1098277.vov