Chính phủ sẽ có Chương trình tổng thể phòng, chống COVID và phát triển kinh tế
Thủ tướng cho biết chậm nhất trong tháng 12 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 2 cho người trên 18 tuổi, đồng thời nghiên cứu, xin ý kiến về việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi...
Sáng 6-12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về Công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số".
Kinh tế- xã hội đã phục hồi và có nhiều khởi sắc
Tham dự, chủ trì và phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ, cùng các bộ, cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị, tổ chức Diễn đàn.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Đến nay, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển trạng thái, tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cho biết khi chưa có đủ vaccine và thuốc, chưa hiểu rõ và dự báo được hết sự nguy hiểm của các biến chủng thì chúng ta không có cách nào khác là sử dụng nghiêm ngặt các biện pháp hành chính để phòng chống dịch. Điều này gây ra tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội.
Vừa qua, khi đạt được độ bao phủ nhất định về vaccine và nâng cao năng lực y tế, đồng thời đúc rút, tổng kết được các kinh nghiệm, lý thuyết, công thức phòng chống dịch, xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống, Việt Nam đã chuyển hướng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Sau hai tháng triển khai chủ trương chuyển hướng nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chuỗi cung ứng, sản xuất, chuỗi lao động dần được nối lại. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân dần ổn định trở lại…
Thủ tướng nhấn mạnh, điều này cho thấy khó khăn hiện tại chỉ mang tính nhất thời. Nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và vững chắc. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bạn bè quốc tế tiếp tục được giữ vững, tăng cường và củng cố. Cùng với đó, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ.
Theo Thủ tướng, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu, xin ý kiến tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi
Chia sẻ về những định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng cho hay Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo người đứng đầu Chính phủ, hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ, là hai mặt của một quá trình, phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
Thủ tướng cho rằng dịch bệnh đã làm bộc lộ cả mặt yếu và mặt mạnh của hệ thống y tế Việt Nam. Ông nêu một số định hướng lớn trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 như tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất; có kế hoạch bảo đảm vaccine và thuốc điều trị.
Việt Nam đặt mục tiêu chậm nhất trong tháng 12 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 2 cho người trên 18 tuổi, tích cực tiêm mũi 3 và tiêm cho người từ 12 tuổi. Đồng thời, nghiên cứu, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng lưu ý các vấn đề: Tập trung nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển…
Theo Thủ tướng, dù trong quá trình hồi phục hay phát triển thì nội lực luôn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá. Nội lực gồm ba trụ cột chính là con người, thiên thiên và truyền thống văn hóa - lịch sử với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất của dân tộc. Còn ngoại lực bao gồm công nghệ, vốn, năng lực quản trị và đào tạo nguồn nhân lực…
Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng như đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời kết hợp chặt chẽ, hài hòa, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ với các công cụ về thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách Nhà nước, lãi suất, tỉ giá, tín dụng, chi phí đầu vào… Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội dựa trên ba trụ cột là giảm thiểu, khắc phục và phòng ngừa rủi ro để người lao động, người dân có công việc, thu nhập và cuộc sống ổn định.
Điều quan trọng nhất là lo cho gần 100 triệu dân ấm no, hạnh phúc
Về hoàn thiện thể chế, Thủ tướng cho rằng những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông… Lưu ý việc bảo đảm điện và sóng cho các vùng sâu, vùng xa, Thủ tướng nhấn mạnh “không có điện và sóng thì không có chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, công dân số”.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
“Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho hay từ tháng 12-2019 tới nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt về kinh tế - xã hội thế giới.
Lưu ý dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài, khó lường, theo ông Tuấn Anh, nền kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
Do đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19. Đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển triển mới.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng Công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn.
Dẫn chứng, ông Tuấn Anh cho rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm.
Tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp, vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chậm được cụ thể hóa.
Từ thực tế trên, Trưởng ban Kinh tế Trung cho rằng yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông nhấn mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ"- ông Tuấn Anh nói và cho biết Diễn đàn Công nghiệp 4.0 được tổ chức lần này nhằm phục vụ luận cứ cho xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Trung ương vào tháng 10-2022.