Chính phủ tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024

Chiều tối 20/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Cùng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025; thảo luận của các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp.

Hội nghị thống nhất đánh giá, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 đã được đẩy mạnh một cách bài bản, quyết liệt, hiệu quả với nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, tạo đột phá.

Trong trao đổi, tiếp xúc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và chuyên gia đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, ấn tượng với mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 dự đoán khoảng 6,8%; xuất nhập khẩu đạt 782 tỷ USD, xuất siêu 23,5 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 31 tỷ USD…Năm 2024 Việt Nam đã có hơn 170 thỏa thuận hợp tác được ký kết nhân dịp hoạt động cấp cao. Đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, bên cạnh việc tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường truyền thống, triển khai quyết liệt ở các thị trường mới, tiềm năng.

Việt Nam phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển; đẩy mạnh các tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành kinh tế, xã hội, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước; thúc đẩy triển khai kết quả các chuyến thăm cấp cao, góp phần hiệu quả thực hiện các đột phá chiến lược. Bên cạnh đó hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Đối với tỉnh Ninh Bình, năm 2024, hoạt động ngoại giao kinh tế được xem là điểm sáng nổi bật của tỉnh với nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó phải kể đến kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 3.370 triệu USD, tăng 5,6% so với năm 2023 và vượt 3,7% so với kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.200 triệu USD, tăng gần 14% so với năm 2023. Trên địa bàn tỉnh hiện có 102 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.700 triệu USD với các nhà đầu tư đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tại, có 2 doanh nghiệp của tỉnh có dự án đầu tư ra nước ngoài, cơ bản hoạt động ổn định, thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Việt Nam và tuân thủ pháp luật của nước sở tại.

Công tác quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay ưu đãi được quan tâm, chú trọng và kiểm soát chặt chẽ. Các hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại quốc tế được tỉnh quan tâm; trong đó, tập trung quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, về các chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN, CCN, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, công nghệ cao,... thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh đạt nhiều kết quả tích cực.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đã được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, mở ra nhiều hướng đi mới, mang tính đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Những năm tới, đất nước tiếp tục bước vào kỷ nguyên vươn mình, tốc độ tăng trưởng về kinh tế năm 2025 đặt mục tiêu 8%, nhiều địa phương trên cả nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn trong điều hành, phát triển kinh tế, huy động mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài.

Với quan điểm là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với các quốc gia, đối tác trên toàn thế giới, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, thời gian tới công tác ngoại giao kinh tế của Việt Nam cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các nguồn lực bên ngoài, trọng tâm là vốn đầu tư, khoa học công nghệ, mô hình kinh tế hiệu quả, nguồn lực con người, quản trị thông minh…

Nguyễn Thơm- Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chinh-phu-tong-ket-cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-nam-2024-581887.htm