CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 10/11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Tóm tắt Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung 18 điều, quy định mới 38 điều so với luật hiện hành.

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nêu sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự án Luật gồm 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều). Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 05 quan điểm chỉ đạo sau: (i) Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; (ii) Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; (iii) Bám sát 09 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; (iv) Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; (v) Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân và tỷ lệ đại biểu chuyên trách.

Báo cáo về một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, về mô hình tổ chức của chính quyền Thủ đô thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 02 lên tối đa 03); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân.

Quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội (dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức Thủ đô, dự thảo Luật quy định một số nội dung đặc thù: Hội đồng nhân dân Thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế (nội dung này sẽ được báo cáo cụ thể tại mục V của Tờ trình này).

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội một số thẩm quyền như quyết định các biện pháp để giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C; quyết định hỗ trợ các cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn; hỗ trợ các địa phương khác trong trường hợp cần thiết.

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố. Hội đồng nhân dân quận, thị xã bố trí trong dự toán chi ngân sách của Ủy ban nhân dân phường khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách phường để thực hiện một số nhiệm vụ chi như chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, quốc phòng, an ninh…

Phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung dô thị.

Về quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (tương tự như đang thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Mở rộng phạm vi dự án đầu tư mà khi lập quy hoạch chi tiết phải xác định đất thu hồi trong vùng phụ cận để tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ…, bao gồm dự án đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng đường giao thông hiện có. Quy định mang tính nguyên tắc về không gian ngầm, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý, khai thác, phát huy giá trị không gian ngầm đô thị của Thủ đô.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử để huy động nguồn lực cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử.

Về phát triển văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội Thủ đô, xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong theo quy hoạch; giao Hội đồng nhân dân Thành phố quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…

Cho phép cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài; Hội đồng nhân dân Thành phố quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học; Ủy ban nhân dân Thành phố quy định bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo của người học.

Về chính sách xã hội, quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội... Về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô.

Quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có mở rộng đối tượng áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ. Quy định định hướng phát triển các khu công nghệ cao ở Thủ đô và một số vấn đề chung về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hà Nội …

Cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; giao Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ diện tích, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép, loại công trình phụ trợ bán kiên cố.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm; cho phép hỗ trợ, ưu đãi thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.

Tương tự cơ chế áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Luật quy định giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tiễn; chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha, đất trồng lúa dưới 500 ha sang mục đích khác.

Về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô, bổ sung 03 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo. Quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.

Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Đối với các chính sách tài chính, ngân sách và đầu tư, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật quy định theo hướng, Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần. Ngân sách Thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.

Sử dụng ngân sách Thành phố để hỗ trợ các cơ quan trung ương để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở Thủ đô; hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết; chi cho một số nhiệm vụ đặc thù, đầu tư các dự án liên tỉnh trong vùng Thủ đô.

Cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (tương tự cơ chế áp dụng cho tỉnh Khánh Hòa). Mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Quy định dự án TOD là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô; Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền xây dựng và sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD; tiền thu được sẽ đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông kết nối với đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.

Phân cấp một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Quy định về các dự án, ngành, nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược, điều kiện của nhà đầu tư chiến lược… nhằm thu hút nhà đầu tư có năng lực tham gia vào thực hiện các dự án ưu tiên của Thủ đô (quy định về nhà đầu tư chiến lược hiện đang được áp dụng ở Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh)…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện còn quy định về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức của thành phố Hà Nội (điểm b khoản 1 Điều 9) được đề nghị tiếp tục xin ý kiến Quốc hội.

Theo đó, căn cứ yêu cầu của thực tiễn của Thủ đô, dự thảo Luật quy định trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.

Quy định này bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho thành phố Hà Nội trong việc quyết định biên chế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này khác với quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành trung ương về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, theo đó Bộ Chính trị “Quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị theo nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết; quyết định giao biên chế cho các cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý biên chế”. Do vậy, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82060