Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội nếu điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách sau sắp xếp bộ máy

Theo bà Phạm Thị Hồng Yến - Đại biểu Quốc hội chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, nhiều cơ quan, đơn vị được sát nhập, giải thể. Do đó, để đảm bảo kinh phí cho các cơ quan có sự thay đổi vì nguyên nhân khách quan này, việc điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách sẽ được thực hiện theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh.

Bà Phạm Thị Hồng Yến - Đại biểu Quốc hội chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính trả lời câu hỏi của phóng viên.

Bà Phạm Thị Hồng Yến - Đại biểu Quốc hội chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính trả lời câu hỏi của phóng viên.

Điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách theo Luật Ngân sách nhà nước

Tại Họp báo sau Kỳ họp bất thường lần thứ 9, trước câu hỏi của phóng viên về điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách năm 2025 sau khi có những thay đổi từ sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bà Phạm Thị Hồng Yến - Đại biểu Quốc hội chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, thực hiện đúng quy định pháp luật, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Tuy nhiên, khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, nhiều cơ quan, đơn vị được sát nhập, giải thể. Do đó, để đảm bảo kinh phí cho các cơ quan có sự thay đổi vì nguyên nhân khách quan này, việc điều chỉnh dự toán thu chi ngân sách sẽ được thực hiện theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước. Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh nhiệm vụ thu chi của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và báo cáo Quốc hội ở kỳ họp gần nhất.

Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, một trong những trường hợp được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước là lý do khách quan phải điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi ngân sách này. Do đó, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp thường xuyên nên có thể thực hiện khi cần điều chỉnh.

Liên quan đến đầu tư công trung hạn, bà Yến cho hay, hiện nay, các cơ quan đang thực hiện đề xuất Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm tiếp theo. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, số lượng dự án là không quá 5.000 dự án, nhưng chủ trương hiện nay Quốc hội đưa ra con số cụ thể, kiên quyết cắt bỏ cơ chế xin cho, đầu tư dàn trải, số lượng dự án cho giai đoạn tiếp theo là không quá 3.000 dự án.

2 chính sách đặc thù mới cho đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về cơ chế chính sách đặc thù chưa từng có cho Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, bà Phạm Thị Hồng Yến thông tin, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 172 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Nghị quyết này có 19 cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt để đầu tư xây dựng.

Tại Kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Trong nội dung Nghị quyết có 18 cơ chế chính sách đặc thù được đưa vào. Các cơ chế chính sách này đều dựa trên cơ chế chính sách đặc thù như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Trong những chính sách trên, có một số chính sách mới đã được thảo luận cẩn trọng đưa vào nhằm đảm bảo việc thực hiện được thuận tiện, rút ngắn quá trình triển khai. Đó là chính sách trong trường hợp lập, thẩm định phê duyệt dự án có nội dung khác với quy hoạch có liên quan, dự án được phê duyệt mà không cần thực hiện các quy định điều chỉnh quy hoạch.

Một chính sách khác đó là cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu với ác gói thầu của dự án. Theo như Luật Đấu thầu, có một số trường hợp được lựa chọn chỉ định thầu và đối với dự án này, Quốc hội cũng đồng ý áp dụng hình thức này để đảm bảo nhanh tiến độ, hiệu lực, hiệu quả. "Đây là chính sách ưu việt cho dự án này", bà Yến nhấn mạnh.

Nghị quyết chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được Quốc hội thông qua là điểm nối cho phép kết nối 25% dân số, các khu công nghiệp tại 9 tỉnh dự án đi qua cũng như kết nối GRDP trên toàn quốc.

Cũng theo bà Yến, một trong những giải pháp được đề ra để phát triển kinh tế - xã hội là tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua cũng nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, không chỉ đường bộ cao tốc mà đường sắt tốc độ cao, đường sắt liên vùng, hàng lang kinh tế quan trọng, kết nối giữa các cực tăng trưởng trong nước và nước ngoài thông qua mạng lưới đường sắt.

Việc ban hành Nghị quyết thí điểm phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng là cơ chế để vừa huy động nguồn lực của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, các thành phần kinh tế trong phát triển 2 đô thị được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng vượt trội để đưa cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%.

Các nghị quyết này cùng với các nghị quyết phát triển kinh tế xã hội sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân với sự dẫn dắt từ đầu tư công, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chinh-phu-trinh-thuong-vu-quoc-hoi-neu-dieu-chinh-du-toan-thu-chi-ngan-sach-sau-sap-xep-bo-may.html