Chính phủ xin chuyển nguồn cho 3 dự án đường bộ cao tốc quan trọng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc cho phép chuyển nguồn vốn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hằng năm trong các năm 2023, 2024, 2025 cho 3 dự án quan trọng quốc gia đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Nguồn vốn này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ cho 3 dự án nêu trên, giao Chính phủ giao kế hoạch vốn cho 3 dự án khi đủ điều kiện theo quy định. Quốc hội sau đó phê duyệt chủ trương đầu tư cũng đã quyết định đây là một trong những nguồn vốn để thực hiện 3 dự án. Theo Bộ trưởng Dũng, ngày 27/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 17/2022/QĐ-TTg để phân cấp thực hiện các dự án đường bộ cao tốc trong đó có 3 dự án trên. Nhưng đến tháng 3/2023, 3 dự án mới được Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương hoàn thành xong việc phê duyệt quyết định đầu tư các dự án thành phần làm căn cứ để giao vốn tăng thu.
Lý giải nguyên nhân, Bộ trưởng Dũng báo cáo, đây là các dự án lớn, phức tạp, đi qua nhiều địa phương, địa hình, địa chất phức tạp hoặc đi qua khu đông dân cư nên việc khảo sát, lập, thẩm định mất nhiều thời gian. Trong khi đó, việc phân cấp cho các địa phương thực hiện các dự án quan trọng quốc gia là chủ trương mới nên các cấp các ngành còn có sự lúng túng trong công tác phối hợp. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án chưa tốt dẫn đến việc phê duyệt dự án mất nhiều thời gian. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương còn bị động, bên cạnh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm. Dự án thực hiện trên địa bàn 8 địa phương nên các cá nhân, tổ chức tham gia vào dự án là tương đối lớn.
Để bảo đảm nguồn lực thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia theo đúng chủ trương Quốc hội đã phê duyệt, đồng thời phấn đấu tới 2025 có 3.000km cao tốc và tới năm 2030 có ít nhất 5.000km cao tốc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn toàn bộ 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi NSTW năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hằng năm trong các năm 2023, 2024, 2025 cho 3 dự án trên.
Nhấn mạnh về sự cần thiết của việc này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích, trong cơ cấu vốn cho 3 dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội đã quyết định bố trí nguồn tăng thu NSTW năm 2021 với số vốn là 13.796 tỷ đồng. Như thế, nếu hủy nguồn tăng thu NSTW năm 2021 đối với 3 dự án này sẽ dẫn đến việc phải trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư, và việc tìm nguồn để thay thế phần vốn bị hủy dự toán là rất khó khăn.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 về cơ bản đã phân bổ, dự kiến chi tiết cho các chương trình, nhiệm vụ dự án. Hiện chỉ còn nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 hoặc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 có thể xem xét, bố trí cho 3 dự án trên. Thế nhưng, việc huy động và sử dụng các nguồn vốn này cũng đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Sẽ mất nhiều thời gian để xác định, cân đối được nguồn vốn ngân sách nhà nước để bù lại nguồn vốn bị hủy theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, 3 dự án đều được Quốc hội quyết nghị chủ trương cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025 cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026. Do đó, việc gián đoạn về nguồn vốn thực hiện dự án có thể ảnh hưởng đến mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra cũng như chủ trương mà Quốc hội đã phê duyệt. Trong khi đó, tiền lệ kéo dài thời gian thực hiện giải ngân dự án, ông Dũng phản ánh, là đã có. Bằng chứng là Quốc hội đã từng cho phép kéo dài kế hoạch vốn năm 2017 và năm 2018 sang giai đoạn 2021 - 2025 của 12 dự án với tổng số vốn là 4.118,884 tỷ đồng; thời gian thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31/12/2022...
Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1: Khởi công ngày 18/6/2023, đến thời điểm hiện tại 7/8 gói thầu đều đã triển khai, đang thực hiện. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 21.935 tỷ đồng, với 3 dự án thành phần. Đến nay, tổng số vốn đã bố trí năm 2023 khoảng 3.382 tỷ đồng, gồm NSTW 2.282 tỷ đồng (từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), NSĐP 1.100 tỷ đồng. Tổng số vốn dự án đã giải ngân đạt 1.626/3.382 tỷ đồng, đạt 48%.
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1: khởi công 4/14 gói thầu. Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, giai đoạn 2021 - 2025 dự án được bố trí 30.758 tỷ đồng; được giao tổng số vốn trong kế hoạch hàng năm là 6.807 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2023, dự án đã giải ngân 4.524/6.807 tỷ đồng (đạt 65%).
Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1:khởi công tháng 6/2023. Tổng số vốn được giao trong kế hoạch hàng năm là 5.224,021 tỷ đồng (năm 2022 là 119,757 tỷ đồng, năm 2023 là 5.104,243 tỷ đồng). Dự án giải ngân đạt 2.768,25 tỷ đồng, đạt khoảng 52% tổng số vốn được giao; trong đó năm 2022 giải ngân 119,778 tỷ đồng, năm 2023 giải ngân 2.648,47 tỷ đồng.