Chinh phục tấm 'Căn cước rồng xanh' (kỳ cuối)

Sau Tết Mậu Thân 1968, địch hoàn hồn và bắt đầu phản công. Để quân ta không còn nơi bám trụ, ở vùng ven, địch liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân càn quét, đánh phá ác liệt. Trong nội thành, địch củng cố và tăng cường lực lượng, nhất là cảnh sát các loại, bố ráp, lùng sục khắp các phường khóm, liên gia.

Tại các cửa ngõ ra vào Sài Gòn, chúng lập nhiều trạm chốt chặn, tra xét rất gắt gao; dùng bọn mật thám, chiêu hồi nhìn mặt, làm cho các giao liên từng trải của ta cũng phải rất dè chừng.

Đáng chú ý là nửa cuối năm 1968, chính quyền Sài Gòn tiến hành cấp, đổi thẻ căn cước mới cho công dân từ 15 tuổi trở lên (trước kia là từ 18 tuổi), tuyên bố công khai mục đích là để chống… Việt cộng làm giả! “Trước đó, cơ quan an ninh của địch đau đầu vì đối phó với nạn giấy giả xuất hiện ngày càng nhiều nên giờ muốn loại trừ điều này”, Dũng “râu” kể.

Làm giấy giả mà được… Huân chương!

Tin chắc đợt cấp, đổi căn cước này sẽ dễ bề kiểm soát, thanh lọc ai là dân hợp pháp, ai là Việt cộng trà trộn trong dân, xâm nhập vào đô thành, nên khi tiến hành việc cấp đổi thẻ, quy trình được thực hiện hết sức chặt chẽ, gắt gao. Người trong diện được cấp đổi thẻ phải có tên trong tờ khai gia đình, căn cước cũ phải có hồ sơ gốc...

Ông Lâm Quốc Dũng, tức Dũng “râu” tặng phóng viên Chuyên đề ANTG cuốn tự truyện có ghi lại nhiều tư liệu quý liên quan đến công việc làm giấy tờ giả suốt 9 năm của ông.

Ông Lâm Quốc Dũng, tức Dũng “râu” tặng phóng viên Chuyên đề ANTG cuốn tự truyện có ghi lại nhiều tư liệu quý liên quan đến công việc làm giấy tờ giả suốt 9 năm của ông.

Với quy trình này, chỉ những người của ta lâu nay nằm vùng, có tên trong tờ khai gia đình thì mới có cơ hội được đổi cấp thẻ mới; còn các trường hợp buộc phải móc nối với bên trong. Cách này hiếm khi thực hiện, bởi việc cài cắm được một điệp viên trong hàng ngũ địch là cả một vấn đề, để bị lộ thì hậu quả rất khó lường.

Căn cước cũ sau khi được đổi sẽ bị hủy bằng cách cắt một góc rồi trả lại cho đương sự kèm một tờ biên nhận (đuôi căn cước) có giá trị sử dụng trong thời gian chờ nhận thẻ căn cước mới. “Khổ chỉ bằng 1/3 tờ giấy A4, chỉ có vài hàng chữ nhưng được in bằng máy điện toán được làm ở Mỹ, ở miền Nam khi đó chưa có. Chỉ riêng cái đuôi căn cước thôi đã gây rất khó cho ta”, Dũng “râu” nhớ lại.

Thời điểm đó, địch tăng cường chiến tranh tâm lý. Do tính chất, mức độ ác liệt của cuộc chiến ngày càng tăng, đã có chiến sĩ ta không chịu đựng nổi đã đầu hàng địch; một số người còn trở thành tay sai đắc lực cho địch; khai báo, chỉ điểm, điên cuồng đánh phá cơ sở cách mạng nội thành.

Lợi dụng tình hình ấy, ta dùng kế “gậy ông đập lưng ông”, cho các chiến sĩ quân báo, biệt động giả thành bọn “hồi chánh viên”, thủ sẵn “Chứng nhận hoàn lương” do Bộ dân vận chiêu hồi cấp, để vào nội thành hoạt động. Chưa có mẫu chứng nhận thật để làm giả, đang chuẩn bị thực hiện phương án “sưu tầm” thì Ban nhận được một giấy từ Hậu Nghĩa gởi về. Giấy tuy in đơn giản nhưng đóng dấu, ký tên chứng thực khá nhiều (bởi tên chiêu hồi phải trình diện định kỳ, mỗi lần trình lại lãnh một dấu); nhiều chi tiết trong giấy cũng khá phức tạp,...

Có được mẫu giấy này, Dũng “râu” bắt tay ngay vào việc làm giả. Các chiến sĩ ta sau đó đã sử dụng loại giấy này để tạo thế hợp pháp, tìm hiểu các mục tiêu trọng yếu của địch và tiến hành tấn công vào Biệt khu Thủ đô và khách sạn Paloma. “Trận đánh vào Biệt khu Thủ đô ngày 11/5/1969, đồng chí Hoài Thanh anh dũng hy sinh; giấy chiêu hồi giả coi như bị lộ nhưng đã gây được tiếng vang lớn, cổ vũ cho phong trào đấu tranh của đồng bào đô thị”, Dũng “râu” kể.

Sau vụ này, địch tăng cường kiểm tra giấy tờ tùy thân nhất là đối với nam thanh niên nhưng đây là cơ hội để các nữ chiến sĩ biệt động ra tay. Chỉ riêng các trận đánh vào Hội trường Diên Hồng, Tòa hành chánh quận 3, Trường quốc gia Báo chí, Tòa Gia Định, Nhà hàng Mỹ Phụng, khách sạn của Mỹ... có 3 nữ chiến sĩ biệt động được tặng danh hiệu Anh hùng.

Trở lại chuyện làm giả đuôi căn cước rồng xanh, Dũng “râu” nhớ lại, nửa năm trôi qua, ta vẫn giậm chân tại chỗ. “Không thể khoanh tay thở dài, vào một ngày nắng tốt, tôi chọn khoảng trống đầy ánh sáng để kê cái bàn dã chiến cùng cái thùng đạn 20 ly để làm ghế ngồi. Nhìn những con chữ tròn trịa, xinh xắn trong cái đuôi căn cước được làm ra từ máy điện toán IBM của Mỹ, hai mắt cùng đôi tay của tôi hình như nó cũng đang chuyển động, uốn lượn theo từng nét chữ. Tôi “vào trận” rất khác so với trước, không nôn nóng mà cứ từng bước, từng bước một, vượt qua những cái khó nhất, chẳng hạn như khắc 2 chữ liền kề có cùng mẫu tự, phải khắc giống như bản sao của nhau. Và trời không phụ lòng người…”, ông kể. Trong gần một tuần lễ, ông đã khắc thành công cái đuôi căn cước trên bảng gỗ.

Lãnh đạo Ban và Phân khu phấn khởi đến mức không tin vào mắt mình. Xem kỹ tờ biên nhận in thử, Tư lệnh Quân khu khi đó là Trần Hải Phụng nói: “Đây là một trong những loại vũ khí sắc bén của Biệt động Sài Gòn để tấn công kẻ thù” và quyết định cho in hàng loạt; đồng thời yêu cầu Dũng “râu” viết báo cáo thành tích, để ông đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Không chùn bước…

Cái đuôi căn cước giả đã góp phần giải quyết được nhiều bế tắc trong hoạt động nội đô khi đó. Bước tiếp theo là bằng mọi giá phải làm giả được tấm Căn cước rồng xanh - đó là quyết tâm mà cũng là mệnh lệnh của cấp trên.

Cho tôi xem hình ảnh một thẻ căn cước với nền giấy màu vàng nhạt, được in chữ, giữa thẻ có hình con rồng màu xanh (người dân gọi là căn cước rồng xanh là vì thế - PV) nằm cuộn mình trong một vòng tròn với những họa tiết tinh xảo, phức tạp, bên trái thẻ - chỗ dán ảnh, có hình 2 hàng cá sấu hình bầu dục nằm theo chiều dọc, Dũng “râu” phân tích, nền giấy căn cước này là những đường nét màu vàng xen lẫn màu xanh; số thẻ được đóng bằng loại số nhảy đặc biệt; chữ đánh máy vào thẻ chỉ sử dụng duy nhất loại máy chữ hiệu Royal. Riêng dấu trên thẻ là loại dấu dùng nhiệt đóng chìm vào góc ảnh của đương sự, đây là con dấu của Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia dành riêng để đóng dấu căn cước cho cả miền Nam. Thẻ được ép plastic không thể bóc tách. Điểm rất đặc biệt của căn cước này là một khi dùng thiết bị kiểm tra sẽ cho ngay kết quả thật, giả.

Ông Lâm Quốc Dũng trong những năm tháng làm giấy tờ giả phục vụ Cách mạng.

Ông Lâm Quốc Dũng trong những năm tháng làm giấy tờ giả phục vụ Cách mạng.

Khu ủy biệt phái Tư Lũy sang để phối hợp với… trò Dũng “râu” để nghiên cứu làm giả. “Nói nghe cho oai thôi chứ hai bàn tay trắng với một số ít ỏi đồ nghề thủ công, thì lấy gì mà nghiên với cứu”, Dũng “râu” cười nhớ lại. Trong số các phương án, ta cũng liên lạc với một tổ chức Việt kiều yêu nước ở Campuchia để nhờ giúp. Nhưng khi làm thử vài công đoạn, họ cũng chịu thua, do là nền thẻ căn cước còn mới nên bị phản chiếu; nhà in lại không có font chữ như trong căn cước.

Không nản chí, Dũng “râu” chọn một mẫu thẻ căn cước rõ nhất rồi tỉ mỉ calque từng đuôi, từng cái vảy, từng nét uốn lượn của con rồng xanh. Qua hơn 1 tuần tập trung cao độ nhất, Dũng “râu” cho ra đời mẫu calque để chụp và in hoàn chỉnh căn cước rồng xanh “Made in Quân báo Phân khu Sài Gòn - Gia Định”.

Sau khi được lãnh đạo thẩm định (bằng cách trộn mớ căn cước thật, giả vào nhau để lãnh đạo phân biệt) chấp thuận cho sử dụng, Dũng “râu” còn thận trọng chọn lựa kỹ những mẫu giấy in đạt yêu cầu nhất để cho “lưu hành” cùng với thời điểm chính quyền Sài Gòn cấp phát thẻ mới.

Gần cuối năm 1969, cơ sở của ta từ nội thành Sài Gòn báo là địch đã phát hiện căn cước rồng xanh giả. Tuy chưa rõ cụ thể ngọn ngành nhưng để đề phòng “sự cố”, lãnh đạo Quân khu ra lệnh ngưng sử dụng, thu hồi những giấy đã cấp, đốt hủy hết số căn cước đã in. Vừa đốt, vừa dùng kính lúp soi kỹ từng mẫu căn cước đã in nhưng Dũng “râu” không sao tìm ra lỗi. Là do tai mắt của CIA, hay còn có một nơi khác cũng làm giấy giả?, hay là do bọn chiêu hồi? Đặt ra nhiều câu hỏi sao căn cước giả bị lộ, Dũng “râu” cũng không loại trừ chiêu tung tin để hù, kiểu “rung cây nhát khỉ”.

Thầy Tư Lũy thì đưa ra giả thuyết có thể do in vào ban đêm dưới ánh sáng của đèn néon bình thường, rất khó đạt độ chuẩn của màu so với giấy thật. Đó là chưa kể chất lượng của mực in, một thời gian giấy sẽ phai màu…

Qua Tết 1970, đến lượt Dũng “râu” thực hiện lệnh của trên sang Phnôm Pênh lo việc in lại căn cước rồng xanh. Nhưng đùng một cái, biến cố chính trị xảy ra trên đất bạn nên chuyến đi bị hoãn. Đang lúc khó khăn trong việc tìm kiếm một loại giấy tờ khác thay thế thì dịp may đã đến. Khi hồi hương về, ngoài giấy tờ tùy thân do chính quyền Campuchia cấp trước đây, giờ bà con Việt kiều Campuchia được chính quyền Sài Gòn cấp thêm giấy “Chứng nhận Việt kiều hồi hương”.

Với mẫu giấy này, chỉ mượn bà con trong vòng một tiếng đồng hồ là Dũng “râu” đã “sao” xong. Còn giấy tùy thân do chính quyền Campuchia cấp có phần phức tạp hơn (bởi mặt bìa in hình tháp cổ, có hai linh vật với nhiều họa tiết cầu kỳ, tinh xảo; lại in song ngữ, vừa chữ Khmer vừa chữ Pháp trong khi nhà in của ta bấy giờ chưa có con chữ Khmer) nhưng so với đuôi căn cước rồng xanh thì loại giấy này chẳng là… “cái đinh” gì cả. Dũng “râu” bắt tay ngay vào việc “sản xuất” giấy tùy thân của Campuchia để “chuyển quốc tịch” cho số chiến sĩ quân báo biệt động trở thành… Việt kiều vào nội thành hoạt động.

Nửa cuối năm 1970, đang lúc địch thực hiện kế hoạch bình định cấp tốc, một bộ phận của Phân khu, có cả cánh Quân báo đã thọc sâu xuống các tỉnh miền Tây hoạt động. Đây là lúc mà giấy Việt kiều hồi hương phát huy tác dụng. Ta đã sử dụng loại giấy này để từng bước chuyển dần lực lượng từ chiến trường về hậu cứ vùng sông Sở Thượng (nay thuộc Đồng Tháp), giáp Campuchia bằng con đường hợp pháp.

Tính từ khi chính quyền Thiệu tiến hành đã gần hai năm, dân chúng trong độ tuổi ở các vùng do địch kiểm soát đều được cấp, đổi căn cước mới. Các giấy tờ giả khác thật ra cũng chỉ là giấy tạm, sẽ đến lúc những ai không có căn cước mới đều bị xếp vào thành phần khả nghi của địch. Trong điều kiện cấp bách, nhất là phải đảm bảo tuyệt đối liên lạc thông suốt giữa nội - ngoại thành, Dũng “râu” tự thấy trọng trách của mình không nhỏ.

Đầu 1972, phôi căn cước rồng xanh giả được chuyển. Bằng mắt thường, khó phân biệt thật giả nhưng Dũng “râu” phát hiện có sai sót. Thứ nhất, căn cước thật được cắt răng cưa sẵn, kích cỡ đều nhau, dùng tay tách nhẹ ra là xong; còn mẫu giả thiếu chi tiết này nên phải khắc phục cho thật giống. Thứ hai, số thẻ căn cước do làm thủ công, từng con số rời, giống như chữ chì nên độ chính xác không cao. Mỗi lần đóng phải thật khéo tay ghép lại từng số rất bất tiện, khi đóng khó đều nhau... Dưới mắt của dân làm giấy giả chuyên nghiệp, Dũng “râu” không bỏ qua các chi tiết này, dù rất nhỏ. Để khắc phục, ông tự khắc từng dãy số (8 số) bằng gỗ để sử dụng. “Khắc nhiều đến nỗi tới tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết, từng nét riêng biệt của mỗi con số ấy. Nó không giống bất kỳ một loại số nào; và đến bây giờ chắc chắn cũng không có. Nó được làm ra chỉ để sử dụng cho riêng thẻ căn cước rồng xanh, mục đích cốt lõi là chống Việt cộng làm giả”, Dũng “râu” khẳng định.

Với căn cước giả in hoàn chỉnh lần này, Dũng “râu” lần lượt “sản xuất” hàng loạt cho lực lượng biệt động, quân báo để sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu trong mọi tình huống…

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, chính quyền Thiệu đã lung lay nhưng Sài Gòn - trung tâm đầu não, nơi điều hành bộ máy chiến tranh ở miền Nam vẫn còn đó; các mục tiêu trọng yếu được ta “khoanh tròn” vẫn chưa xóa được. Ban Quân báo vẫn tiếp tục nhiệm vụ tiếp cận, nắm chắc diễn biến tình hình, phục vụ yêu công tác chỉ đạo của Phân khu. Và công việc làm giấy tờ giả vẫn cứ âm thầm, lặng lẽ song hành cùng bước chân của cán bộ Quân báo, chiến sĩ Biệt động, của các anh chị em giao liên, trinh sát, ngày đêm bám sát theo dõi địch, kịp thời nắm bắt và báo cáo những diễn biến mới nhất cho cấp trên.

Qua thời gian sử dụng căn cước rồng xanh, tất cả đều bình an vô sự. Thăm dò sau mỗi chuyến công tác vào nội thành, một số anh chị em của ta bị địch kiểm tra giấy tờ tại các chốt kiểm soát, nhưng chưa thấy địch có biểu hiện nghi ngờ gì; cũng không nghe thấy bên trong báo ra những tin tức liên quan tới giấy giả. Thế là nhiều loại giấy tờ giả do Dũng “râu” làm ra tiếp tục “lưu hành” ở diện rộng hơn...

“Giữa tháng 4/1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng vào thời điểm lịch sử này, sau hơn 9 năm miệt mài với công việc, làm ra hàng nghìn giấy tờ giả các loại của tôi cũng đến hồi kết”, Dũng “râu” chia sẻ.

Thái Bình

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/chinh-phuc-tam-can-cuoc-rong-xanh-ky-cuoi--i720208/