Chính quyền đô thị giúp 'giải phóng' các nguồn lực, phục vụ người dân tốt nhất
Hơn 2 năm Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây bước đầu đáp ứng yêu cầu tổ chức bộ máy tinh gọn, chính quyền chủ động hơn, mà quan trọng nhất là việc phân cấp ủy quyền mang lại những lợi ích rõ ràng cho người dân.
Tuy nhiên, thực tế cũng đang đặt ra một số bất cập từ cơ sở cần sớm được tháo gỡ, mới có thể mang lại hiệu quả thực chất và bền vững từ mô hình này.
Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của chính quyền phường
Thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2021, 100% phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây bắt đầu thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, theo đó không còn tổ chức HĐND phường. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện lập tức được các cấp ủy đảng, chính quyền từ quận tới cơ sở tập trung quyết liệt. Nhất là công tác tuyên truyền, quán triệt các chỉ đạo, hướng dẫn thi hành của T.Ư, TP và quận về thí điểm mô hình được tăng cường tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và các tầng lớp Nhân dân, cơ bản được toàn hệ thống chính trị ủng hộ.
Khảo sát tại quận Đống Đa - 1 trong 4 quận “lõi” của Hà Nội với số dân rất lớn 37,7 vạn người, số phường lớn nhất trong các quận, thị xã với 21 phường, mật độ dân cư cao nhất TP, việc triển khai mô hình chính quyền đô thị được thực hiện một cách bài bản, thận trọng, đúng quy định và trình tự hướng dẫn. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của T.Ư, TP và Quận ủy, UBND quận đã kịp thời ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện cũng như các văn bản hướng dẫn triển khai nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực tới các phường, đảm bảo sau sắp xếp tổ chức lại theo mô hình mới, tổ chức bộ máy UBND các phường tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Đáng chú ý, trước thực tế không còn tổ chức HĐND phường, Thường trực HĐND quận đã tăng cường toàn bộ hoạt động của Thường trực, các Ban, tổ ĐB và ĐB HĐND quận theo hướng sâu sát cơ sở. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND quận tổ chức được 96 cuộc giám sát, tăng tới 150% so với nhiệm kỳ trước, đi kèm đó là chất lượng giám sát ngày càng được nâng cao.
Công tác phối hợp giữa HĐND quận với các tổ chức CT-XH, UB MTTQ và các phòng, ban, đơn vị liên quan trong giám sát phản biện những nội dung thuộc UBND phường khi thực hiện chính quyền đô thị đảm bảo chặt chẽ; các Ban, tổ ĐB HĐND quận kịp thời tham mưu Thường trực HĐND tổ chức giám sát những vấn đề nổi cộm, phát sinh trong Nhân dân, tránh thành điểm nóng.
Theo Phó Trưởng Phòng Nội vụ UBND quận Đống Đa Vũ Trà Vinh, chính sự thay đổi phương thức hoạt động của UBND phường từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng tại 21 phường đã tạo điều kiện cho Chủ tịch UBND phường chủ động hơn trong quản lý, điều hành kinh phí được giao; bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tại địa phương, nhất là vai trò Chủ tịch UBND phường.
Đặc biệt, việc Chủ tịch phường được ủy quyền công chức Tư pháp-Hộ tịch ký chứng thực, đóng dấu của UBND phường trong chứng thực bản sao từ bản chính những giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp hoặc chứng nhận, chứng thực chữ ký trong các văn bản theo quy định đã giúp giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách. Qua đó, thực sự góp phần “giải phóng” các nguồn lực và phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của phường để phục vụ người dân tốt nhất.
Thống kê từ ngày 1/7/2021 đến nay, công chức Tư pháp-Hộ tịch các phường thuộc quận Đống Đa đã chứng thực được 95% tổng số hồ sơ chứng thực, với 100% TTHC ủy quyền được thực hiện đúng và trước hạn, quá trình thực hiện không phát sinh đơn thư khiếu nại của công dân. Kết quả này góp phần đẩy nhanh giải quyết TTHC, tiết kiệm thời gian cho tổ chức, công dân khi đến giao dịch tại phường và giảm tải công việc cho lãnh đạo UBND phường. Trong 2 năm 2021-2022 và nửa đầu năm nay, 100% hồ sơ hành chính được UBND quận và UBND 21 phường tiếp nhận, giải quyết đều sớm hoặc đúng hạn.
Cán bộ, công chức phải tự nâng cao trách nhiệm
“Từ khi thực hiện chính quyền đô thị, công chức Tư pháp-Hộ tịch được Chủ tịch UBND phường ủy quyền ký xác nhận hồ sơ TTHC lĩnh vực chứng thực và chứng thực chữ ký, nên được ngồi trực tiếp tại bộ phận “một cửa” để ký trả kết quả hồ sơ, rất thuận lợi cho người dân. Cụ thể, chúng tôi kiểm tra hồ sơ thấy đủ, hợp lệ thì ký, lấy dấu ngay để trả cho công dân, chỉ trong 5-10 phút. Nhanh, thuận tiện hơn còn ở chỗ, nếu trước kia người dân phải đến tận bộ phận “một cửa” để kê khai hồ sơ giấy thì từ khi thực hiện chính quyền đô thị ngày càng đẩy mạnh giao dịch trên môi trường mạng, công dân có thể nhập hồ sơ mọi lúc mọi nơi, miễn là có internet và thiết bị điện tử; từ đó công chức kiểm soát hồ sơ có thể nhận qua hệ thống email, công dân chỉ phải đến nhận kết quả, giảm tối đa phải đi lại giao dịch nhiều lần.
Đặc biệt, công dân ra bộ phận “một cửa” phường Trung Văn vào “Ngày thứ Sáu không viết” thì có đoàn viên thanh niên hỗ trợ kê khai, nhập hồ sơ lên mạng, không chỉ về hộ tịch mà cả TTHC các lĩnh vực khác như LĐ-TB&XH, địa chính… Được UBND quận quan tâm, bộ phận “một cửa” phường được trang bị ngày càng hiện đại, trong đó vừa được bổ sung máy scan giúp cán bộ và công dân đều thuận tiện hơn, vì không phải chụp ảnh up zalo rồi mở ra nữa, mà có thể scan luôn trên hệ thống”- Công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Trung Văn Nguyễn Thị Bích Thuận
Nam Từ Liêm là một trong những quận mới của Hà Nội, song việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ quận đến các phường cũng được triển khai rất bài bản, nghiêm túc, bước đầu ghi nhận hiệu quả rõ nét, nhất là những thuận lợi mang lại cho người dân.
Điển hình tại phường Trung Văn, nhằm tạo đồng thuận thống nhất trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân, ngay sau tiếp nhận chỉ đạo về triển khai mô hình, UBND phường xác định quan trọng nhất là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Bởi lẽ, không còn HĐND cấp phường nên nhiều người băn khoăn việc không còn cơ quan giám sát UBND phường. Tuy nhiên, phường Trung Văn cũng như những phường khác đã được UBND quận quan tâm bố trí đủ 15 CBCC theo quy định cho phường loại 1 và chăm lo chế độ chính sách rất tốt cho các đồng chí Thường trực HĐND phường không tiếp tục ở vị trí công tác đó nữa (Chủ tịch HĐND đủ điều kiện nghỉ hưu, Phó chủ tịch HĐND được chuyển sang làm Chủ tịch MTTQ phường Mễ Trì).
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND phường Trung Văn Nguyễn Đắc Long khẳng định, sau hơn 2 năm thực hiện mô hình, cái lợi lớn nhất mà người dân được thụ hưởng chính là giao dịch hồ sơ hành chính tại UBND phường được giải quyết rất nhanh gọn, nhờ bộ phận “một cửa” được lắp đặt bổ sung nhiều trang thiết bị để trở thành “một cửa hiện đại”. Nhất là việc Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp-Hộ tịch thực hiện ký chứng thực là điểm rất mới mang lại lợi ích thấy rõ cho người dân. Trước kia, có trường hợp đột xuất lãnh đạo UBND phường phải đi họp thì người dân phải đợi ký trả kết quả hồ sơ theo quy định, nhưng từ khi thực hiện việc ủy quyền này, nhiều TTHC được trả kết quả ngay, người dân rất phấn khởi.
Cùng đó, thực hiện quy định tại quy chế hoạt động và quyết định phân công nhiệm vụ theo chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND phường phân công từng CBCC phụ trách các tổ dân phố (TDP) trên địa bàn một cách cụ thể. Điều này rất cần thiết, người dân được thụ hưởng ngay, vì rõ người rõ việc rõ trách nhiệm, CBCC phường tự phải nâng cao trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra địa bàn và trao đổi với bí thư chi bộ, tổ trưởng TDP. Từ đó kịp thời nắm bắt những nội dung TDP đề đạt lên UBND phường, có những việc báo cáo Chủ tịch giải quyết ngay, nhất là vấn đề dân sinh.
Hơn nữa, theo lãnh đạo phường Trung Văn, việc ủy quyền và giao nhiệm vụ từ cấp quận về cấp phường có sự phân cấp nhiều hơn. Địa bàn Trung Văn hiện có 19 tòa nhà cao tầng, UBND quận đã ủy quyền cho UBND phường thực hiện công tác chỉ đạo và bầu ban quản trị các chung cư, phân cấp cho Chủ tịch UBND phường ký quyết định công nhận kết quả bầu này. Điều đó giúp công tác quản lý Nhà nước tại phường sát sao, hiệu quả hơn; chính ban quản trị, bí thư chi bộ, tổ trưởng TDP ở các chung cư đánh giá rất cao việc này. Sự phân cấp thực hiện nhiệm vụ cũng khiến trách nhiệm của Chủ tịch phường nâng cao hơn, giải quyết công việc theo quy định pháp luật nhanh hơn.
Đáng chú ý, ngoài thực hiện mỗi năm 2 hội nghị đối thoại với người dân trước kỳ họp HĐND cấp quận theo quy định tại Nghị quyết 97/2019/QH14, UBND phường Trung Văn từ năm nay đã chủ động tổ chức mô hình Chủ tịch UBND phường trực tiếp đối thoại với người dân ngay tại TDP về các lĩnh vực, để kịp thời lắng nghe, giải quyết ngay vấn đề người dân bức xúc. Trong đó, phường chia ra mỗi cụm gồm một số TDP, tháng 6 vừa qua đã tổ chức hội nghị đầu tiên với 1 cụm và thời gian tới sẽ tiếp tục với các cụm khác. Tại hội nghị đó, công chức bộ phận “một cửa” phường cũng đã sử dụng máy laptop để cung cấp một số dịch vụ công đến tận địa bàn, kết hợp cài đặt định danh điện tử VNeID cho người dân.
Chị Bùi Thị Thúy Liên (trú tại tổ 1 phường Mễ Trì) vừa được nhận kết quả chứng thực sơ yếu lý lịch để hoàn thiện hồ sơ chuyển công tác, phấn khởi cho hay: “Đây là lần thứ hai đến giao dịch, so với lần trước cách đây mấy năm, tôi thấy bộ phận “một cửa” UBND phường Trung Văn hiện đại hơn nhiều, có máy móc thiết bị phục vụ người dân giao dịch rất nhanh, thuận tiện. Đặc biệt đến giải quyết giấy tờ khi đã sắp hết giờ giao dịch nhưng tôi vẫn được công chức hỗ trợ giải quyết nhiệt tình, không phải mất công hôm khác quay lại”.
Quan tâm hơn về con người, điều kiện làm việc
Dù đã đạt những kết quả bước đầu rất tích cực, song theo Chủ tịch UBND phường Trung Văn, thực tế tại những địa bàn đông dân và phức tạp như Trung Văn, với mật độ dân số và khối lượng công việc rất lớn (4,3 vạn dân nhưng diện tích tự nhiên chưa tới 3km2), đã trở thành phường một thời gian nhưng tốc độ đô thị hóa vẫn rất nhanh, áp lực lớn về quản lý đất đai -xây dựng. Vì vậy, rất mong TP quan tâm phân loại, với những phường có tính chất phức tạp và khối lượng công việc lớn thì bổ sung CBCC, nhất là liên quan công chức chuyên môn như Địa chính-Xây dựng hay công chức Tư pháp-Hộ tịch ở bộ phận “một cửa”, giúp giải quyết công việc nhanh hơn, công tác quản lý Nhà nước hiệu quả hơn, từ đó phục vụ Nhân dân tốt hơn, người dân được hưởng lợi hơn.
Cũng theo lãnh đạo nhiều phường, các phường đang xây dựng chính quyền điện tử, để liên thông thông suốt từ cấp phường lên cấp quận và cấp TP thì từ bộ phận “một cửa” phường rất cần được quan tâm hơn về trang thiết bị, hệ thống đường truyền. Thực tế, bộ phận “một cửa” các phường sử dụng phần mềm dùng chung của TP qua một số đơn vị cung cấp đến nay vẫn chưa đảm bảo, cần được rà soát để đánh giá tổng thể, đầu tư bài bản về CNTT cũng như trang thiết bị phục vụ CBCC, để đảm bảo thông suốt trong công tác báo cáo và chỉ đạo.
Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, thực tế thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở quận cho thấy, TP cần sớm có chỉ đạo, hướng dẫn về kinh phí cho Đảng ủy và các đoàn thể, tổ chức CT-XH phường để có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất; sớm triển khai đồng bộ việc xây dựng cơ sở dữ liệu số về CBCCVC. Đặc biệt, đề nghị TP xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng tăng mức phụ cấp cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở phường và TDP để cán bộ cơ sở yên tâm công tác trong tình hình mới; đồng thời giao UBND quận được chủ động trong công tác bố trí, điều động công chức công tác tại UBND phường về các phòng, ban, đơn vị thuộc quận.