Chính quyền hai cấp đặc khu Côn Đảo: Đáp ứng kỳ vọng của nhân dân
Sau 4 ngày vận hành chính quyền 2 cấp đặc khu Côn Đảo ghi nhận tín hiệu tích cực, thủ tục hành chính giải quyết nhanh chóng, kịp thời, tạo sự an tâm cho người dân.
Phục vụ hỗ trợ người dân tối đa
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Tống Thế Tuyên – Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công đặc khu Côn Đảo, khẳng định: Tinh thần phục vụ người dân tối đa là kim chỉ nam xuyên suốt. Từ nhiều tháng trước, huyện đã triển khai chạy thử hệ thống, rà soát quy trình, phân công nhiệm vụ cụ thể để đến ngày 1/7, trung tâm chính thức tiếp nhận hồ sơ của công dân và tổ chức mà không để xảy ra gián đoạn hay chậm trễ.

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công Đặc khu Côn Đảo. Ảnh: Thu Hường
Trong 4 ngày đầu vận hành, trung tâm tiếp nhận gần 50 hồ sơ, giải quyết chủ yếu thuộc lĩnh vực chứng thực, sao y bản chính, đăng ký hộ tịch.
“Trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, đôi khi đường truyền, hạ tầng công nghệ thông tin chưa ổn định, nhưng cán bộ vẫn kịp thời liên hệ với các đầu mối, phối hợp với các đơn vị cấp trên tại TP. Hồ Chí Minh. Đến thời điểm hiện tại, các hồ sơ đều được giải quyết đúng và trước hạn, người dân rất phấn khởi, đánh giá cao sự cố gắng của đơn vị”- ông Tuyên cho hay.
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Bùi Hữu Thế - Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Côn Đảo cho hay: Ngay sau khi đặc khu Côn Đảo chính thức thành lập và kiện toàn bộ máy mới, lãnh đạo huyện đã họp và thể hiện quyết tâm cao trong việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp, đặc biệt là đảm bảo công tác giải quyết thủ tục hành chính diễn ra thông suốt, không bị gián đoạn.
Để chuẩn bị cho việc chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7, chúng tôi đã tổ chức vận hành chạy thử song song với các địa phương, rà soát quy trình xử lý hồ sơ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ công chức. Sau thời gian chạy thử, đến nay cơ bản các thủ tục hành chính đều được thực hiện theo đúng quy định.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số vướng mắc phát sinh liên quan đến việc kết nối phần mềm chuyên ngành của các bộ, ngành quản lý. Cụ thể, thủ tục đăng ký hộ tịch cần liên thông với phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp, thủ tục đăng ký kinh doanh phải tích hợp với phần mềm chuyên ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện tại, các kết nối này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chờ đồng bộ để triển khai chính thức.

Chị Trương Huỳnh Như - Khu 3, đặc khu Côn Đảo. Ảnh: Thu Hường
“Do hệ thống phần mềm dùng chung của bộ phận một cửa đang phải tập trung xử lý dữ liệu của 168 xã, phường của TP. Hồ Chí Minh nên có thời điểm xảy ra tình trạng quá tải. Với sự chuẩn bị từ sớm, lực lượng cán bộ tại trung tâm đã giải quyết trực tiếp cho người dân, đảm bảo thủ tục được xử lý trong thời gian ngắn nhất. Điều này mang lại sự hài lòng cho nhân dân” – ông Thế cho hay.
Chị Trương Huỳnh Như, khu 3 đường Huỳnh Thúc Kháng bày tỏ: Hôm nay đến sao y giấy, tờ em thấy thủ tục giải quyết rất nhanh chóng, mặc dù từ "đặc khu" còn hơi lạ lẫm với người dân nhưng em thấy cán bộ giải quyết thủ tục hành chính hướng dẫn tận tình, thủ tục nhanh chóng.
Khẳng định vị thế đặc khu Côn Đảo trong phát triển TP. Hồ Chí Minh
Theo ông Bùi Hữu Thế, hiện nay dân số đặc khu Côn Đảo khoảng 15.000 người, tuy nhiên trên địa bàn Côn Đảo không có văn phòng công chứng, nên nhu cầu người dân thực hiện các thủ tục sao y, chứng thực tại cơ quan hành chính rất lớn.
Theo thống kê của trung tâm, trong nhiều năm qua, hồ sơ chứng thực tư pháp chiếm khoảng 75% tổng số thủ tục hành chính phát sinh tại huyện. Thực tế 4 ngày vừa qua cũng cho thấy tình hình tương tự, các hồ sơ lĩnh vực đất đai mới chỉ phát sinh vài trường hợp, còn lại tập trung chủ yếu vào chứng thực và công tác tư pháp.

Ông Bùi Hữu Thế- Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công, đặc khu Côn Đảo. Ảnh: Thu Hường
“Mặc dù mọi thủ tục đang được xử lý trên môi trường số là phần mềm mới do TP. Hồ Chí Minh triển khai, tuy nhiên hạ tầng cơ sở và thiết bị máy tính chủ yếu tận dụng từ hệ thống một cửa trước đây, nên nhiều trang thiết bị đã cũ, hạn chế về hiệu suất, dung lượng và độ ổn định”- ông Thế chia sẻ.
Để khắc phục, ông Thế cho hay, trung tâm đã đề xuất nâng cấp đường truyền internet, bố trí lại máy móc, đồng thời lên kế hoạch trang bị thêm thiết bị mới như máy vi tính, máy scan, máy photocopy, máy in và các thiết bị hỗ trợ khác để phục vụ tốt hơn nhu cầu giao dịch trực tuyến của người dân và tổ chức.
Trong thời gian tới, Ban lãnh đạo trung tâm rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên để đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo các phần mềm chuyên ngành liên thông ổn định, đồng bộ, nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Ông Bùi Hữu Thế nhấn mạnh: Trong điều kiện địa bàn Côn Đảo biệt lập, đặc thù, việc triển khai chính quyền địa phương hai cấp và xây dựng một nền hành chính phục vụ dân, vì dân, minh bạch, hiện đại là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là quyết tâm chính trị của toàn bộ tập thể cán bộ, công chức tại đây. Trung tâm sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng của người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và khẳng định vị thế của đặc khu trong quy hoạch tổng thể TP. Hồ Chí Minh.
Kỳ vọng về sự phát triển của Côn Đảo trong kỷ nguyên mới
Thượng tọa Thích Trung Sơn – Phó ban Kinh tế - Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Vân Sơn, (Núi 1, đặc khu Côn Đảo) chia sẻ: Khi đặc khu Côn Đảo chính thức sáp nhập về TP. Hồ Chí Minh, nhân dân trên đảo rất phấn khởi, tin tưởng và tự hào. Bởi lẽ, đối với người dân Côn Đảo, vùng đất này không chỉ là quê hương mà còn là “ban thờ của Tổ quốc”, nơi ghi dấu sự hy sinh của những bậc tiền nhân, những người đã đặt nền móng cho nền độc lập.
"Việc trực thuộc một đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh mang lại nhiều kỳ vọng, cả về nâng cao giá trị tinh thần, lẫn phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội"- Thượng tọa nhấn mạnh.

Việc trực thuộc TP. Hồ Chí Minh là cơ hội để Côn Đảo phát triển vượt bậc. Ảnh minh họa: Thu Hường
Một điểm đặc biệt là khi Côn Đảo gắn kết thông tin, truyền thông cùng TP. Hồ Chí Minh, bất kỳ thông tin, sự kiện nào phát đi cũng có thể tiếp cận hàng chục triệu người, khác rất nhiều so với khi còn trực thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu. Điều này giúp nâng tầm nhận thức cộng đồng về giá trị lịch sử, văn hóa và ý nghĩa tâm linh đặc biệt của Côn Đảo.
Thượng tọa bày tỏ mong muốn lớn nhất là Côn Đảo tiếp tục được đầu tư hạ tầng, kết nối đồng bộ hơn, nhưng vẫn phải gìn giữ trọn vẹn giá trị tinh thần và bản sắc tâm linh.
“Đây chính là “hồn cốt” của hòn đảo, là điều làm nên sự khác biệt, không thể đánh đổi. Nếu chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà buông lỏng công tác bảo vệ môi trường, phá vỡ không gian sinh thái, Côn Đảo sẽ mất đi giá trị cốt lõi quý báu nhất”- Thượng tọa Thích Trung Sơn bày tỏ.