Chờ những 'mạch sống xanh' của Kinh thành Huế hồi sinh
HNN - Từng là mạng lưới điều hòa thủy lợi, cảnh quan và phòng thủ quan trọng dưới thời Nguyễn, hệ thống ao hồ và thủy đạo trong Kinh thành Huế đang đứng trước nguy cơ mai một do đô thị hóa và ô nhiễm.

Sen trắng được trồng ở hồ trong Hoàng cung - Đại Nội, Huế
Sự tàn phá âm thầm
Hệ thống ao hồ và thủy đạo trong Kinh thành Huế là một di sản quý, hình thành từ các yếu tố tự nhiên và nhân tạo, trong đó nhiều hồ là vết tích của sông Kim Long (đoạn chảy qua Kinh thành) hoặc do Triều Nguyễn cho đào để phục vụ giao thông thủy, điều tiết nước, điều hòa khí hậu và tạo không gian cảnh quan đẹp cho nội thành.
Khảo cứu của tác giả Vũ Hữu Minh và Trần Đức Anh Sơn trong bài Hồ trong Kinh thành Huế, đến năm 1993 vẫn còn 43 hồ phân bố khắp nội thành. Năm 2006, nhóm khảo sát của phòng Nghiên cứu Khoa học và Hướng dẫn - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã tiến hành thống kê, phỏng vấn nhân chứng và đánh giá lại hiện trạng của các hồ này. Đến nay, trải qua quá trình đô thị hóa, các hồ ở Kinh thành Huế cũng chịu tác động rất lớn: nhiều hồ bị lấp, xâm lấn, ô nhiễm nặng. Ngoài những hồ được bảo tồn tốt, còn giữ được tương đối nguyên trạng (như các hồ Tân Miếu, Võ Sanh, Phong Trạch), phần lớn những hồ còn lại đều đã bị lấn chiếm nghiêm trọng, làm biến dạng diện mạo của hồ, thậm chí có hồ đã biến mất hoàn toàn trong thực địa (như hồ Long Võ Tiền, hồ Đào…).
Đầu năm 2025, Trung tâm BTDTCĐ Huế tiếp tục khảo sát hiện trạng hệ thống hồ và thủy đạo tại khu vực Hoàng thành và Kinh thành Huế. Kết quả cho thấy, hệ thống hồ thuộc Hoàng thành Huế như hồ Thái Dịch, Ngọc Dịch, lạch Đào Nguyên, hồ ở cung Diên Thọ, sông Trại Vũ ở vườn Cơ Hạ, Hậu Hồ (Nội Kim Thủy) và Ngoại Kim Thủy (hào bao quanh Hoàng thành), dù vẫn giữ được liên thông về hình thức, nhưng nhiều cống ngầm đã bị bồi lấp, nước không còn lưu thông giữa các khu vực như trước.

Hồ Ngọc Dịch nằm giữa Thái Bình Lâu và Ngự Tiền Văn phòng - Đại Nội Huế
Tại khu vực Kinh thành, hiện trạng đáng lo hơn: Phần lớn trong số 32 hồ được khảo sát đã bị lấn chiếm cả bốn mặt, lòng hồ bồi lấp bởi đất đá, cây cối hoặc rác thải sinh hoạt. Nhiều hồ chỉ còn tồn tại trên bản đồ. Một số hồ, như hồ Hùng Nhuệ, hồ Mộc Đức, hồ Tây, hồ Tiên Y… nằm “lọt” trong khu dân cư. Hồ Sấu - từng là một trong 20 thắng cảnh đất Thần Kinh, được vua Thiệu Trị làm thơ ca ngợi, nay nhường chỗ cho nhà cửa và chung cư.
“Ngày xưa khu vực này có nhiều hồ, sen mọc khắp nơi. Giờ nhìn quanh chỉ thấy bê tông và bèo, rác”, ông Trần Văn Tịnh, một cư dân sống gần hồ Hộ Vệ (phường Thuận Hòa) tiếc nuối.
Không chỉ tác động cảnh quan, sự xuống cấp của hệ thống ao hồ còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống. “Ngày trước, các hồ và sông Ngự Hà có liên thông điều tiết. Nay thì rác thải sinh hoạt, lấn chiếm, bồi lấp đã khiến nhiều cống bị phá hủy hoặc bít kín, nước không còn lưu thông”, ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết.
Cũng theo ông Sơn, hầu hết các hồ nói trên nằm ngoài địa bàn di tích, bỏ ngỏ sự quản lý một thời gian dài. Khi người dân đã cơi nới, xây dựng kiên cố thì việc phục hồi nguyên trạng rất khó. Hiện chỉ còn một số hồ trong khu vực Hoàng thành - Đại Nội, hồ Tịnh Tâm, hồ Xã Tắc… là giữ được cơ bản hiện trạng nhờ sự quản lý chặt hơn.
Không chỉ đóng vai trò sinh thái và cảnh quan, các ao hồ còn là một phần không thể tách rời trong kiến trúc phong thủy của Cố đô Huế. Triều Nguyễn xây dựng Kinh thành không đơn thuần là tổ chức không gian đô thị, mà còn là sự hài hòa giữa yếu tố thiên nhiên - đồi núi, sông ngòi, mặt nước, cây xanh với các công trình kiến trúc nghiêm cẩn và chặt chẽ. Các hồ như Tiền Bảo, Hữu Bảo, Mộc Đức… từng đóng vai trò “gương nước” phản chiếu lầu son gác tía, đồng thời là nơi điều hòa khí hậu, chống lũ lụt cho Kinh thành xưa.
Đặc biệt, hồ Tịnh Tâm - một trong 20 thắng cảnh đất Thần Kinh, nơi trồng sen trắng tiến vua, cũng ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt và xả thải. Đây cũng là điểm cuối dòng chảy trước khi nước ra sông Ngự Hà, rồi đổ về sông Hương qua cống Thủy Quan.
Giới chuyên gia nhận định, nếu không có giải pháp cấp bách để bảo vệ, khơi thông và quản lý đồng bộ, hệ thống ao hồ và thủy đạo, từng là “mạch sống xanh” của Cố đô, có nguy cơ trở thành những “ký ức lặng thầm” chìm sâu dưới lớp bê tông hiện đại.
Khát vọng hồi sinh
Thời gian qua, thành phố Huế và Trung tâm BTDTCĐ Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cứu lấy hệ thống hồ cổ và mạch nước xanh của Kinh thành. Hành trình hồi sinh này không chỉ dừng ở bảo tồn, mà còn hướng tới khai thác hợp lý, góp phần cải thiện môi trường sống và phát triển kinh tế địa phương.
Theo ông Lê Công Sơn, các hoạt động như nạo vét, khơi thông dòng chảy, xử lý nước bằng công nghệ vi sinh đang được tiến hành thường xuyên. Việc thả cá cảnh được kết hợp để giữ cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, tạo cảnh quan sinh động cho mặt nước. Đơn vị cũng đang khôi phục lại hệ thủy thực vật đặc trưng của Huế - sen trắng, và đã nhân rộng ở một số hồ: Tịnh Tâm, hồ ở lăng Thiệu Trị và lăng Gia Long.
Về lâu dài, Trung tâm kết hợp các dự án lớn để cùng lúc bảo tồn trùng tu hệ thống hồ, cải tạo chất lượng nước và chỉnh trang cảnh quan xung quanh. Trước đó, hồ ở lăng Thiệu Trị và lăng Gia Long đã được cải tạo, nạo vét. Hồ Xã Tắc được chỉnh trang từ nguồn dự án tài trợ. Hồ Tịnh Tâm đưa vào kế hoạch phục hồi quy mô… Đặc biệt, Đề án di dời dân cư khỏi Khu vực I di tích Kinh thành Huế, cùng dự án Đô thị xanh Huế hiện đang được thành phố triển khai đóng vai trò quan trọng. Nhiều khu vực hồ thuộc di tích trước đây bị nhà dân cơi nới, lấn chiếm nay sẽ được “trả lại mặt nước”.
“Giải pháp căn cơ vẫn là xử hệ thống thoát nước đô thị. Nếu vẫn còn tình trạng rác thải và nước thải sinh hoạt đổ thẳng xuống hồ, thì mọi nỗ lực cải tạo sẽ chỉ như dã tràng xe cát”, ông Sơn nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng cho rằng, phục hồi diện tích mặt nước mới chỉ là bước đầu. Mục tiêu lớn hơn là khai thác bền vững để tạo nguồn lực tái đầu tư, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng cư dân quanh vùng. Một trong những định hướng quan trọng là biến các tuyến hồ - sông - hào thành sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc.
“Nếu có tour du lịch bằng thuyền ngắm cảnh quanh Hoàng thành, lướt trên dòng Ngự Hà thì tuyệt vời. Du khách sẽ hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa, về Huế”, chị Nguyễn Mỹ Linh, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.
Hiện đã có doanh nghiệp trình đề án du lịch bằng thuyền ở Ngự Hà, kết hợp các tuyến dạo bộ trên Thượng thành đã đưa vào khai thác và tham quan di tích, sẽ mở ra các dịch vụ mới hấp dẫn cho thành phố.
Hệ thống ao hồ và thủy đạo của Kinh thành Huế là những “mạch sống xanh” góp phần tạo nên giá trị độc đáo cho đô thị di sản. Bảo tồn, phục hồi và khai thác bền vững những “di sản chìm” này không chỉ là trách nhiệm với lịch sử mà còn là cách để Huế kiến tạo một môi trường sống xanh, sạch và giàu bản sắc văn hóa trong tương lai.
Hệ thống thủy đạo ở Kinh thành Huế bắt nguồn từ thời các chúa Nguyễn, khi đô thành Phú Xuân hình thành năm 1687. Trải qua hai triều vua đầu Triều Nguyễn (1802 - 1841), cùng với việc xây dựng Kinh thành, Hoàng thành, hệ thống thủy đạo gồm các hồ và Ngự Hà cũng được xây dựng hoàn chỉnh.