Chính quyền hai cấp vùng biên Tuyên Quang: Ổn định, linh hoạt, vì dân phục vụ
Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, các xã vùng cao biên giới thuộc tỉnh Tuyên Quang đã nhanh chóng ổn định tổ chức, vận hành thông suốt. Dù còn nhiều khó khăn đặc thù về địa hình, dân cư, hạ tầng… nhưng với quyết tâm cao của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, sự đồng thuận của nhân dân và sự đồng hành của lực lượng vũ trang, chính quyền cơ sở đang từng bước khẳng định vai trò là điểm tựa vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.
Xã Mèo Vạc được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ thị trấn Mèo Vạc và các xã Pả Vi, Giàng Chu Phìn, Tả Lủng cùng một phần xã Pải Lủng (thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cũ). Đây là địa bàn có địa hình phức tạp, dân cư đông nhưng phân tán, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế.
Ngay sau khi có quyết định thành lập, xã Mèo Vạc đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ xã và kỳ họp thứ nhất HĐND xã khóa I; đồng thời làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ khó khăn trong quá trình chuyển tiếp. Một số vướng mắc ban đầu được ghi nhận như: Thiếu trang thiết bị hành chính, thủ tục chưa đồng bộ, trụ sở cũ chưa bàn giao đầy đủ...

Một góc trung tâm xã Mèo Vạc (tỉnh Tuyên Quang) sau sáp nhập, thể hiện vai trò điểm tựa của chính quyền cơ sở nơi vùng cao biên giới.
Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, chính quyền xã đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo duy trì hiệu quả hoạt động và phục vụ người dân ngay từ những ngày đầu thành lập. Chính quyền xã cũng tích cực tiếp thu ý kiến từ cơ sở, đồng hành cùng doanh nghiệp, ngân hàng và người dân nhằm từng bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vùng cao.
Ông Vàng Mí Chía, thôn Lùng Vái, chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi cũng lo lắng vì chưa rõ trụ sở xã mới đặt ở đâu, thủ tục hành chính thay đổi thế nào. Nhưng cán bộ đã xuống tận thôn hướng dẫn cụ thể, bà con yên tâm lắm. Giờ chỉ mong chính quyền tiếp tục hỗ trợ để dân có điều kiện phát triển kinh tế, thoát khỏi khó khăn”.
Tại xã Phố Bảng – đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất các xã, thị trấn: Phố Bảng, Phố Là, Phố Cáo, Lũng Thầu (thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cũ) chính quyền địa phương cũng đã nhanh chóng ổn định tổ chức và bố trí trụ sở làm việc linh hoạt, đảm bảo hoạt động hành chính thông suốt, phục vụ nhân dân không gián đoạn.
Trụ sở cũ của thị trấn Phố Bảng được bố trí làm nơi làm việc của HĐND, UBND và các phòng ban chuyên môn; cơ sở xã Phố Cáo cũ dành cho Đảng ủy, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể; Ban Chỉ huy Quân sự xã đặt tại Phố Là. Dù còn mang tính tạm thời, song mô hình này đã phần nào khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất sau sáp nhập.

Chính quyền xã Phố Bảng (tỉnh Tuyên Quang) nâng cao chất lượng phục vụ người dân tại Trung tâm hành chính công, bảo đảm vận hành thông suốt sau sáp nhập.
Đồng chí Giàng Xuân Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Phố Bảng, cho biết: “Chúng tôi xác định đây không đơn thuần là việc tổ chức lại bộ máy hành chính, mà còn là cơ hội để tạo nền tảng phát triển bền vững lâu dài. Mỗi bước đi đều cần thận trọng, bài bản và có lộ trình rõ ràng”.
Đội ngũ cán bộ xã được chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tư tưởng lẫn năng lực để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Công tác dân vận được đẩy mạnh, với sự vào cuộc đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhằm củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cán bộ xã không chỉ tiếp dân tại trụ sở mà còn đến tận cụm dân cư, điểm trường, nhà văn hóa để nắm bắt tâm tư, hỗ trợ người dân một cách sát sao, kịp thời.
Hiện nay, xã Phố Bảng xác định 5 định hướng phát triển trọng tâm gồm: Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và cây dược liệu; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường an sinh xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận tri thức và thu hút nguồn lực đầu tư.
Bí thư Đảng ủy xã Phố Bảng, đồng chí Giàng Xuân Thắng, nhấn mạnh: “Phương châm hành động là Chủ động - Đoàn kết - Linh hoạt - Quyết tâm cao, lấy người dân làm trung tâm. Chúng tôi tin rằng đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, sẽ ngày càng khởi sắc”.
Một trong những tín hiệu tích cực sau sáp nhập là công tác quốc phòng, an ninh tại các xã vùng cao biên giới không những không bị gián đoạn, mà còn được tăng cường. Thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố vững chắc thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền cơ sở và lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Xã Phố Bảng chủ động chỉnh trang, vệ sinh khuôn viên trụ sở sau sáp nhập, bảo đảm điều kiện làm việc và phục vụ nhân dân ổn định, hiệu quả.
Tại các xã biên giới, chính quyền xã và cán bộ địa phương thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng để tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền, đấu tranh phòng chống vượt biên trái phép, kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là trong mùa mưa lũ.
Dù vẫn còn nhiều thách thức phía trước, nhưng thực tiễn đang diễn ra ở các xã vùng cao tỉnh Tuyên Quang mới cho thấy: Khi bộ máy chính quyền được tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu quả, gần dân, vì dân thì dù địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, chính quyền cơ sở vẫn là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân.
Việc chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp không chỉ là sắp xếp lại bộ máy hành chính, mà còn là bước chuyển toàn diện về tư duy lãnh đạo, phương pháp chỉ đạo và hành động cụ thể hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân tốt hơn. Nơi vùng cao biên giới, chính quyền cơ sở đang lặng lẽ hiện thực hóa lời hứa ấy bằng sự trách nhiệm, tâm huyết và khát vọng đổi mới không ngừng.