Huyện Sơn Động bất lực trước xưởng gỗ xây dựng trái phép?

Mặc dù những xưởng chế biến gỗ đang làm thay da đổi thịt của huyện nghèo Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, góp phần vào công cuộc thoát nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, không thể chỉ vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường.

Bất lực trước vi phạm

Sau nhiều ngày liên hệ và có nhiều bài viết phản ánh về thực trạng các nhà xưởng chế biến gỗ xây dựng trái phép tràn lan ở huyện Sơn Động, cuối cùng phóng viên Báo Điện tử VOV đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Lê Đức Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ông Thắng cho biết, việc chế biến sản phẩm thô từ rừng trồng góp phần giúp người dân địa phương cải thiện đời sống và thoát nghèo. Nhưng bên cạnh đó, việc đầu tư, xây dựng đi vào hoạt động của nhiều nhà xưởng còn chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật, đa số những cơ sở tập kết, chế biến gỗ bóc, băm dăm hoạt động từ lâu và tự phát.

“Trong công tác thu hút đầu tư triển khai hạ tầng, khu, cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc nên chưa thể đi vào hoạt động một cách bài bản. Nên việc vi phạm của các công ty, cơ sở sản xuất này vẫn diễn ra bình thường là điều hiển nhiên. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện Sơn Động tập trung chỉ đạo rà soát lập biên bản và yêu cầu người dân, doanh nghiệp ký cam kết giữ nguyên hiện trạng không phát sinh thêm”- ông Lê Đức Thắng nói.

Ông Lê Đức Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang

Ông Lê Đức Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang

“Tôi là cán bộ luân chuyển "quân triều đình" cử xuống, nếu UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo đóng cửa toàn bộ xưởng gỗ trái phép, thì chúng tôi cho đóng cửa toàn bộ ngay tức khắc”- ông Lê Đức Thắng cho nhấn mạnh.

Tuy nhiên trái ngược với cam kết của lãnh đạo huyện Sơn Động, phóng viên chia sẻ việc ghi nhận thực tế về tình trạng các công ty, nhà xưởng sản xuất chế biến gỗ vẫn đang ngang nhiên hoạt động. Đặc biệt, tại xã Tuấn Đạo có nhiều nhà xưởng "khủng", xây dựng trái phép, cả cũ cả mới trên hàng nghìn m2 đất rừng Sơn Động, vẫn ngang nhiên hoạt động như chưa hề có ai đến kiểm tra, xử lý vi phạm?!

Toàn cảnh khu vực nhà xưởng chế biến gỗ xây dựng trái phép giữa rừng Sơn Động, trên địa bàn xã Tuấn Đạo.

Toàn cảnh khu vực nhà xưởng chế biến gỗ xây dựng trái phép giữa rừng Sơn Động, trên địa bàn xã Tuấn Đạo.

Liên quan về vấn đề này, ông Lê Đức Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang lý giải: Bản thân ông phải thường xuyên đi công tác nên việc đi sâu, đi sát cơ sở để chỉ đạo địa phương và cán bộ chuyên môn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

"Đặc biệt, huyện Sơn Động là huyện nghèo của tỉnh Bắc Giang, cơ bản phát triển chủ yếu về lâm sản từ rừng, hằng năm cho doanh thu đạt gần 800 tỷ đồng. Hạ tầng du lịch còn chưa phát triển đồng bộ so với tiềm năng lợi thế. Bên cạnh đó, việc thu thuế tài nguyên khoáng sản từ than chủ yếu nộp lại ngân sách tỉnh Bắc Giang, địa phương không được tiếp cận nên gặp nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi không thể "xuống tay" xử lý tình trạng các công ty, nhà xưởng này được. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương"- ông Thắng lý giải.

Khu vực nhà xưởng tại xã Tuấn Đạo xây dựng trái phép trên đất rừng Sơn Động nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Khu vực nhà xưởng tại xã Tuấn Đạo xây dựng trái phép trên đất rừng Sơn Động nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Cần lộ trình tháo dỡ

Cũng theo ông Lê Đức Thắng, đối với tất cả các cơ sở xưởng chế biến gỗ nằm trong diện quy hoạch mà chưa lập thủ tục, bao gồm đầu tư, đất đai, xây dựng… UBND huyện Sơn Động đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn đi lập biên bản để xử phạt vi phạm. Huyện cũng không thể dừng toàn bộ hoạt động chế biến của các cở sở cùng một lúc được vì điều đó làm gây mất ổn định nền kinh tế, chính trị của địa phương.

“Năm 2023, UBND huyện Sơn Động đã kiểm điểm, kỷ luật lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND một số xã, thị trấn (Lệ Viễn, Tây Yên Tử, Dương Hưu, An Châu) vì để xảy ra vi phạm về đất đai, tài nguyên, trong đó có cơ sở chế biến gỗ phát sinh trên địa bàn mà không kịp thời ngăn chặn, xử lý”- ông Lê Đức Thắng cho biết.

Các nhà xưởng trái phép hoạt động bình thường như chưa hề có một cơ quan nào đến kiểm tra, xử lý vi phạm.

Các nhà xưởng trái phép hoạt động bình thường như chưa hề có một cơ quan nào đến kiểm tra, xử lý vi phạm.

"Bên cạnh công tác quản lý, công tác con người tại các phòng, ban chuyên môn của huyện Sơn Động còn gặp nhiều hạn chế. Điển hình như Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Động chỉ có 6 cán bộ, trong khi đó để giải quyết khối lượng công việc của toàn huyện là rất lớn nên đôi khi còn thiếu sót"- ông Thắng nói thêm.

Công nhân lao động tại xưởng chế biến gỗ vẫn hoạt động tấp nập.

Công nhân lao động tại xưởng chế biến gỗ vẫn hoạt động tấp nập.

Theo tài liệu phóng viên Báo Điện tử VOV nắm được, trên địa bàn huyện Sơn Động có nhiều công ty đã đi vào hoạt động nhưng không đủ điều kiện, điển hình như: Công ty TNHH MTV Chế Biến Lâm Sản Hà Bắc; HTX đầu tư, dịch vụ và kinh doanh Sơn Động; HTX Hoành Sơn; Công ty TNHH Chế Biến Lâm Sản Đức Kiên; Công ty TNHH TM&SX Hưng Thịnh Đạt… đa số những công ty, hợp tác xã trên đều chưa được cấp phép xây dựng, không có đánh giá tác động về môi trường, không đảm bảo tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, chưa phù hợp quy hoạch chung xây dựng…

Hàng loạt công ty, nhà xưởng trên địa bàn huyện Sơn Động chưa đủ điều kiện vẫn đi vào hoạt động bình thường

Hàng loạt công ty, nhà xưởng trên địa bàn huyện Sơn Động chưa đủ điều kiện vẫn đi vào hoạt động bình thường

Vừa qua, Báo Điện tử VOV đã phản ánh những sai phạm của các nhà xưởng ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang qua loạt bài: “Nhiều nhà xưởng có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở Bắc Giang”; Chính quyền "nhắm mắt" để xưởng gỗ trái phép ngang nhiên hoạt động ở Sơn Động?; Xưởng gỗ xây dựng trái phép, huyện Sơn Động thừa nhận sai; Vụ nhà xưởng trái phép ở Sơn Động: Tỉnh "nóng", huyện "lạnh".

Dẫu biết rằng, huyện Sơn Động và một số huyện của Bắc Giang đang thay da đổi thịt từ những xưởng chế biến gỗ như: xưởng bóc gỗ, xưởng ép gỗ, xưởng băm rác... Mô hình này đã góp phần thoát nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, không thể chỉ vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường và buông lỏng quản lý như chính quyền huyện Sơn Động!

Tiến Dũng - Văn Giang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/huyen-son-dong-bat-luc-truoc-xuong-go-xay-dung-trai-phep-post1098676.vov