Vĩnh Phúc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Triển khai Kết luận số 72 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 204 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự án cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành (Vĩnh Yên) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến khánh thành vào dịp Quốc khánh 2/9.

Dự án cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành (Vĩnh Yên) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến khánh thành vào dịp Quốc khánh 2/9.

Theo đó, những năm qua, tỉnh đẩy mạnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với triển khai đầu tư xây dựng các dự án có trọng tâm, trọng điểm, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước.

Vĩnh Phúc có vị trí địa lý quan trọng đối với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, bởi liền kề Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, kết nối với cảng Hải Phòng qua Quốc lộ 5 và trục Quốc lộ 18 thông với cảng nước sâu Cái Lân. Đồng thời, tỉnh nằm trong 3 vùng quy hoạch quan trọng của miền Bắc gồm Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và nằm trên hành lang kinh tế quốc tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Phát huy tiềm năng và lợi thế, những năm qua, tỉnh đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, tập trung ưu tiên những lĩnh vực đột phá như giao thông, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch... Đến nay, hệ thống điện - đường - trường - trạm của tỉnh được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với hạ tầng cấp nước, tỉnh tập trung phát triển một số nhà máy nước sạch tại các huyện và mở rộng mạng lưới cấp nước đến các hộ dân khu vực nông thôn. Nâng cấp và xây dựng một số hệ thống hồ trữ nước quan trọng, chủ động phòng, chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở, hạn hán, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hạ tầng số hiện đại ngày càng phát triển đồng bộ, liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia và các Bộ, ngành. Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng sinh thái, bền vững…

Với phương châm “đi trước một bước”, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã dành 19.526 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với mục tiêu kết nối giữa vùng đô thị Vĩnh Phúc với các vùng kinh tế khác. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương 1.796 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 4.612 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn khác 13.118 tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư giai đoạn này từ ngân sách trung ương 9,20%; vốn ngân sách địa phương 23,62%; vốn xã hội hóa 67,18%.

Riêng năm 2024, tỉnh bố trí gần 1.400 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm, trong đó có 7 công trình thuộc lĩnh vực hạ tầng xã hội và 9 dự án lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông như trường THPT Trần Phú; đường hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh; mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đoạn từ đường Hợp Thịnh - Đạo Tú đến ĐT.304 kéo dài…

Điển hình là dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Vành đai 4 đi đê tả sông Hồng với tổng mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án xây dựng và phát triển Cụm công nghiệp Yên Lạc làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công cuối năm 2023, đến nay, liên danh nhà thầu đang triển khai hạng mục bóc hữu cơ và đắp nền đường bằng đất cấp 3 với tổng chiều dài 2,3/2,9km, khối lượng thi công ước đạt 20% giá trị hợp đồng.

Sau khi hoàn thành, công trình không chỉ từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch được duyệt mà còn tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.

Để xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương gắn với thực hiện Kết luận số 72 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các chính sách về đầu tư công, quy hoạch, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phân cấp, phân quyền gắn với năng lực tổ chức thực hiện và đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đầu tư.

Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn có trọng tâm, trọng điểm; gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa cấp tỉnh với địa phương và giữa các địa phương với nhau trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Hoàn thiện cơ chế điều phối, nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, huy động và sử dụng nguồn lực đất đai; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án…

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Nhà nước cho công trình, dự án quan trọng, tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.

Văn Nhất

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-dau-tu-phat-trien-ket-cau-ha-tang-dong-bo-hien-dai-377684.html