Đề nghị phân định rõ ràng các loại khoáng sản theo công dụng, tránh tạo kẽ hở pháp luật

Đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định phân định rõ ràng các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng.

Cắt giảm các thủ tục không cần thiết, tăng cường phân cấp cho địa phương

Chiều 20/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên

Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên

Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội. Tôi cũng nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật địa chất khoáng sản, hồ sơ dự án Luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các nội dung của dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm, chỉ đạo của Đảng và Quốc hội, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật khoáng sản hiện hành.

Đóng góp ý kiến về cải cách thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, đại biểu cho hay, theo Báo cáo đánh giá thủ tục hành chính kèm theo Tờ trình số 155/TTr-CP ngày 12/4/2024 của Chính phủ, tổng số thủ tục hành chính mới và sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật là 25 thủ tục hành chính, trong đó có 05 thủ tục hành chính mới và 20 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung.

Tuy nhiên, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ đối với Dự thảo Luật địa chất khoáng sản (tại trang 23), gửi kèm theo hồ sơ trình thì Luật Khoáng sản hiện hành thì thấy chỉ có 18 thủ tục hành chính.

Qua so sánh thông tin giữa Báo cáo đánh giá thủ tục hành chính và Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ thì ngoài 5 thủ tục hành chính mới và 18 thủ tục kế thừa Luật Khoáng sản hiện hành thì có thêm 2 thủ tục hành chính mới phát sinh nữa, đó là: Thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia - Điều 36 dự thảo Luật; bổ sung, điều chỉnh phương pháp, khối lượng, hạng mục công việc thi công trong phạm vi khu vực thăm dò; thăm dò bổ sung - điểm c khoản 1 Điều 50, điểm h khoản 2 Điều 62 Dự thảo Luật.

Nghiên cứu Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho thấy đánh giá, việc thống kê, rà soát, đánh giá tác động thủ tục hành chính chưa thực sự đầy đủ.

Trong dự thảo Luật vẫn còn nhiều quy định làm phát sinh thủ tục hành chính, tác động đến quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà chưa làm rõ được quy trình, thủ tục thực hiện, trong hồ sơ dự án Luật cũng chưa thể hiện đánh giá tác động về chi phí tuân thủ pháp luật cũng như yêu cầu quản lý nhà nước, môi trường đầu tư kinh doanh, chẳng hạn như: Nhóm các thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước và nhóm các thủ tục hành chính về việc xin chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, thống kê đầy đủ các thủ tục hành chính, các quy định làm phát sinh thủ tục hành chính; cắt giảm các thủ tục không cần thiết, tăng cường phân công, phân cấp cho địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thi hành Luật.

Đại biểu lấy ví dụ, khoản 5 Điều 29 Dự thảo Luật quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan”.

Như vậy, các tỉnh, thành phố sẽ khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, sau đó xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xong thì trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều đó cho thấy thủ tục xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan mất rất nhiều thời gian. Thủ tướng Chính phủ cũng phải xem xét cho từng địa phương, từng khu vực.

Do đó, để việc khoanh định được nhanh chóng, thuận lợi hơn, đề nghị quy định theo hướng: Chính phủ quy định tiêu chí khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Sau đó, trên cơ sở tiêu chí đó, UBND tỉnh sẽ tiến hành phê duyệt và khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Từ những phân tích trên, đề nghị sửa lại khoản 5 Điều 29 như sau: “Căn cứ tiêu chí khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản”.

Quy định về phân nhóm khoáng sản rất quan trọng

Về phân nhóm khoáng sản, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, quy định về phân nhóm khoáng sản là rất quan trọng, bởi lẽ từ việc phân nhóm sẽ đưa ra các quy định phù hợp về quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ.

Đồng thời, quy định này sẽ tạo cơ sở cho việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.

Do vậy, việc quy định phân nhóm khoáng sản phải hết sức rõ ràng để thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành, đồng thời giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Khoáng sản hiện hành.

Theo Khoản 1, Điều 7 Dự thảo Luật khoáng sản được phân thành 4 nhóm. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật gửi kèm theo hồ sơ Dự án Luật ban hành danh mục khoáng sản từ nhóm I đến nhóm IV, trong đó liệt kê cụ thể các loại khoáng sản trong từng nhóm.

Tuy nhiên, nếu quy định như vậy sẽ không giúp tháo gỡ khó khăn hiện hành về khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp.

Hiện tại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vẫn được sử dụng cho mục đích san lấp, như vậy vẫn phải thực hiện quy trình, thủ tục cấp phép khai thác theo khoáng sản thuộc nhóm III.

Để được thực hiện thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV theo quy định tại Điều 77 thì cần phải chứng minh được các loại các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét... chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp. Dự thảo Luật và dự thảo Nghị định cũng không quy định khoáng sản như thế nào là chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp.

Điểm d khoản 1 Điều 7 Dự thảo Luật quy định Khoáng sản nhóm IV: Bao gồm các loại đất sét, đất đồi. Quy định tên gọi hai loại đất này không đồng nhất, đất sét là theo tính chất đất, đất đồi là theo vị trí đất.

Theo đại biểu, quy định về phân loại khoáng sản rất quan trọng, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định phân định rõ ràng các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý, tránh tạo kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến sai phạm, thất thoát và lãng phí đồng thời giúp tháo gỡ khó khăn trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện nay.

Ngoài ra, để đảm bảo chặt chẽ trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, đại biểu đoàn Điện Biên đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 64 quy định về quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản khi xây dựng cơ bản mỏ, khai thác khoáng sản theo hướng ngoài điều kiện có thiết kế mỏ được lập, phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng và nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản thì cần bổ sung điều kiện là được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-nghi-phan-dinh-ro-rang-cac-loai-khoang-san-theo-cong-dung-tranh-tao-ke-ho-phap-luat-327285.html