Chính quyền Trump và hướng đi mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Những động thái gần đây cho thấy Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang ngày càng quan tâm tới cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tổng thống Trump chủ động chuyển hướng

Nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ đang cố gắng rút khỏi các “mặt trận” thứ cấp ở châu Âu và Trung Đông để tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hướng vào Trung Quốc. Đồng thời, Washington đang thử nghiệm các đồng minh và đối tác chính của mình trong khu vực về sự sẵn sàng “theo chân” Mỹ trong một vòng đối đầu mới với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cũng đang có những nỗ lực phát triển quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực nhằm vô hiệu hóa các rủi ro cạnh tranh địa chính trị với Mỹ.

Đầu tiên, Chính quyền Tổng thống Trump đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình cho vấn đề Ukraine. Vào ngày 25/4, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff đến Moscow lần thứ tư để đàm phán toàn diện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây có thể là thời điểm quan trọng để thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.

Dự kiến trong tháng 5 tới, ông Trump cũng sẽ thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới 3 quốc gia Vùng Vịnh là Saudi Arabia, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Chuyến đi được xem là một phần trong nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Trung Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Dải Gaza, tranh cãi xoay quanh chương trình hạt nhân của Iran và các sáng kiến mở rộng Hiệp định Abraham. Theo giới quan sát, mục tiêu chính của ông Trump là khôi phục vai trò trung gian của Mỹ tại khu vực, đồng thời vận động thêm sự ủng hộ đối với các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ả Rập - điều từng được ông đẩy mạnh trong nhiệm kỳ trước. Chuyến công du lần này cũng được coi là bước đi chiến lược của ông Trump, khi ông tìm cách khẳng định lập trường đối ngoại và định hình lại vị thế của Mỹ tại một khu vực đang biến động mạnh mẽ.

Trong khi đó, tin tức mới nhất về các hành động của Washington theo hướng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tới Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và căn cứ quân sự tại Guam vào cuối tháng 3/2025. Đây được xem là động thái thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với an ninh khu vực. Trước đó, ông Hegseth cũng đã có các cuộc gặp cấp cao tại Philippines và Nhật Bản - hai đồng minh chiến lược của Washington trong khu vực - nhằm củng cố hợp tác quốc phòng, tăng cường khả năng răn đe và ứng phó trước các thách thức an ninh, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Vào đầu tháng 4, truyền thông phương Tây tiết lộ nội dung về một văn bản được gọi là “Khuyến nghị chiến lược tạm thời về quốc phòng” do người đứng đầu Lầu Năm Góc ban hành vào giữa tháng 3. Theo tài liệu, khi lập kế hoạch cho các kịch bản xung đột vũ trang quy mô lớn tiềm tàng, Trung Quốc được xem là “mối đe dọa chính” đối với an ninh của Mỹ. Các nguồn tin cho biết, chiến lược này được xây dựng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và những lo ngại về khả năng Trung Quốc có thể tham gia vào các hành động quân sự quy mô lớn. Mặc dù không có thông tin chi tiết về nội dung cụ thể của văn bản, nhưng việc xác định Trung Quốc là “mối đe dọa chính” phản ánh sự chuyển hướng trong chính sách quốc phòng của Mỹ, từ việc đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống sang tập trung vào các mối đe dọa truyền thống từ các nước lớn, như Trung Quốc và Nga.

Xu hướng cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Những động thái này của Mỹ được Trung Quốc theo dõi chặt chẽ. Có ý kiến cho rằng, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được tăng cường, bao gồm cả tại các căn cứ tiền phương ở Guam và Philippines, và tên lửa tầm trung sẽ được triển khai trong khu vực. Việc trang bị vũ khí cho các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực (bao gồm cả một số quốc gia thành viên ASEAN) cũng sẽ được đẩy nhanh; số lượng các cuộc tập trận và huấn luyện chung với các quốc gia trong khu vực sẽ tăng lên.

Mặc dù chưa rõ Tổng thống Trump sẽ đưa chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào phục vụ cho ý tưởng “Nước Mỹ trên hết” như thế nào, song có thể thấy ông Trump vẫn đang kế thừa và phát huy một phần chính sách của những chính quyền tiền nhiệm ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi đã cố gắng bao vây Trung Quốc bằng một mạng lưới các liên minh và quan hệ đối tác thân Mỹ.

Về phần mình, Trung Quốc hiện nay đang xây dựng chiến lược riêng để chống lại chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ trong 4 năm tới. Cốt lõi được cho sẽ là khái niệm về một cộng đồng có tương lai chung cho Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực, mà Bắc Kinh đưa ra để chống lại các nỗ lực của Mỹ.

Cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý đến diễn biến và kết quả chuyến công du rộng khắp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Chương trình nghị sự của chuyến công du này có tính đến cuộc chiến thuế quan của Mỹ chống lại Trung Quốc và nhiều đối tác thương mại, trong đó có cả các quốc gia Đông Nam Á. Trong các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước Đông Nam Á tập trung thảo luận về tính bền vững, an ninh của chuỗi cung ứng sản xuất khu vực, bảo vệ hệ thống thương mại đa phương dựa trên chuỗi giá trị và phân công lao động khu vực.

Tức là, cuộc thảo luận tập trung vào việc bảo vệ các điều kiện cần thiết để ngành sản xuất trong khu vực tiếp tục phát triển, đặc biệt là duy trì một chế độ thương mại cùng có lợi - mục tiêu đang chịu áp lực từ chính sách thuế quan cứng rắn của Washington.

Động lực xuyên suốt của chuyến công du lần này của ông Tập là thúc đẩy các thỏa thuận giữa Trung Quốc và từng quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nhằm xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh” - một cấu trúc quan hệ khu vực được Bắc Kinh định hình như một hệ thống có giá trị vượt lên trên bất kỳ cam kết nào của các nước láng giềng với các đối tác bên ngoài.

Dựa trên sự lạc quan thể hiện trong các báo cáo chính thức của Bắc Kinh cùng bầu không khí thân mật trong các cuộc gặp không chính thức giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước Việt Nam, Campuchia, Malaysia, có thể thấy rằng các mục tiêu chính của chuyến công du đã cơ bản được hoàn thành. Đáng chú ý, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim - người sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2025 - tuyên bố rằng hiệp hội sẽ không ủng hộ các biện pháp thuế quan đơn phương. Ông nhấn mạnh: “Trước xu thế đơn phương ngày càng gia tăng, Malaysia sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc để cùng đối phó với các rủi ro và thách thức chung.”

Giới quan sát cho rằng, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ mang tính thực dụng cao trong cách tiếp cận các liên minh và quan hệ đối tác trong khu vực. Washington dự kiến sẽ đẩy mạnh hợp tác quân sự với các đồng minh, song đồng thời yêu cầu họ gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Chính quyền Trump cũng được cho là sẽ theo đuổi cách tiếp cận trao đổi - lấy lợi ích kinh tế làm điều kiện đổi lấy đảm bảo an ninh.

Theo bà Đỗ Lan, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, chiến lược kinh tế và thương mại của Mỹ tại khu vực có thể bao gồm việc “chuyển giao quyền lực dưới hình thức thuế quan” nhằm điều chỉnh lại các quy tắc thương mại và thúc đẩy tái cấu trúc sản xuất trong khu vực. Cụ thể, Washington được cho là sẽ khuyến khích các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN giảm mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ sẽ tìm cách giành lợi thế trong lĩnh vực năng lượng và kiểm soát các chuỗi cung ứng then chốt tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược ngày càng căng thẳng tại khu vực, rõ ràng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là địa bàn then chốt, nơi các cường quốc định hình lại các trật tự kinh tế, an ninh và chính trị trong thập kỷ tới.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chinh-quyen-trump-va-huong-di-moi-o-an-do-duong-thai-binh-duong-246892.htm