Chính sách AI trong giáo dục của các nướcChiến lược 'AI Leap': Estonia hướng tới phát triển công dân số

Estonia đã chọn lối đi rõ ràng và quyết liệt trong thời đại AI: không dè chừng nhưng cũng không thần thánh hóa công nghệ. Thay vì tranh cãi nên cấm hay cho phép, họ tập trung xây dựng hệ sinh thái giáo dục hướng đến phát triển năng lực công dân số, công bằng số và đạo đức số.

AI Leap: Trang bị kỹ năng AI chuẩn quốc tế

Là quốc gia tiên phong trong chuyển đổi số, Estonia đã triển khai một chương trình quốc gia mang tên AI Leap (Bước nhảy vọt về AI) nhằm tích hợp AI vào giáo dục một cách bài bản, chiến lược và được giám sát nghiêm ngặt. Sáng kiến này thu hút sự chú ý của cả châu Âu vì mức độ quyết đoán và tính hệ thống trong cách tiếp cận công nghệ mới, vốn còn gây nhiều tranh cãi trong lĩnh vực giáo dục.

Trẻ em sử dụng hệ thống AI Chatbot trên máy tính hoặc ứng dụng di động. Nguồn: Stockfoto/Getty Images

Trẻ em sử dụng hệ thống AI Chatbot trên máy tính hoặc ứng dụng di động. Nguồn: Stockfoto/Getty Images

Được công bố đầu năm 2025, Chương trình quốc gia “AI Leap” trở thành trọng tâm của chiến lược giáo dục số mới. Theo chương trình này, trong vòng 3 năm tới, các công cụ AI như ChatGPT Edu và Claude sẽ được triển khai tại tất cả trường THPT và trung cấp nghề, với mục tiêu trang bị cho học sinh, giáo viên kỹ năng AI chuẩn quốc tế.

Trong giai đoạn đầu, bắt đầu từ tháng 9/2025, khoảng 20.000 học sinh lớp 10 - 11 và 3.000 giáo viên sẽ được tiếp cận nền tảng này. Đến năm 2027, toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề, bao gồm 58.000 học sinh và hơn 5.000 giáo viên, sẽ tham gia chương trình.

AI Leap không chỉ là nỗ lực kỹ thuật, mà còn là một định hướng về mặt tư tưởng giáo dục. Theo Bộ trưởng Giáo dục Kristina Kallas, mục tiêu không phải để học sinh biết sử dụng càng nhiều công cụ AI càng tốt, mà để giúp các em “hiểu được cách vận hành, giới hạn và trách nhiệm đạo đức” khi tương tác với các hệ thống thông minh. Trong thiết kế chương trình, AI không thay thế giáo viên mà trở thành công cụ trợ giảng, giúp giảm tải các công việc hành chính, tự động hóa các bài kiểm tra thường kỳ, đồng thời khuyến khích học sinh phát triển kỹ năng phản biện và sáng tạo, như Tổng thống Estonia Alar Karis khẳng định: “Chúng ta không nhất thiết phải là quốc gia sử dụng AI nhiều nhất, nhưng cần là quốc gia sử dụng AI thông minh nhất”.

Cấu trúc tổ chức của AI Leap cũng là điểm đáng chú ý. Thay vì do Bộ Giáo dục vận hành trực tiếp, chương trình được điều phối thông qua một quỹ phi lợi nhuận độc lập, AI Leap Foundation, với sự tham gia của các nhà sáng lập công nghệ hàng đầu Estonia. Cơ chế này cho phép chương trình linh hoạt hơn trong lựa chọn công nghệ, đồng thời bảo đảm sự minh bạch, phi chính trị hóa và dễ thu hút tài trợ từ khu vực tư nhân. Đặc biệt, Estonia đã ký hợp tác với hai doanh nghiệp hàng đầu thế giới về AI là OpenAI và Anthropic để tích hợp công cụ một cách kiểm soát và tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu cá nhân GDPR của Liên minh châu Âu.

Một trong những điểm mạnh của AI Leap là kế hoạch đào tạo giáo viên bài bản, được triển khai song song với quá trình áp dụng công nghệ vào lớp học. Hơn 5.000 giáo viên sẽ trải qua các khóa học gồm 5 mô-đun: đạo đức AI, bảo mật và bảo vệ dữ liệu cá nhân, bản quyền nội dung số, năng lực truyền thông số, và kỹ năng sư phạm khi sử dụng AI. Các khóa đào tạo sẽ bắt đầu từ mùa hè 2025 tại các trường đại học và trung tâm đào tạo giáo viên quốc gia.

Thu hẹp khoảng cách số và bảo mật dữ liệu học sinh

Bên cạnh yếu tố công nghệ và đào tạo, Estonia đặc biệt chú trọng đến công bằng số và bảo mật dữ liệu học sinh. Chính phủ nước này cam kết hỗ trợ thiết bị và kết nối cho các học sinh đến từ hộ gia đình khó khăn, tránh để khoảng cách công nghệ làm gia tăng bất bình đẳng giáo dục.

Ngoài ra, dữ liệu liên quan đến học sinh tuyệt đối không được sử dụng để huấn luyện các mô hình AI mang tính thương mại. Các hoạt động kỹ thuật số trong lĩnh vực giáo dục đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan An ninh hệ thống thông tin Estonia (RIA), nhằm đảm bảo quyền riêng tư và an toàn dữ liệu ở mức cao nhất.

Không thể không nhắc tới bối cảnh lịch sử của Estonia khi bàn về AI Leap. Vào năm 1997, nước này từng phát động chương trình Tiigrihüpe (Tiger Leap - Bước nhảy vọt của mãnh hổ), nhằm phổ cập internet trong trường học, giúp Estonia trở thành quốc gia kỹ thuật số tiên phong ở châu Âu. Sau hơn hai thập kỷ, AI Leap được xem là bước nhảy tiếp theo. Lần này không còn dừng ở hạ tầng công nghệ mà chuyển sang kiến tạo năng lực tư duy và công dân số. Nhờ những chính sách dài hạn và bài bản, Estonia hiện là quốc gia dẫn đầu EU trong các bài kiểm tra PISA của OECD về Toán, Khoa học, Đọc hiểu và Tư duy sáng tạo, theo dữ liệu của OECD vào năm 2023.

Bộ trưởng Kallas cho rằng AI đang thúc đẩy một “cuộc cách mạng trong giáo dục”, từ bỏ học thuộc lòng sang đối thoại, phản biện và kỹ năng tư duy cấp cao. “Đây là vấn đề cấp bách” bà nhấn mạnh. “Chúng ta đang đứng trước bước ngoặt tiến hóa: hoặc là chúng ta tiến hóa thành những sinh vật có tư duy nhanh hơn, sâu hơn và ở cấp độ cao, hoặc là công nghệ sẽ chiếm lấy ý thức của chúng ta”.

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-ai-trong-giao-duc-cua-cac-nuoc-chien-luoc-ai-leap-estonia-huong-toi-phat-trien-cong-dan-so-10378912.html