Chính sách bảo hiểm thất nghiệp – 'bệ đỡ' cho người lao động
Với mục tiêu hỗ trợ người thất nghiệp sớm ổn định cuộc sống và nhanh chóng tìm được việc làm mới, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ra đời và trở thành 'bệ đỡ' giúp người lao động khi họ gặp khó khăn, đặc biệt trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay.
Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa.
Chị Lưu Thị Hoa, ở thôn 7, xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa trước đây làm việc tại Công ty TNHH Freetrend Industrila Việt Nam ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Do công ty cắt giảm lao động và thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với chị từ ngày 1-3-2021, nên chị đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, với mong muốn sớm nhận được khoản tiền trợ cấp để vượt qua giai đoạn khó khăn trước khi tìm được việc làm mới.
Với anh Bùi Văn Sơn, người dân tộc Mường ở làng Lim Còm, xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc, có thời gian làm việc và đóng BHTN tại Công ty TNHH TAKAKO Việt Nam ở Khu Công nghiệp VSip, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương tròn 25 tháng. Do bố mẹ tuổi cao, đau ốm, nhà lại neo người nên anh đã xin nghỉ việc trở về quê tìm một công việc mới phù hợp để tiện bề chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ. Số tiền trợ cấp thất nghiệp tuy không lớn nhưng đối với anh Sơn vô cùng quý giá. Bởi trong thời gian chưa có việc làm đồng nghĩa với không có thu nhập, nhưng anh vẫn phải mua thuốc chữa trị bệnh cho người thân.
Do có con nhỏ đang phải gửi ông bà ở quê chăm sóc, trong khi công việc đang làm rất vất vả vì phải đi theo công trình mà sức khỏe lại không bảo đảm. Vì vậy, chị Nguyễn Thị Hà, ở phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn đã xin nghỉ làm tại Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung, ở phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh trở về quê tìm công việc mới gần nhà. Chị Hà cho biết: Trước đây tôi đã làm việc tại 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da, gần đây là làm kế toán văn phòng cho Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung. Tính đến khi nghỉ việc tôi đóng BHTN được 65 tháng. Nhờ chính sách BHTN đã giúp tôi có tiền trang trải cuộc sống gia đình, cũng như có cơ hội quay trở lại thị trường lao động nhanh hơn. Bởi khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi được cán bộ trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm mới, được hỗ trợ học nghề và còn được hưởng quyền lợi BHYT.
Những năm qua, ngoài việc tổ chức tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN theo phương châm 3 đúng: “Đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú như: thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng; treo pano, phát tờ rơi; hội nghị, hội thảo; lồng ghép các phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động tại các địa phương; phối hợp với các đoàn thể tổ chức tập huấn về chính sách BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động để giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình... Qua đó, góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận và củng cố niềm tin của người lao động vào các chính sách BHTN và tích cực tham gia BHTN.
Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa thì đa phần người lao động sau khi mất việc đều trông chờ vào chế độ BHTN. Nhất là trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, đồng nghĩa với việc phải cắt giảm lao động. Trước thực trạng người lao động bị mất việc làm tăng mạnh, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Riêng quý I-2021, trung tâm đã hoàn tất thủ tục, trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định hưởng trợ cấp BHTN cho 3.927 lao động theo đúng quy định, bằng 110,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Với sự nỗ lực của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, tin tưởng rằng chính sách BHTN sẽ là “bệ đỡ” giúp người lao động mất việc sớm ổn định cuộc sống và tái hòa nhập thị trường lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.