Chính sách cho kinh tế số
Kinh tế số tại TP HCM dù mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển nhưng cũng đã đạt nhiều kết quả nổi trội, đặc biệt là các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, du lịch trực tuyến...
TP HCM đã có những bước đi khá vững vàng về chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số thành công.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho thấy kinh tế số lõi năm 2021 ước đạt 8,27 tỉ USD. Năm 2022, kinh tế số lõi của TP HCM đóng góp 15,38% GRDP, mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 25% GRDP và năm 2030 đạt 40% GRDP.
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều chương trình định hướng chính sách phát triển kinh tế số nhưng chỉ mới có định hướng chung chứ chưa cụ thể đến doanh nghiệp (DN). Vẫn còn 1 khoảng cách nhất định giữa chính sách mong muốn với câu chuyện của thị trường, DN.
Có 2 cách tiếp cận xây dựng chính sách về kinh tế số, bao gồm tiếp cận từ trên xuống (chương trình, chiến lược quốc gia; kinh nghiệm quốc tế xuống chính sách phát triển kinh tế số của TP HCM) và từ dưới lên (từ nhu cầu của DN). Với cách tiếp cận từ trên xuống, Việt Nam đã có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số - xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó hướng tới cấu trúc nền kinh tế số dựa trên nền móng là hạ tầng cứng, hạ tầng mềm (thể chế) và kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực.
Nếu tiếp cận từ dưới lên - từ hạn chế và nhu cầu của DN, quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 có nhiều ý rất hay.
Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi số, phát triển DN công nghệ số, DN nền tảng số, đặc biệt là hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số cũng như trong hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển thương mại điện tử... Còn có một số chính sách hỗ trợ chung về tài chính, hạ tầng, công nghệ, cơ sở dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường... cho DN nhưng chưa có hoặc chưa đủ cho chuyển đổi số/kinh tế số.
Về cơ bản, nền kinh tế số phải hỗ trợ chuyển đổi số. Để xây dựng chính sách kinh tế số trên địa bàn, chúng tôi đặt ra 3 nhóm về hạ tầng cứng, hạ tầng mềm và kinh tế số trong các ngành; bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, lựa chọn ưu tiên, sự tiên phong của chính quyền cũng như sự tham gia của các bên.
Đi vào các chính sách trọng tâm, cần tập trung nhóm chính sách về phát triển hạ tầng số; phát triển, ứng dụng các nền tảng số; phát triển và khai thác dữ liệu; phát triển hạ tầng thiết yếu. Để thúc đẩy chuyển đổi số, nên đưa nội dung này vào chương trình kích cầu đầu tư của TP HCM với mục tiêu và giải pháp rất rõ ràng để mang lại hiệu quả.
Riêng về hoàn thiện thể chế, TP HCM có một "cây gậy" mới là Nghị quyết 98 cho phép thành phố thử nghiệm các cơ chế, chính sách (sandbox). Do đó, thành phố cần khai thác tốt hơn, phải tận dụng Nghị quyết 98 để đưa ra những cơ chế, chính sách thử nghiệm cho kinh tế số.
Thanh Nhân ghi
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/chinh-sach-cho-kinh-te-so-20230907222802838.htm