Chính sách đột phá, đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp tư nhân

Chiều 15/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng và Đoàn ĐBQH các tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên, Gia Lai về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 12

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 12

Quy định cụ thể về cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, để khu vực này thực sự bứt phá, cần có những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tháo gỡ các rào cản về thể chế, nguồn lực và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Dự thảo Nghị quyết được kỳ vọng là "cú hích" quan trọng, thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chỉ ra 3 vấn đề doanh nghiệp quan tâm, bao gồm cắt giảm thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng và tiếp cận đất đai. Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, quy định rõ trong Nghị quyết này, giảm bao nhiêu phần trăm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Để quy định thực chất, hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xem xét rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cũng như hạn chế, chấm dứt tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức.

Rà soát kỹ đối tượng hưởng chính sách đặc biệt trong xây dựng pháp luật

Đối với dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền và đổi mới công tác xây dựng pháp luật, nhất là Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật. Qua đó, tạo bước đổi mới đột phá, chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Cho ý kiến cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại phạm vi điều chỉnh. Hiện, dự thảo Nghị quyết chỉ mới đề cập đến phạm vi điều chỉnh trong xây dựng pháp luật, trong khi đó, nội hàm tổ chức thi hành pháp luật lại chưa quy định cụ thể, rõ ràng.

“Phạm vi điều chỉnh trong thực thi pháp luật rất rộng nhưng không vì rộng mà không quy định”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Về đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính cho công tác xây dựng pháp luật, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, cần rà soát, xem xét thấu đáo theo quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để làm rõ vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng được thụ hưởng chính sách đặc biệt trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhằm tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị xem xét nâng mức khoán, hỗ trợ nghiên cứu luật cho các đại biểu Quốc hội, gồm cả đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm để khuyến khích cống hiến.

Khuyến khích lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Góp ý vào dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, về nghĩa vụ và trách nhiệm quy định tại điều 14 dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung nội dung như khuyến khích lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại địa bàn, phù hợp với văn hóa và pháp luật nước sở tại, ví dụ: hướng dẫn sản xuất, phổ biến kiến thức vệ sinh, y tế, giáo dục kỹ năng sống. Bởi, những hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo mà còn là hình thức ngoại giao nhân dân hiệu quả, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng thực tế, lực lượng của Việt Nam tại các phái bộ đã chủ động tham gia hỗ trợ người dân trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện điều kiện sống, nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây là những đóng góp âm thầm nhưng ý nghĩa, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam nhân ái, trách nhiệm, chủ động và hội nhập sâu rộng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, những nội dung này rất cần được thể chế hóa trong luật để phát huy hơn nữa bản sắc và vai trò của Việt Nam trong các sứ mệnh quốc tế./.

Diệu Linh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94130