Học Bác, quyết xoay chuyển cục diện, tiến vào kỷ nguyên phát triển

Tinh gọn bộ máy là bước đi 'mạnh tay', có thể làm thay đổi cục diện quản trị quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của trí tuệ, bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược xuất chúng. Trong nhiều thời điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định làm xoay chuyển tình thế, tạo ra những bước ngoặt lớn cho sự nghiệp cách mạng.

TS Nguyễn Quỳnh Anh, giảng viên lĩnh vực khoa học chính trị - an ninh, nhìn nhận vận dụng những bài học mà Bác Hồ để lại, Đảng, Nhà nước ta đã dám làm điều khó, dám phá bỏ những rào cản để hướng đến mục tiêu lớn lao để đất nước hùng cường, nhân dân được sống trong phồn vinh và hạnh phúc như Bác Hồ căn dặn trong Di chúc...

 Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Nhiều quyết định xoay chuyển

. Phóng viên: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đưa ra các quyết định mang tính xoay chuyển cục diện, thể hiện bản lĩnh, tư duy chiến lược và tầm nhìn vượt thời đại của Bác?

+ TS Nguyễn Quỳnh Anh: Qua quá trình tìm hiểu về cuộc đời, đường lối lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy với tài năng lãnh đạo kiệt xuất, Bác đã từng đưa ra nhiều quyết định làm xoay chuyển tình thế, tạo ra những bước ngoặt lớn cho sự nghiệp cách mạng.

 TS Nguyễn Quỳnh Anh.

TS Nguyễn Quỳnh Anh.

Một là, quyết định tổng khởi nghĩa năm 1945. Ngay từ đầu năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã phân tích thời cơ, sớm thấy rõ được mâu thuẫn giữa phát xít Nhật và thực dân Pháp. Bởi vậy, ngay khi Nhật nổ súng hất cẳng Pháp, Đảng đã nhanh chóng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12-3-1945. Đặc biệt, ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, mặc dù đang bệnh nặng và nằm ở lán Nà Nưa, Hồ Chí Minh cũng biểu thị quyết tâm: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ra quân lệnh số 1. Ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương “Tổng khởi nghĩa” của Đảng. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Có thể nói, chính sự chỉ đạo kiên quyết, táo bạo và đúng thời điểm của Bác đã tạo nên thắng lợi nhanh chóng, chỉ trong vòng 15 ngày, chính quyền về tay nhân dân trên cả nước.

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

 Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Hai là, quyết định đối phó tình thế ngàn cân treo sợi tóc vào thời điểm sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Lúc bấy giờ khi chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước ba loại giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ở miền Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng vào nước ta với danh nghĩa đồng minh nhưng thực chất là âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Ở miền Nam, Pháp nổ súng xâm lược trở lại. Nội bộ còn rối ren, các đảng phái phản động như Việt Quốc, Việt Cách lũng đoạn.

Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh đưa ra sách lược mềm dẻo: Chủ trương hòa hoãn tạm thời với quân Tưởng để đánh Pháp. Kế tiếp đó, Người chủ trương hòa Pháp để đuổi Tưởng bằng Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước ngày 14-9.

Người nói: “Chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta đã ép lòng mà nhân nhượng để giữ hòa bình”. Mục đích của việc hòa Pháp hay hòa Tưởng đều hướng tới lợi ích cao nhất cho quốc gia dân tộc, tránh phải đối đầu cùng lúc với các kẻ thù mạnh, kéo dài thời gian để phục hồi, chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Cũng vì vậy, lời dặn dò “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác trước khi sang sang Pháp đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau với cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện tinh thần biện chứng và đỉnh cao của ứng xử chính trị, giúp Nhà nước non trẻ vượt qua hiểm họa đe dọa tồn vong.

Ba là, quyết định chiến lược trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Ban đầu, chủ trương của chúng ta là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, khi tình thế có những thay đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cân nhắc chuyển hướng sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”… và chúng ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Có thể nói, trong mọi tình huống then chốt, Hồ Chí Minh đều thể hiện bản lĩnh vượt trội: Quyết đoán mà không chủ quan, linh hoạt mà không thỏa hiệp. Các quyết sách của Người đều gắn liền với tình hình thực tiễn, nhưng mang tầm nhìn dài hạn và có tính định hướng cho cả dân tộc. Đó là phẩm chất của một lãnh tụ vĩ đại, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

 Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Xoay chuyển cục diện lịch sử

. Ông vừa nhắc đến câu nói lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “… Dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”.

+ Như tôi nói ở trên, câu nói trên không chỉ là lời quyết tâm mà còn là mệnh lệnh chính trị, là lời hiệu triệu sắt đá. Nó thể hiện rõ nét tư tưởng độc lập là quyền thiêng liêng, không thể đánh đổi bằng bất kỳ điều gì. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” – chân lý hành động của cả dân tộc – cũng bắt nguồn từ tinh thần đó. Mặt khác, lời của Bác đã khơi dậy tinh thần hy sinh đến tận cùng vì Tổ quốc, là sự kết tinh giữa lý tưởng cách mạng và hành động thực tiễn. Nó thôi thúc, truyền lửa cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và toàn quân, toàn dân ta, từ đó hiện thực hóa thành những chiến công vang dội như Chiến dịch Biên giới 1950, Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, và Đại thắng Mùa Xuân 1975.

Hiện nay, tinh thần “dù phải đốt cả Trường Sơn…” vẫn còn nguyên giá trị. Đất nước đã độc lập, nhưng hành trình phát triển hùng cường, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phồn vinh, hạnh phúc vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách...

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã thể hiện rõ tinh thần “quyết tâm chiến lược” thông qua nhiều quyết sách lớn mang tính đột phá như: Đẩy mạnh chuyển đổi xanh – số, phát triển công nghiệp bán dẫn, khát vọng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, chiến lược biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Đặc biệt, chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; sắp xếp lại các đơn vị hành chính là một cuộc đại cách mạng. Cuộc cách mạng này nhằm phá các điểm nghẽn, tạo đà cho sự phát triển như Tổng Bí thư đã phát biểu “tinh gọn bộ máy không chỉ tiết kiệm ngân sách mà quan trọng hơn là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đưa đất nước phát triển”.

Có thể khẳng định câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng bất diệt của ý chí dân tộc. Nó không chỉ xoay chuyển cục diện lịch sử trong thời chiến, mà còn là kim chỉ nam cho mọi quyết sách lớn của đất nước hôm nay – khi chúng ta không còn phải “đốt Trường Sơn” bằng súng đạn, mà bằng trí tuệ, bản lĩnh, sáng tạo để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng và bền vững.

Bản lĩnh đổi mới, tự chỉnh đốn

. Học tinh thần quyết liệt dám nghĩ, dám làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã thể hiện bản lĩnh dũng cảm nhìn nhận sai lầm, sửa chữa khuyết điểm để tự đổi mới, tự chỉnh đốn?

+ Lại nhắc đến câu nói “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” – không chỉ là sự quyết liệt, kiên định với mục tiêu lý tưởng, mà còn là sự dũng cảm, trung thực trong đối diện với hiện thực, với những hạn chế, khuyết điểm để đổi mới, để phát triển.

Bác Hồ từng yêu cầu Đảng và cán bộ phải nghiêm túc phê bình và tự phê bình và chỉ khi nào biết nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, thì mới có thể tiến bộ.

Bởi vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã nhiều lần thể hiện bản lĩnh chính trị này – bản lĩnh dám nhận sai, dám sửa sai vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.

Điển hình như trong thời kỳ sau 1975, khi đất nước gặp khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài, Đảng đã kiên quyết đổi mới tư duy, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới từ năm 1986. Đó là bước ngoặt lịch sử, thể hiện sự dũng cảm nhận ra những ràng buộc của mô hình kinh tế tập trung bao cấp, dũng cảm vượt qua giáo điều để mở đường cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam. Ảnh: VOV.VN

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam. Ảnh: VOV.VN

Trong công tác xây dựng Đảng, những năm gần đây, Đảng ta cũng không ngần ngại nhìn nhận rõ những sai phạm, khuyết điểm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên – kể cả người đứng đầu, thậm chí ở cấp cao – để kiên quyết xử lý, làm trong sạch bộ máy. Việc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là biểu hiện rõ ràng của tinh thần dũng cảm nhận lỗi, sửa lỗi, hành động vì uy tín của Đảng, vì niềm tin của nhân dân.

Việc triển khai Nghị quyết 18 nhằm sắp xếp lại hệ thống chính trị theo hướng hiệu lực, hiệu quả – dù đụng chạm đến lợi ích cục bộ, đòi hỏi sự thay đổi thói quen tư duy và hành xử – nhưng Đảng vẫn quyết liệt triển khai, đó là quyết tâm chính trị cao độ, kế thừa và phát huy tinh thần Hồ Chí Minh: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Có thể nói, Đảng ta đang từng bước hiện thực hóa tinh thần cách mạng triệt để của Bác trong thời đại mới: không chỉ là bản lĩnh trong đấu tranh giành độc lập, mà còn là bản lĩnh trong tự đổi mới, tự chỉnh đốn – vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tự soi, tự sửa, dám thừa nhận sai lầm để đổi mới – đó không chỉ là sự khiêm tốn, mà là phẩm chất của một Đảng chân chính, của một nền chính trị có trách nhiệm và đủ bản lĩnh để dẫn dắt đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Dám thay đổi để tiến lên

. Học tập tinh thần quyết liệt, đổi mới triệt để của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hiện nay, Đảng và Nhà nước đã, đang và sẽ thực hiện những quyết sách chiến lược nào để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển phồn vinh, sánh vai với cường quốc năm châu như Bác hằng mong muốn?

+ Học tập tinh thần quyết liệt, đổi mới triệt để của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta trong những năm gần đây đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tầm nhìn chiến lược và quyết tâm hành động để đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, đúng như mong muốn của Bác là: “Sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, muốn đưa đất nước tiến lên, thì phải thay đổi từ bên trong. Người từng nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. Tinh thần ấy, trong bối cảnh hiện đại, được kế thừa bằng những chủ trương cải cách mạnh mẽ, sâu rộng mà trung tâm là công cuộc đổi mới tư duy lãnh đạo, tổ chức bộ máy và phương thức phát triển đất nước.

Một trong những quyết sách mang tính đột phá mà tôi đã nhắc đến ở trên chính là chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không chỉ là một giải pháp hành chính, mà là sự thay đổi cấu trúc, cách thức vận hành hệ thống chính trị, từ đó tạo ra động lực đổi mới thực chất.

 Tinh gọn bộ máy là bước đi “mạnh tay”, có thể làm thay đổi cục diện quản trị quốc gia. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tinh gọn bộ máy là bước đi “mạnh tay”, có thể làm thay đổi cục diện quản trị quốc gia. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đây là bước đi “mạnh tay”, có thể làm thay đổi cục diện quản trị quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và phục vụ nhân dân tốt hơn. Điều này thể hiện rõ tinh thần “dám thay đổi để tiến lên”, đúng như Bác Hồ từng hành động trong những thời khắc lịch sử quan trọng.

Hay gần đây Nghị quyết 68/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đây không chỉ là sự điều chỉnh về chính sách, mà còn là chủ trương lớn nhằm xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân.

Tầm nhìn chiến lược của Đảng còn được thể hiện rõ qua mục tiêu đưa Việt Nam đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao – một định hướng phản ánh khát vọng phát triển mạnh mẽ, tiếp nối lý tưởng độc lập – tự do – hạnh phúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để đạt được mục tiêu đó, những chương trình như chuyển đổi số quốc gia, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới giáo dục, xây dựng chính phủ số, xã hội số... đều được triển khai mạnh mẽ với tinh thần dấn thân, chủ động, quyết liệt.

Đảng ta không chỉ học Bác ở ý chí độc lập dân tộc, mà còn học Bác ở tư duy cải cách, ở sự linh hoạt và quyết liệt trong hành động. Thay đổi bộ máy không phải là sự từ bỏ nguyên tắc, mà là làm cho nguyên tắc ấy phù hợp với thực tiễn phát triển. Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân không phải là buông lỏng định hướng Xã hội Chủ nghĩa, mà là mở rộng nền tảng xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để phục vụ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Học Bác hôm nay là dám làm điều khó, dám phá bỏ những rào cản do chính mình dựng lên trước đó, và quan trọng hơn cả, là giữ vững mục tiêu lớn lao về một đất nước hùng cường, nơi nhân dân được sống trong phồn vinh và hạnh phúc – đúng như Bác Hồ từng căn dặn trong Di chúc thiêng liêng.

. Xin cảm ơn ông.

LÊ THOA thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/hoc-bac-quyet-xoay-chuyen-cuc-dien-tien-vao-ky-nguyen-phat-trien-post850445.html