Chính sách khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ, hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên

Quy định chính sách khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục (CSGD), CSGD nghề nghiệp và hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2024.

Việc hỗ trợ theo quy định này đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan, bình đẳng; đảm bảo hỗ trợ đúng nội dung, đối tượng và phát huy hiệu quả; việc hỗ trợ phải được thông qua Hội đồng tư vấn, trường hợp đối tượng được hỗ trợ không hoàn thành sản phẩm, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quyết định hỗ trợ thì Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xác định mức kinh phí mà đối tượng được hỗ trợ phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước (trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng).

Trường hợp cùng một nội dung hỗ trợ, nếu có các mức ưu đãi, hỗ trợ khác nhau tại các chính sách khác của tỉnh thì các tổ chức, cá nhân được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất. Ưu tiên hỗ trợ các giải pháp sáng tạo của đối tượng không chuyên phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Phương thức hỗ trợ là thực hiện theo tiến độ của đề tài, giải pháp sáng tạo được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đề tài tại CSGD, CSGD nghề nghiệp được xem xét, hỗ trợ khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Đề tài tại CSGD, CSGD nghề nghiệp phải đáp ứng một trong các nội dung: nghiên cứu, triển khai ứng dụng các nội dung thuộc khung chương trình giáo dục, đào tạo, dạy nghề đã được ban hành; nghiên cứu hình thành và phát triển sản phẩm có tính ứng dụng thuộc chuyên môn đào tạo.

Đồng thời thỏa mãn các yêu cầu: phù hợp với định hướng, mục tiêu, chương trình và nội dung giảng dạy, đào tạo của CSGD, CSGD nghề nghiệp; kết quả nghiên cứu có tính mới, tính sáng tạo hoặc có tính ứng dụng hoặc làm tiền đề tạo ra sản phẩm ứng dụng. Mỗi đề tài do một cá nhân hoặc tập thể học sinh, học viên, sinh viên tham gia thực hiện dưới sự hướng dẫn không quá 2 giảng viên/giáo viên/cán bộ nghiên cứu tại CSGD, CSGD nghề nghiệp và người hướng dẫn là chủ nhiệm đề tài; sản phẩm khoa học của nhiệm vụ do cá nhân hoặc tập thể học sinh, học viên, sinh viên đóng góp ít nhất 70%.

Cùng với đó, mỗi đề tài chỉ do một cá nhân làm chủ nhiệm, các cá nhân hướng dẫn khác là thành viên tham gia (không có đồng chủ nhiệm). Một cá nhân không đồng thời làm chủ nhiệm từ 2 đề tài trở lên trong cùng một thời gian. Thời gian thực hiện đề tài theo Quy định này không quá 12 tháng và thực hiện theo phương thức giao trực tiếp thực hiện.

Ngoài ra, sản phẩm đề tài có tính khoa học và có triển vọng ứng dụng vào thực tế. CSGD, CSGD nghề nghiệp đăng ký nội dung hoạt động khoa học và công nghệ phải có đủ điều kiện về nhân lực và vật lực để triển khai các nội dung của đề tài khi được duyệt. Khuyến khích các CSGD, CSGD nghề nghiệp cùng phối hợp triển khai thực hiện.

Đối với đề tài tại các CSGD, CSGD nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng, gồm các khoản chi như sau: Định mức chi công lao động của nhóm thực hiện đề tài tối đa 120 triệu đồng/12 tháng; trong đó, Chủ nhiệm đề tài: 3 triệu đồng/tháng, tối đa không quá 36 triệu đồng/tổng kinh phí công lao động; thành viên hoặc nhóm thành viên thực hiện đề tài: 7 triệu đồng/tháng; tối đa không quá 84 triệu đồng/tổng kinh phí công lao động. Mua vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu hỗ trợ theo thực tế và không vượt quá 150 triệu đồng/đề tài. Chi khác tối đa không quá 30 triệu đồng...

Giải pháp sáng tạo của đối tượng không chuyên được xem xét, hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện sau: giải pháp sáng tạo có khả năng nhân rộng trong sản xuất và đời sống; có khả năng thương mại hóa giải pháp hoặc sản phẩm hình thành từ giải pháp; giải pháp sáng tạo đã được áp dụng hoặc áp dụng thử ít nhất tại 1 cơ sở cụ thể và mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội; có khả năng đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; giải pháp chưa được hỗ trợ kinh phí bằng nguồn ngân sách nhà nước từ lúc thử nghiệm đến khi hoàn thiện.

Giải pháp sáng tạo của đối tượng không chuyên được hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng. Các nội dung và định mức hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ chi phí phân tích, thử nghiệm chất lượng giải pháp hoặc sản phẩm hình thành từ giải pháp tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm, hàng hóa được chỉ định: không quá 30 triệu đồng/giải pháp.

Hỗ trợ giá trị hợp đồng thuê chuyên gia hoàn thiện, cải tiến công nghệ hình thành từ giải pháp: không quá 100 triệu đồng/giải pháp. Hỗ trợ chi phí hoạt động xúc tiến thương mại đối với giải pháp hoặc sản phẩm hình thành từ giải pháp: không quá 20 triệu đồng/giải pháp. Hỗ trợ chi phí thuê tư vấn xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với giải pháp: không quá 10 triệu đồng/giải pháp. Hỗ trợ chi phí công lao động khoa học cho đối tượng sáng tạo không chuyên: 10 triệu đồng/tháng, nhưng không quá 12 tháng. Hỗ trợ chi mua nguyên vật liệu, năng lượng phục vụ hoàn thiện giải pháp: không quá 20 triệu đồng/giải pháp...

Thanh Trúc

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/khoa-hoc/chinh-sach-khuyen-khich-hoat-dong-khoa-hoc-va-cong-nghe-ho-tro-hoat-dong-sang-tao-cua-doi-tuong-kho-124530.aspx