Ngày mới ở Khuổi Phìn

Nằm cách trung tâm xã Sinh Long (Na Hang) xấp xỉ 20 km, thôn người Dao Khuổi Phìn là thôn xa nhất của xã và xa nhất trong các thôn cách trung tâm xã của huyện, của tỉnh. Con đường đất uốn lượn len lỏi qua các khe núi, thẳng đứng, lổn nhổn đá hộc hôm nào, nay đã thay thế bằng con đường bê tông rộng dài, thênh thang. Người dân Khuổi Phìn vui lắm. Bà con bảo, có đường, có điện, có sóng điện thoại di động, Khuổi Phìn nay có khác gì miền xuôi.

Bí thư chi bộ trẻ

Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Dấu, thôn Khuổi Phìn,
xã Sinh Long (Na Hang).

Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Phìn Hoàng Văn Dấu năm nay mới ngoài 30 tuổi, Dấu bảo, ngày được bầu làm bí thư, anh là người trẻ nhất trong xã được nhân dân tín nhiệm từ trước đến nay. Vì lẽ đó, trăn trở lớn nhất với anh là làm thế nào để nhân dân thoát nghèo bền vững trên mảnh đất quê hương.

Bề ngoài, Bí thư Dấu trẻ lắm, trẻ từ tuổi tác đến suy nghĩ. Chậm rãi kể câu chuyện khởi nghiệp, Dấu tự hào, năm 2016, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Luật, anh trở về quê hương và bắt đầu làm kinh tế. Ngày đó người dân Khuổi Phìn nổi tiếng với đàn trâu hàng trăm con, nhưng người dân chỉ quen cung cách chăn nuôi, canh tác theo tập quán cha truyền con nối, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Đặc biệt là đồng cỏ chăn nuôi, người dân vất vả nhất là những ngày cận Tết, diện tích đồng cỏ nhường chỗ cho cây nông nghiệp, năm nào cũng vậy, bà con lao đao tìm thức ăn để chăn nuôi.

Dấu kể, ngày đó còn trẻ, anh nhờ cha mẹ thế chấp vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang số tiền 30 triệu đồng và mua 1 cặp trâu về khởi nghiệp. Có tài sản đầu đời, Dấu vui lắm, anh biết muốn trâu phát triển thì nguồn thức ăn phải đặt lên hàng đầu. Khác với suy nghĩ nhiều người, để chủ động nguồn thức ăn, Dấu cải tạo đất hoang hóa ở tận chân núi, trồng 1,5 ha cỏ voi làm thức ăn cho trâu.

Nhiều người nghĩ Dấu thích thể hiện nhưng bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, Dấu vẫn kiên trì làm. Mùa đông năm 2018, khác với nhiều hộ loay hoay tìm thức ăn thì lúc nào 3 con trâu của gia đình anh cũng căng bụng, béo núc ních bởi có nguồn thức ăn chủ động. Bên cạnh đó, thay vì giữ cho riêng mình, toàn bộ cỏ của Dấu được chủ động chia cho người dân trong thôn. Đàn trâu của gia đình Dấu cứ thế tăng nhanh, Dấu trở thành người chăn nuôi trâu giỏi nhất thôn, ai cũng nể anh bởi tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Nhờ những bước đi “tiên phong” có hiệu quả trong chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đến năm 2020, anh Dấu được bầu làm cán bộ thôn, đầu tiên là Trưởng Ban công tác Mặt trận, rồi tháng 6 - 2021, Dấu được bầu làm bí thư chi bộ đến hôm nay.

Con đường bê tông rộng thênh thang, bụi mù mịt chạy dọc thôn đang được đơn vị thi công hoàn thiện nốt phần vỉa hè. Bí thư Dấu vui lắm, anh bảo, ngày xưa đi từ thôn Khuổi Phìn đến trung tâm xã mất 3,5 giờ đồng hồ, thì từ ngày có đường di chuyển chỉ mất chưa đầy 30 phút. Con đường chạy qua địa bàn thôn chỉ hơn 4 km, nhưng có đến 10 hộ gia đình chủ động hiến đất với trên 20.000 m2, một con số thật sự “khủng” trong các địa phương của tỉnh.

Con đường bê tông từ Trung tâm xã vào thôn Khuổi Phìn, xã Sinh Long đang dần hoàn thiện.

Con đường bê tông từ Trung tâm xã vào thôn Khuổi Phìn, xã Sinh Long đang dần hoàn thiện.

Ông Bàn Dào Chán là một trong số đó, ông Chán có sức khỏe không tốt từ ngày còn trẻ, có lẽ vậy nên cái nghèo đeo bám đến tận hôm nay. Tuy thuộc diện hộ nghèo, nhưng khi có chủ trương làm đường bê tông, ông Chán lại tiên phong đi đầu hiến đất trước sự ngỡ ngàng của Nhân dân Khuổi Phìn. Không cần tuyên truyền quá nhiều, ông Chán tự nguyện hiến 4.000 m2 đất làm đường, tự nắn con đường cho thẳng. Ông Chán kể, nhà ngay đầu thôn, con đường phải thẳng, phải đẹp thì bộ mặt thôn mới khang trang. Vuốt tóc đứa cháu nội, ông Chán tự hào, mai sau lũ trẻ này đi học cái chữ sẽ không khổ như trước, cuộc sống người Dao nơi đây cũng đỡ vất vả phần nào.

Thêm nhiều cái mới

Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long Hoàng Văn Hào là người sinh ra lớn lên ở thôn Khuổi Phìn. Anh Hào tinh thông từng cái cây, khe suối, từng câu chuyện của lớp người già. Tôi ấn tượng câu chuyện về 4 thanh niên Khuổi Phìn “khăn gói quả mướp” chọn cái chữ tít tận xã Yên Hoa khi mới 12 tuổi, và anh Hào là một trong số đó. Anh Hào chia sẻ, Khuổi Phìn hôm nay cái gì cũng mới, có đường mới, lớp học mới, có nhiều mô hình kinh tế mới đang được triển khai.

Thôn Khuổi Phìn hiện có 115 hộ dân, trong đó người Dao chiếm tới 95% dân số, số hộ nghèo hiện có 75 hộ. Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Dấu hứng khởi, năm nay có 8 hộ dự kiến sẽ thoát nghèo và sẽ tiếp tục tăng số lượng vào những năm tiếp theo.

Gia đình anh Hoàng Văn Phin trồng thử nghiệm thành công cây lê trên đất Khuổi Phìn.

Gia đình anh Hoàng Văn Phin trồng thử nghiệm thành công cây lê trên đất Khuổi Phìn.

Anh Triệu Văn Dấu, thôn Khuổi Phìn được nhân dân mến thương gọi là “Dấu 2 giỏi”, họ miêu tả, anh giỏi thuyết phục, giỏi làm kinh tế. Anh Dấu hiện có đàn trâu nhiều nhất thôn Khuổi Phìn với 7 con trâu và mô hình nuôi lợn đen sinh sản mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Năm nay, anh Dấu tiên phong làm đơn xin thoát nghèo, anh bảo, phải làm đơn thoát nghèo thì tư duy sẽ buộc thay đổi, đầu óc phải vận động để có cách làm kinh tế hiệu quả. Ngoài ra có thể kể đến tấm gương vươn lên như gia đình anh Triệu Vằn Khuôn, anh Phùng Lồng Vảng, anh Hoàng Văn Thực…

Dẫn tôi đi thăm vườn lê, vườn hồng không hạt với diện tích 4 ha, anh Hoàng Văn Phin (chủ vườn), hiện là Phó Chủ tịch HĐND xã Sinh Long kể, năm nay anh kết hợp cùng cháu ruột là Hoàng Văn Phương mạnh dạn trồng thử nghiệm cây lê và cây hồng không hạt tại gia đình. Đến nay cây sinh trưởng và phát triển tốt, nếu cứ đà này, năm 2025 anh sẽ mở rộng thêm diện tích ra nhiều hộ dân trong vùng, mục đích để hình thành vùng chuyên canh, đưa giống cây mới để nhân dân có thêm động lực phát triển kinh tế.

Khuổi Phìn cũng là địa phương có vườn chè cổ thụ với số lượng 2.000 cây, trong đó có 170 cây có tuổi đời từ 200 đến 600 năm tuổi. Phó Chủ tịch Hoàng Văn Hào bật mí, hiện trên thôn có Hợp tác xã Khuổi Phìn đang kinh doanh và chế biến các sản phẩm chè cổ thụ, tuy mới làm nhưng đã có sản phẩm bán ra thị trường và được đánh giá cao. Chị Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc HTX chia sẻ, các sản phẩm chè đa dạng với nhiều mặt hàng từ chè xanh, chè đen lên men đến các sản phẩm chè phơi nắng để đa dạng hóa nhu cầu. Thời gian tới, các sản phẩm được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử, nếu thành công thì chắc chắn chè Khuổi Phìn sẽ có chỗ đứng trên thị trường.

Giáp xã Phiêng Luông, huyện Bắc Mê (Hà Giang) Khuổi Phìn có nhiều điều kiện vươn lên phát triển kinh tế xứng tầm với tiềm năng hiện có. Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Dấu bày tỏ, thu nhập hiện nay của người dân trong thôn mới chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm, là quá thấp so với tiềm năng phát triển. Đặc biệt do nằm ở vùng lõi rừng đặc dụng nên hiện trong thôn chỉ có 2 hộ dân được giao khoán đất rừng, đây cũng là điều khó khăn trong phát triển kinh tế nơi đây.

Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/ngay-moi-o-khuoi-phin-201852.html