Chính sách mang tính đột phá cho ngành Y tế Thủ đô
Thể chế hóa các quan điểm của Nghị quyết 15-NQ/TW, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại, hướng tới chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn Hà Nội có nhiều đổi mới, tiến bộ và chất lượng không ngừng được nâng cao. TP cũng đang trực tiếp quản lý 41 bệnh viện (BV) trực thuộc. Có 1 Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội thuộc BV Đa khoa Xanh Pôn.
Mạng lưới y tế công cộng, dự phòng, phục vụ công tác dịch tễ, chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh được hình thành gồm: 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và 579 trạm y tế xã, phường thuộc 30 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, trong đó, đã có 82,73% trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tại các bệnh viện chưa đồng đều ở các tuyến đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19. Công tác y tế dự phòng ở cơ sở còn yếu và chưa thực sự bền vững. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của tuyến y tế cơ sở còn thiếu thốn, nhiều nơi đã xuống cấp.
Nhân lực y tế còn thiếu và yếu, tỷ lệ y, bác sĩ của TP trên số dân còn thấp, đặc biệt đối với các trạm y tế cấp xã, có nơi trên 60.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ y tế (trong khi với 10 cán bộ y tế chỉ phụ trách hiệu quả khoảng 13.000 - 15.000 dân).
Chế độ đãi ngộ, thu nhập của lực lượng y tế nói chung, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở còn thấp, dẫn đến việc khó tuyển dụng, thu hút nhân lực vào làm việc. Các quy định về bảo hiểm y tế (BHYT), chế độ chi trả KCB, định mức kinh phí còn bất cập, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay…
Nhằm bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định “xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng KCB; năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khỏe Nhân dân.
Huy động các nguồn lực xã hội xây dựng mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại; cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ y, dược của tư nhân và đầu tư nước ngoài; gắn phát triển du lịch với chăm sóc sức khỏe”.
Thể chế hóa các quan điểm của Nghị quyết 15-NQ/TƯ, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm mục tiêu nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Chính sách căn cơ, đồng bộ
Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) Điều 27 quy định chi tiết về việc "Phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe Nhân dân".
Về cơ chế phát triển y học gia đình, Dự thảo Luật Thủ đô giao HĐND TP Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế KCB theo nguyên lý y học gia đình, quyết định việc sử dụng quỹ BHYT để phát triển hoạt động KCB y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí BHYT được giao dự toán cho TP, phù hợp với các quy định của Luật KCB.
Đây là quy định có tính đột phá so với các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế hiện hành, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển KCB y học gia đình.
Đối với dịch vụ cấp cứu ngoại viện, bao gồm chăm sóc cấp cứu y tế ngoại viện, các dịch vụ vận chuyển bằng xe cứu thương… Hiện đang có sự tham gia của nhiều thành phần, bao gồm các trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, tổ vận chuyển cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế công lập và cơ sở vận chuyển cấp cứu ngoài công lập...
Việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp bệnh nhân được chăm sóc y tế kịp thời.
Dự thảo Luật giao UBND TP Hà Nội quy định về lộ trình phát triển và tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Thủ đô; mức giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện; việc thanh toán dịch vụ y tế từ nguồn ngân sách địa phương của Hà Nội, quỹ BHYT và nguồn thu từ người sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện.
Đây là quy định đặc thù cho Hà Nội vì pháp luật hiện hành chưa có quy định về giá dịch vụ dành riêng cho KCB y học gia đình và dùng quỹ BHYT để chi trả cho cấp cứu ngoại viện. Việc sử dụng chi phí của quỹ BHYT vẫn bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng của lĩnh vực bảo hiểm.
Có thể thấy, đây là giải pháp tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại Thủ đô, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Vì khi BHYT chi trả cho việc KCB y học gia đình, chi trả dịch vụ cấp cứu ngoại viện sẽ làm giảm nguy cơ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên, giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng khi dịch vụ cấp cứu ngoại viện kịp thời cấp cứu vào “thời điểm vàng” của bệnh nhân, như vậy, sẽ giảm rất nhiều chi phí KCB sau này.
Xét về tổng thể, việc sử dụng nguồn BHYT cho y học gia đình và cấp cứu ngoại viện có thể sẽ không làm tăng tổng chi cho BHYT. Mặt khác lại giúp chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân toàn diện, hiệu quả hơn.
Tán thành sự cần thiết quy định một số chính sách đặc thù giúp phát triển y tế Thủ đô theo nguyên lý y học gia đình, Trưởng ban Chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Lê Văn Phúc cho rằng, ngoài mô hình y học gia đình, cần tạo cơ chế chuyển vượt tuyến thuận lợi khi tuyến cận kề không đảm nhiệm được.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) khẳng định, việc xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình rất cần thiết. Các bác sĩ gia đình sẽ phụ trách hồ sơ sức khỏe, nắm được tình hình sức khỏe của từng gia đình, qua đó phục vụ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
“Việc dự thảo Luật quy định về việc sử dụng quỹ BHYT để phát triển hoạt động KCB y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí BHYT được giao dự toán cho TP, phù hợp với các quy định của Luật KCB: Tán thành. Rõ ràng BHYT phải nghiên cứu để thanh toán cho những hoạt động KCB đó” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Cần có chế độ đãi ngộ, quy định về khám chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và tính đặc thù của địa bàn Thủ đô. Cùng với đó là quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế hợp lý; tạo mối liên hệ có tính hệ thống giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chinh-sach-mang-tinh-dot-pha-cho-nganh-y-te-thu-do.html