Chính sách ngoại giao 'yếu' của châu Âu ở Thái Bình Dương

Trong khi Trung Quốc tăng tốc mở rộng ảnh hưởng, châu Âu lại loay hoay với chiến lược rời rạc, ngân sách eo hẹp. Liệu EU có còn chỗ đứng trong cuộc cạnh tranh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?

Châu Âu chật vật tái khẳng định vị thế ở Thái Bình Dương: Tham vọng lớn, hành động nhỏ. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Âu chật vật tái khẳng định vị thế ở Thái Bình Dương: Tham vọng lớn, hành động nhỏ. Ảnh: THX/TTXVN

Nhận định trên trang web của Diễn đàn Đông Á (eastasiaforum.org) ngày 22/5, các chuyên gia Nicholas Ross Smith, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia châu Âu, Đại học Canterbury và Henrietta McNeill-Stowers, nghiên cứu viên tại Khoa Các vấn đề Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là với Trung Quốc, các cường quốc châu Âu đang có những động thái thăm dò nhằm tái khẳng định ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, những nỗ lực này còn thiếu nhất quán và kém hiệu quả, để lại một dấu ấn mờ nhạt.

Tham vọng lớn nhưng tài chính hạn chế

Các chuyên gia trên chỉ ra rằng sau một thời gian dài "trì trệ và tự quan sát hải quân", châu Âu đã bắt đầu triển khai các công cụ chính trị trở lại khu vực. Sự quan tâm mới này phần lớn xuất phát từ cuộc chạy đua giành ảnh hưởng với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đánh giá hiệu quả thực tế của những nỗ lực này vào quý 2/2025, bức tranh hiện ra không mấy khả quan.

Việc cắt giảm ngân sách viện trợ đang là một rào cản lớn. Đơn cử, quyết định cắt giảm 90% tiền tài trợ của USAID từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra một khoảng trống lớn, bởi Mỹ đã chi 3,4 tỷ USD cho khu vực Quần đảo Thái Bình Dương trong giai đoạn 2008-2022. Các khoản đóng góp từ châu Âu, dù Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp 2 tỷ USD trong cùng giai đoạn, khó có thể lấp đầy khoảng trống này khi EU, Vương quốc Anh và một số quốc gia châu Âu khác đều tuyên bố cắt giảm ngân sách viện trợ. Điều này cho thấy các nước châu Âu đang thích nghi với một thế giới khắc nghiệt hơn khi chuyển hướng tài trợ cho các sáng kiến về an ninh và quốc phòng.

Hoạt động ngoại giao của các nước châu Âu ở Thái Bình Dương trước thông báo cắt giảm gần đây được mô tả là không nhất quán hoặc hoàn toàn không được quan tâm. Hàng loạt các chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" được công bố từ năm 2021 thường tập trung vào các vấn đề địa kinh tế cấp bách hơn ở Ấn Độ Dương, Đông Nam Á và Đông Á, bỏ ngỏ phần Thái Bình Dương. Các chuyên gia nhận định, châu Âu đã không biến lời nói thành hiện thực khi bàn về khu vực này.

Những "tay chơi" chủ chốt

Pháp là quốc gia duy nhất duy trì trọng tâm mạnh mẽ vào Thái Bình Dương, do có lợi ích an ninh thuộc địa và kinh tế đáng kể tại các lãnh thổ hải ngoại như New Caledonia, Polynesia thuộc Pháp và Wallis và Futuna. Pháp là một nước đóng góp quan trọng cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, đồng thời đưa biến đổi khí hậu vào cam kết quốc phòng của mình.

Vương quốc Anh, dù có dấu ấn thuộc địa đáng kể, đã bỏ bê khu vực này sau Chiến tranh Lạnh. Mặc dù năm 2018 các nhà ngoại giao Anh thừa nhận đã "lùi bước quá xa" và công bố "Pacific Uplift" (Nâng cấp Thái Bình Dương) vào năm 2019, sự quan tâm mới này không kéo dài được lâu. Việc hủy bỏ thỏa thuận miễn thị thực với Vanuatu vào tháng 7/2023, chỉ vài tháng sau chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao, cùng với việc cắt giảm ngân sách viện trợ đã làm giảm sút quyền lực mềm của Anh.

EU là một ẩn số ngoại giao. Dù công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2021 và sáng kiến "Global Gateway" (Cửa ngõ Toàn cầu) trị giá 300 tỷ euro, với Liên minh Xanh-Xanh cho Thái Bình Dương, tác động trên toàn khu vực của sáng kiến này vẫn còn hạn chế. Hình ảnh của EU cũng bị suy giảm bởi các chiến thuật cứng rắn trong đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế, cơ chế quan liêu phức tạp và cách đối xử với Vanuatu về chương trình hộ chiếu. Mối bận tâm của EU với cuộc xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng mới nổi với chính quyền Trump về an ninh châu Âu có khả năng làm trầm trọng thêm sự thờ ơ của họ đối với Thái Bình Dương.

Tóm lại, sự hiện diện của châu Âu ở Thái Bình Dương có vẻ mang tính "biểu diễn" nhiều hơn là có mục đích, khiến uy tín của châu Âu bị nghi ngờ. Các mối đe dọa an ninh gần với châu lục này hơn đã khiến sự tập trung vào khu vực Thái Bình Dương suy yếu. Tuy nhiên, nếu xét đến ý định của châu Âu là phục vụ lợi ích cho chính họ và có rất ít bằng chứng cho thấy châu Âu có thể tạo ra tác động tích cực trong khu vực, thì sự chú ý suy giảm không nhất thiết là điều xấu.

Các đối tác châu Âu đã không "nói đi đôi với làm" về các vấn đề quan trọng đối với Thái Bình Dương, như biến đổi khí hậu và đánh bắt cá bất hợp pháp. Nếu không có quan hệ đối tác "thực sự và lâu dài", châu Âu chỉ là một trong những bên "đến rồi đi" khỏi khu vực Thái Bình Dương, trong khi khu vực này tự quản lý các ưu tiên của riêng mình.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chinh-sach-ngoai-giao-yeu-cua-chau-au-o-thai-binh-duong-20250523181504296.htm