Chính sách NHNN đã 'đánh đúng và trúng' vào điểm nghẽn của doanh nghiệp

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các chính sách của ngành Ngân hàng đã đánh đúng và trúng vào những điểm nghẽn khó khăn của doanh nghiệp, trong đó sát sườn nhất là việc hỗ trợ nguồn vốn.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú

Ngày 25/7, Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" được tổ chức dưới dự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhằm phân tích những lý do khiến cho sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế bị suy giảm, dẫn tới việc các ngân hàng khó giải ngân tín dụng. Đề xuất giải pháp giúp nâng cao năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, sản xuất, thương mại toàn cầu tiếp tục khó, cạnh tranh, xung đột địa chính trị ngày càng gay gắt, lạm phát ở cao, chính sách tiền tệ thắt chặt.

Trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp so với kịch bản đề ra, 6 tháng chỉ đạt mức tăng 3,72% trong bối cảnh cầu thế giới suy giảm, những khó khăn nội tại của nền kinh tế dần bộc lộ, sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn.

Tín dụng 6 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. Tính đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022.

"Tất cả những điều đó đã đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng. Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như 6 tháng đầu năm, tăng lãi suất hay giảm lãi suất, cung tiền nhiều hay ít và làm thế nào để hài hòa câu chuyện chất lượng tín dụng và doanh số tín dụng nền kinh tế, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia đều là những vấn đề NHNN phải lưu ý và điều hành", Phó Thống đốc chia sẻ.

Sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ rất khó của NHNN, lãnh đạo NHNN trăn trở.

"Đi trực tiếp vào chủ đề thảo luận ngày hôm nay, nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng ngay trong ngắn hạn, câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng, chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Song, ông Đào Minh Tú khẳng định, vấn đề trọng tâm lúc này là vấn đề tín dụng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN cũng nhận thức được trách nhiệm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này. Có thể nói, thanh khoản cho nền kinh tế đến thời điểm này rất dồi dào.

Bên cạnh những giải pháp về nguồn cung tiền, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, hạ lãi suất từ các công cụ vay vốn của các ngân hàng thương mại; các chính sách của Chính phủ chỉ đạo có tính chất hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực cần hồi phục nhanh, tạo động lực cho nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa - động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam cũng đã được NHNN triển khai quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.

Ngoài ra, các gói tín dụng hỗ trợ ngành bất động sản như gói 120.000 tỷ đồng; gói 15.000 tỷ mới được công bố và đang được triển khai cho lâm nghiệp, thủy sản và một loạt các chương trình khác được các ngân hàng triển khai.

Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho hay, theo thống kê, có tới 25% hội viên của Hiệp hội đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp xuất khẩu cũng đề nghị giảm lãi suất vay đối với đồng USD để tăng tính cạnh tranh quốc tế nhằm trụ vững trước khi thị trường có dấu hiệu phục hồi vào quý 3/2023.

Thời gian qua, NHNN không chỉ làm tốt nhiệm vụ giữ vững được sự ổn định tỷ giá, giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và đảm bảo kinh tế vĩ mô, mà còn triển khai tốt nhiệm vụ rất quan trọng là giảm lãi suất điều hành tới 4 lần với mức giảm từ 0,5%/năm - 2%/năm, từ đó tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận chi phí vốn hợp lý.

Các chính sách của ngành Ngân hàng đã đánh đúng và trúng vào những điểm nghẽn khó khăn của doanh nghiệp, sát sườn nhất đó là việc hỗ trợ nguồn vốn đối với doanh nghiệp. Tính hiệu quả của hoạt động này rất cụ thể khi trong số hơn 6 triệu tỷ đồng cho vay toàn nền kinh tế, thì dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng. Xét về tỷ lệ cho vay thì dư nợ tín dụng năm sau cao hơn năm trước.

Các chính sách của ngành Ngân hàng đã đánh đúng và trúng vào những điểm nghẽn khó khăn của doanh nghiệp, sát sườn nhất đó là việc hỗ trợ nguồn vốn đối với doanh nghiệp. Tính hiệu quả của hoạt động này rất cụ thể khi trong số hơn 6 triệu tỷ đồng cho vay toàn nền kinh tế, thì dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng. Xét về tỷ lệ cho vay thì dư nợ tín dụng năm sau cao hơn năm trước.

TS. Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam

"Đến thời điểm này, phải khẳng định lại lần nữa về mức độ quan tâm, hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngành Ngân hàng là rất lớn", ông Thân đánh giá.

Giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai

Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng thừa nhận, mặc dù việc hỗ trợ của ngành Ngân hàng đã làm tốt rồi nhưng hiện nay có một thực trạng là số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.

Ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính.

Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai.

Về chiến lược lâu dài, Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận thấy cần sớm sửa đổi Luật hỗ trợ DNNVV theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài, trong đó có việc hỗ trợ các DNNVV tham gia vào 30% các dự án đầu tư công.

Tập trung thực thi có hiệu quả nhóm giải pháp hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững, phát triển chuỗi giá trị; Cải tổ các Quỹ Bảo lãnh tín dụng và tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý địa phương trong việc hỗ trợ đánh giá, xác nhận tín nhiệm của doanh nghiệp để bảo lãnh cho vay.

Về phía doanh nghiệp, Hiệp hội cho rằng, các doanh nghiệp cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về sức khỏe của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.

Do vậy, đứng ở cả góc độ của ngân hàng và doanh nghiệp, có thể nói vấn đề cho vay hiện nay không thể bằng ý chí của một bên mà hai bên cùng phải lắng nghe, đứng ở vị trí của nhau và cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tìm ra hướng đi chung. Đây là điểm mấu chốt để người cho vay và người đi vay xích lại gần nhau hơn.

Trước mắt, Hiệp hội DNNVV tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp, chẳng hạn như: những điều kiện cho vay, liệu thời điểm này có hạ thấp được không?

Nếu các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn do vướng quy định pháp luật hay tiêu chuẩn Basel quốc tế, cần phải có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp.

Ngoài ra, chính sách tài khóa cần phải có quy định rất rõ ràng, mạch lạc. Việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động hậu kiểm vẫn có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn.

"Do vậy, để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách dễ dàng, thuận lợi hơn thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán", Chủ tịch Hiệp hội DNNVV kiến nghị.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chinh-sach-nhnn-da-danh-dung-va-trung-vao-diem-nghen-cua-doanh-nghiep-post24669.html