Chính sách, pháp luật mang niềm vui đến với người cao tuổi không có lương hưu

Theo số liệu thống kê, hiện nay số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi là hơn 5,1 triệu người, chiếm 35% so số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong đó, có 2,7 triệu người hưởng lương hưu, 0,63 triệu người hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng, hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi).

 Người không có lương hưu được hưởng trợ cấp hàng tháng thực sự là một chính sách rất nhân văn, được người dân mong đợi. (Nguồn: N.A)

Người không có lương hưu được hưởng trợ cấp hàng tháng thực sự là một chính sách rất nhân văn, được người dân mong đợi. (Nguồn: N.A)

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, nước ta sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế. Bối cảnh này cũng cho thấy chính sách BHXH cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân.

Ngày 01/7/2025, Luật BHXH 2024 chính thức có hiệu lực với nhiều thay đổi lớn, trong đó có việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, thể chế hóa quan điểm tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng là một trong những chế độ của trợ cấp hưu trí xã hội, là loại hình BHXH do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi. Trong đó giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện hành là 80 tuổi). Riêng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo Luật BHXH 2024, có hai nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đó là, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí khi có đủ 3 điều kiện: từ đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ và có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định (không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội) thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Người dân khi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Lúc qua đời, tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.

Có thể nói, việc người không có lương hưu được trợ cấp hàng tháng đây thực sự là một chính sách rất nhân văn, được nhiều cử tri và Nhân dân mong đợi. Chính sách trợ cấp hưu trí xã hội đã thể chế hóa một bước chủ trương điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của Nghị quyết số 28, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Cũng theo Luật BHXH 2024, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội cứ định kỳ 3 năm 1 lần. “Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng phụ thuộc chính vào khả năng của ngân sách nhà nước bảo đảm nhưng chắc chắn không thấp hơn mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng, thấp nhất cũng phải bằng 500.000 đồng/tháng”, ông Nguyễn Duy Cường - Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết. Luật cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Dự kiến có thêm khoảng 1,2 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngày 01/7/2025 khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực.

H.Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-mang-niem-vui-den-voi-nguoi-cao-tuoi-khong-co-luong-huu-post522389.html