Chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp: Hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu

905 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cập nhật ứng dụng “Chọn nghề - Chọn trường”

(HNM) - Hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn Hà Nội. Đây là cơ sở pháp lý để các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, đưa ra định hướng phát triển phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, trở thành những “nút thắt”, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cần sớm được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội trong giờ thực hành.

Thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển

Hiện nay, mô hình nhà trường cũng là nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất ngày càng phổ biến trên địa bàn Hà Nội. Tại những cơ sở được đầu tư để trở thành trường chất lượng cao, đào tạo các nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế như Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội…, đa số phòng học được thiết kế tích hợp không gian học lý thuyết với không gian thực hành, giúp người học dễ dàng tiếp thu kiến thức. Ngược lại, ở một số doanh nghiệp cũng đã có những “lớp thực hành” dành cho người học nghề.

Nhờ nắm vững kiến thức thực hành, đa số học viên, sinh viên học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng có cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi chưa ra trường. Sinh viên Bùi Ngọc Hưng, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng nghề Điện tử - Điện lạnh Hà Nội chia sẻ: “Trong thời gian thực hành, chúng em được một số doanh nghiệp trả công theo sản phẩm và hứa hẹn nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp”. Ở khía cạnh khác, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Cơ điện Minh Thái (huyện Thanh Trì) cho rằng, việc phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo nghề, giúp doanh nghiệp chủ động bổ sung đội ngũ thợ giỏi, góp phần ổn định hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho đơn vị.

Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy, mục tiêu xuyên suốt của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành là gắn kết giữa người học với nhà trường và doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật cao, theo sát nhu cầu thị trường, bước đầu phát huy hiệu quả. Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm, hơn 300 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tuyển sinh, đào tạo nghề cho gần 200.000 lượt người, trong đó hơn 90% số người học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Người học nghề ngày càng tăng, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo ở Hà Nội từ 31,4% vào năm 2009, lên 63,18% năm 2018, dự kiến tăng lên 67,5% vào cuối năm nay.

Cần lối đi riêng cho các trường đặc thù

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, trong quá trình triển khai, một số quy định của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành bộc lộ rõ những hạn chế, chưa phù hợp với hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở các cơ sở đào tạo chuyên biệt, đặc thù.

Nhiều học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Hà Nội đã vững tay nghề khi còn đang đi học. Ảnh: Hà Hiền

Theo phản ánh của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, việc áp dụng giờ dạy tích hợp giữa lý thuyết với thực hành trong thời gian 60 phút với các môn nghệ thuật là quá dài, quá sức đối với cả người dạy và người học. Quy định bắt buộc phải có giáo án trong đào tạo nghệ thuật là cứng nhắc, do quá trình giảng dạy các môn nghệ thuật cần tôn trọng yếu tố cảm xúc. Giáo viên tham gia giảng dạy các môn nghệ thuật phải có bằng cấp, chứng chỉ đạt chuẩn đang là rào cản đối với sự phát triển của các ngành đào tạo nghệ thuật. Vì thế, bà Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian đào tạo, tiêu chuẩn đối với người thỉnh giảng ở lĩnh vực nghệ thuật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp…

Không riêng khối nghệ thuật, các trường đào tạo nhân lực ngành y, dược ngoài công lập cũng gặp không ít khó khăn. Ông Vũ Quang Vụ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội cho biết, nhà trường chịu sự quản lý nhà nước và chuyên môn của nhiều ngành khác nhau, trong khi quy định của các ngành về tuyển sinh, đào tạo nghề có những điểm khác biệt. Đó là một trong những rào cản để các trường y, dược ngoài công lập đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng. Còn em Nguyễn Hương Thủy, vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội chia sẻ: “Trong quá trình đi tìm việc, một số đơn vị tuyển dụng bày tỏ sự hoài nghi về năng lực khi em chỉ tốt nghiệp hệ trung cấp của trường ngoài công lập. Em mong xã hội có cái nhìn công bằng hơn với các trường ngoài công lập”.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực cho các ngành, nghề đặc thù nói riêng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề xuất Chính phủ sớm ban hành quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp toàn quốc, làm căn cứ cho các tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch tại địa phương. Công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học sơ sở, trung học phổ thông vào học nghề cần đẩy mạnh từ cấp vĩ mô tới vi mô. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành chính sách ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động phải qua đào tạo; có cơ chế hỗ trợ kinh phí học nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trung cấp và tiếp tục liên thông lên cao đẳng; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số quy định của chính sách, pháp luật hiện hành đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặc thù…

Năm học mới 2019-2020 đang đến gần, hy vọng những khó khăn, bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp sớm được quan tâm, tháo gỡ, tạo điều kiện cho các ngành, địa phương hoàn thành mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/940936/chinh-sach-phap-luat-ve-giao-duc-nghe-nghiep-hoan-thien-de-dap-ung-nhu-cau