Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của Trung Quốc
Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCS Trung Quốc) đưa ra khái niệm 'công nghiệp văn hóa' (CNVH) và đặt ra các yêu cầu cụ thể về cải cách thể chế nhằm phát triển CNVH là tại Kiến nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc chế định kế hoạch 5 năm lần thứ X phát triển kinh tế và xã hội quốc dân (tháng 10.2000).
Tiếp đó, Đại hội lần thứ XVI của ĐCS Trung Quốc (2002) chính thức công bố sự phát triển các ngành CNVH là nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch 5 năm lần thứ X và đưa ra mệnh đề “giải phóng và phát triển sức sản xuất văn hóa”, tập trung cải cách thể chế, dỡ bỏ những rào cản đối với sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Trong chiến lược phát triển được ban hành vào tháng 12.2005, BCH TW Đảng đã sử dụng thuật ngữ các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.
Tháng 11.2002, Báo cáo Đại hội XVI lần đầu tiên nêu: “xây dựng toàn diện xã hội khả giả, đẩy mạnh phát triển văn hóa XHCN”, trong đó bao gồm: xác định chiến lược phát triển CNVH; đi sâu cải cách thể chế Văn hóa; phát triển các tập đoàn CNVH. Tháng 11.2011, Hội nghị TW 6 Đại hội XVII đã ra nghị quyết những vấn đề trọng đại của TW ĐCS Trung Quốc về đi sâu cải cách thể chế văn hóa, thúc đẩy đại phát triển, đại phồn vinh văn hóa XHCN, trong đó có nội dung “đẩy nhanh phát triển CNVH, thúc đẩy CNVH trở thành sản nghiệp trụ cột của nền kinh tế quốc dân”; “đi sâu cải cách mở cửa, tăng nhanh xây dựng thể chế và cơ chế có lợi cho sự phát triển phồn vinh văn hóa” và “xây dựng đội ngũ nhân tài văn hóa lớn mạnh, nhằm cung cấp trụ cột nhân tài mạnh mẽ vì sự đại phát triển, đại phồn vinh của văn hóa xã hội chủ nghĩa".
Tháng 12.2019, Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành “Quy hoạch chấn hưng Văn hóa”, sắp xếp toàn diện cho phát triển của CNVH. Bộ Văn hóa Trung Quốc công bố “một số ý kiến chỉ đạo về tăng cường phát triển CNVH", trong đó xác định 10 lĩnh vực trọng điểm gồm: nghệ thuật biểu diễn, hoạt hình, triển lãm văn hóa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và mỹ thuật, Games Online, thiết kế sáng tạo, sản phẩm nghệ thuật, giải trí, du lịch văn hóa, dịch vụ văn hóa kỹ thuật số.
Năm 2018, tổng giá trị CNVH Trung Quốc đạt 4.117,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 600 tỷ USD). Từ năm 2005 đến năm 2018, hằng năm CNVH bình quân tăng trưởng đạt 18,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của Trung Quốc là 7,9%; tỷ trọng CNVH trong nền kinh tế quốc dân năm 2018 chiếm 4,3% GDP.
Hoàn thiện pháp luật về văn hóa
Nhằm xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật, Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng các bộ luật về lĩnh vực văn hóa; năm 2016, liên tiếp 2 bộ luật quan trọng được thông qua, gồm Luật Bảo đảm dịch vụ văn hóa công cộng và Luật Thúc đẩy sản nghiệp điện ảnh. Trong đó, Luật Bảo đảm dịch vụ văn hóa công cộng lấy con người làm trung tâm, được định hướng bởi các giá trị cốt lõi của CNXH, tất cả các cấp chính quyền có trách nhiệm cải thiện các trung tâm dịch vụ văn hóa cộng đồng, cung cấp nhiều hơn các sản phẩm trực tuyến, cân bằng giữa dịch vụ văn hóa tại thành thị và nông thôn, huy động các nguồn vốn tư nhân đầu tư các thiết chế văn hóa công cộng, chú trọng các nhóm người yếu thế, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khuyến khích các sản phẩm văn hóa dân tộc thiểu số, mở rộng hợp tác quốc tế. Luật Thúc đẩy sản nghiệp điện ảnh có nhiều điểm cởi mở hơn, hủy bỏ chế độ giấy phép sản xuất, tăng cường giám sát quản lý sau sản xuất, xây dựng hồ sơ tín nhiệm xã hội, khuyến khích hợp tác sản xuất phim với nước ngoài, đưa sản nghiệp điện ảnh vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng hóa chính sách bảo đảm sản nghiệp điện ảnh phát triển...
Tiếp đó, Luật Thư viện công cộng được ban hành. Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục đưa ra lấy ý kiến nhân dân dự thảo Luật Thúc đẩy sản nghiệp văn hóa, Quốc vụ viện Trung Hoa cũng đưa vào chương trình công tác việc sửa đổi Luật Bản quyền, Luật Bảo vệ Di sản Văn hóa. Kế hoạch dự thảo một đạo luật về thị trường văn hóa cũng đang được xem xét. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng bảo đảm quyền văn hóa của người dân và có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tại Trung Quốc.
Tăng đầu tư cho văn hóa
Chính phủ cần chú trọng đến phát triển CNVH trong kế hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội; tăng đầu tư hàng năm cho CNVH với mức độ không thấp hơn tốc độ đầu tư tài chính nói chung. Bên cạnh việc ưu tiên tăng đầu tư tài chính cho CNVH nói chung, Trung Quốc còn ưu tiên phát triển CNVH ở các vùng kém phát triển ở miền Trung và phía Tây Trung Quốc cũng như các khu vực thiểu số.
Củng cố các thiết chế văn hóa chủ đạo
Trung Quốc ưu tiên xây dựng các cơ sở thiết chế văn hóa chủ đạo phục vụ nhân dân. Tập trung xây dựng các dự án văn hóa trọng điểm quốc gia như viện bảo tàng và nhà hát quốc gia, cơ sở văn hóa công cộng phải được xây dựng ở các địa điểm thuận lợi. Các cơ sở văn hóa nếu cần phá dỡ, phải xây dựng các cơ sở mới ở địa điểm bên cạnh. Các thành phố lớn và quy mô trung bình cần coi trọng việc xây dựng các thư viện, bảo tàng và các trung tâm khoa học và công nghệ. Các quận và thị trấn cần xây dựng các trung tâm văn hóa.
Hình thành hệ thống Quỹ đầu tư
Thiết lập và hoàn thiện một hệ thống các quỹ đặc biệt từ nguồn ngân sách quốc gia và các quy định mức phí thu cụ thể. Các cơ quan tài chính phải dành ngân sách để lập các quỹ đặc biệt, ví dụ như “Quỹ đặc biệt xây dựng và tổ chức các chương trình nghệ thuật tiêu biểu", "Quỹ đặc biệt phát triển phim quốc gia” và "Quỹ đặc biệt quảng bá, giới thiệu hình ảnh". Quỹ xây dựng văn hóa không bị tinh giản tổ chức và nhân sự từ việc cải cách hệ thống. Thu nhập từ các cơ sở văn hóa không sử dụng để thay thế cho quỹ đầu tư văn hóa. Thu phí xây dựng văn hóa trên toàn quốc, cơ sở kinh doanh văn hóa giải trí như vũ trường, karaoke, phòng trà, sân golf và bowling, tổ chức kinh doanh quảng cáo nộp 3% doanh thu làm kinh phí dành cho Quỹ xây dựng văn hóa.
Quỹ đầu tư dành cho CNVH của chính phủ và doanh nghiệp đều có ưu thế riêng, cần kết hợp có hiệu quả giúp CNVH phục hồi và phát triển. Quỹ đầu tư của chính phủ có những quy định hạn chế được mức độ rủi ro. Quỹ đầu tư CNVH của doanh nghiệp góp phần hoàn thiện thể chế vận động của nền kinh tế thị trường, quản lý linh hoạt. Sử dụng và phát huy ưu thế riêng của hai loại quỹ này sẽ hỗ trợ hiệu quả cho CNVH phát triển hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.