Chính sách tài khóa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và hiệu quả, cần phối hợp đồng bộ giữa các chính sách tài khóa với các chính sách khác để tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Những chính sách hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh tư liệu.

Những chính sách hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh tư liệu.

PV: Những tháng đầu năm 2024, nền kinh tế tiếp tục có bước tăng trưởng tích cực, trong đó có sự hỗ trợ hiệu quả của chính sách tài khóa, giúp cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Ông đánh giá thế nào về các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp?

TS. Mạc Quốc Anh: Chính sách tài khóa mà Quốc hội, Chính phủ đưa ra nhằm mục đích miễn giảm thuế, phí, đặc biệt là giãn thời gian nộp thuế cho các doanh nghiệp là công cụ hiệu quả trong thời gian qua, bởi doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực lớn về tài chính.

Các chính sách giảm thuế đã giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính, như giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng 2%, có thêm nguồn lực để đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kích cầu tiêu dùng, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế.

Đồng thời, khi được giảm thuế, doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, mà còn nâng cao năng lực xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ chính sách này để mở rộng quy mô, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế.

Bộ Tài chính đã có những phản chính sách kịp thời, hiệu quả

Nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và triển khai các chính sách tài khóa để phục hồi và phát triển kinh tế là rất hiệu quả, đa dạng và linh hoạt. Bộ Tài chính đã có những phản chính sách ứng nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, trước các biến động kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Cùng với đó, việc kiểm soát tốt các yếu tố lạm phát và duy trì lãi suất ổn định cũng đã góp phần tạo nên tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách giảm thuế là một "đòn bẩy" quan trọng. Những doanh nghiệp này thường gặp nhiều khó khăn về vốn và chi phí hoạt động, do đó, việc giảm thuế giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội để phát triển và mở rộng.

Theo tôi, các biện pháp cải cách thuế không chỉ giúp giảm thuế suất mà còn cải thiện quy trình thuế, tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý thuế. Điều này giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định về thuế.

PV: Ông nhìn nhận thế nào về nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và triển khai các chính sách tài khóa tiếp thêm động lực cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp đạt được sự tăng trưởng dài hạn và bền vững?

TS. Mạc Quốc Anh: Nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và triển khai các chính sách tài khóa để phục hồi và phát triển kinh tế là rất hiệu quả, đa ạng và linh hoạt. Bộ Tài chính đã có những phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, trước các biến động kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.Việc đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2%; gia hạn thuế và tiền thuê đất, cũng như giảm phí và lệ phí, thể hiện sự linh hoạt trong chính sách tài khóa, hỗ trợ ngay lập tức cho doanh nghiệp, người dân.

Đây là những chính sách hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp, không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn và nguồn lực.

Việc thực thi chính sách thời gian qua cũng cho thấy, Bộ Tài chính đã tích cực lắng nghe và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia kinh tế để xây dựng chính sách phù hợp và hiệu quả nhất.

Sự hợp tác chặt chẽ này giúp đảm bảo các chính sách được triển khai đúng đối tượng và đã mang lại hiệu quả cao nhất.

PV: Để chính sách tài khóa tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra, cần phối hợp thêm những chính sách nào để phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới, thưa ông?

TS. Mạc Quốc Anh: Bên cạnh các chính sách tài khóa, để phát huy hiệu quả hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp như việc điều chỉnh lãi suất; theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc việc điều chỉnh lãi suất cho vay để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn.

Đồng thời, tăng cường tín dụng cho các chương trình tín dụng ưu đãi, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên được mở rộng và triển khai hiệu quả; hỗ trợ ngành công nghiệp mũi nhọn, phát triển khu vực kinh tế trọng điểm, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển để thu hút đầu tư và phát triển sản xuất.

Đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại; cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong việc tham gia các hội chợ quốc tế, triển lãm thương mại và các hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý và sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các rào cản pháp lý và thủ tục không cần thiết để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xanh, bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tái tạo.

Tiếp tục phối hợp đồng bộ giữa các chính sách tài khóa với các chính sách khác để tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kịp thời "san sẻ" gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

TS. Mạc Quốc Anh cho hay, theo tính toán của Bộ Tài chính, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Những tác động tích cực mà các chính sách giảm thuế và các loại phí sẽ trực tiếp làm giảm chi phí sản xuất, giúp các doanh nghiệp sản xuất cạnh tranh hơn cả trong nước và quốc tế. Với chi phí giảm, doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá bán sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế, từ đó thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại.

Đồng thời, giúp giảm chi phí tiêu dùng cho hàng hóa và dịch vụ, qua đó tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng. Đây là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu và mở rộng sản xuất, sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Còn chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính tạm thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc duy trì hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều thách thức kinh tế.

Có thể nói, các chính sách tài khóa được đề xuất như giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn thuế và tiền thuê đất, giảm phí và lệ phí đều hướng đến việc giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng và đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những biện pháp này kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2024.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-tai-khoa-tao-dong-luc-thuc-day-tang-truong-ben-vung-153255-153255.html