Chính sách thuế quan của Mỹ: Đa dạng thị trường để tránh 'cú sốc' về thương mại

Theo chuyên gia, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các FTA đã ký kết để giảm phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, từ đó có thể tránh xảy ra những 'cú sốc' khi có sự thay đổi về chính sách thương mại.

Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam lập kỷ lục khi thu về hơn 400 tỷ USD. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam lập kỷ lục khi thu về hơn 400 tỷ USD. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Các mức thuế quan mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên một số quốc gia sẽ có tác động không nhỏ tới hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Vì vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường, việc khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết cũng là một trong những hướng đi bền vững giúp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm thiểu các rủi ro khi có chiến tranh thương mại giữa các cường quốc trên thế giới.

Chủ động để nắm bắt cơ hội

Mỗi năm doanh thu xuất khẩu các sản phẩm gỗ và nội thất của Công ty cổ phần Lâm Việt khoảng 30 triệu USD. Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lâm Việt cho biết để có được kết quả này, doanh nghiệp đã đáp ứng tốt các tiêu chuẩn cao của thị trường, từ việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, xuất xứ, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn xanh và bền vững…

“Hiện sản phẩm của Lâm Việt đang xuất khẩu tập trung vào 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Vương quốc Anh, bản thân doanh nghiệp cũng cố gắng linh hoạt hơn để tìm kiếm thêm đơn hàng, khách hàng,” ông Nguyễn Thanh Lam cho hay.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024 tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt hơn 132 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023 và nhập khẩu từ thị trường này đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ tại khu vực ASEAN. Ngược lại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ bao gồm: giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc...

Đánh giá của các chuyên gia cho thấy năm 2025 các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ như: dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc thiết bị điện tử và nông sản...

Đơn cử, với ngành dệt may, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Năm 2025, ngành dệt may kỳ vọng đạt hơn 20 tỷ USD xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tăng trưởng nhờ nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm chất lượng và thân thiện với môi trường.

Tương tự, sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, với tiềm năng tăng trưởng mạnh, được dự đoán sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD trong năm 2025, tăng hơn 20% so với năm 2024. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm nội thất bền vững, tái chế tại Mỹ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy ngành này. Ngoài ra, các sản phẩm công nghệ cao như linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông cũng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu, với giá trị dự kiến tăng từ 15-18% nhờ sự mở rộng sản xuất từ các tập đoàn như Samsung, Intel và LG.

 Doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng các đơn hàng của đối tác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng các đơn hàng của đối tác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may, thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá nhiều triển vọng trong năm 2025 đối với các doanh nghiệp dệt may khu vực phía Nam khi đơn hàng đã được ký dài hạn đến quý 2.

Cho rằng thương mại thế giới mặc dù có sự "xáo trộn" do Mỹ áp thuế đối với một số quốc gia làm ảnh hưởng tới hàng hóa của các nước này xuất khẩu vào Mỹ, song bên cạnh thách thức cũng còn nhiều cơ hội.

“Tổng cầu về hàng may mặc vẫn có xu hướng tăng lên, đặc biệt với nhiều tín hiệu tích cực trong quý 1, khả năng trong năm nay, toàn ngành dệt may có thể xuất khẩu tăng trưởng 2 con số so với năm trước,” ông Phạm Xuân Hồng nói. Song để xuất khẩu bền vững, ông cũng khuyến nghị cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng trong vấn đề chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, nhất là việc chuyển dịch vào Việt Nam để xuất khẩu nhằm tránh bị áp thuế, gây bất lợi cho hàng "Made in Việt Nam."

Còn đối với ngành thép, thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2024 cho thấy xuất khẩu sắt thép các loại đạt trên 12,6 triệu tấn, thu về hơn 9 tỷ USD, trong đó Mỹ chiếm 13,2% sản lượng và chiếm 14,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước, đạt 1,67 triệu tấn.

Trước những diễn biến về việc Mỹ áp thuế với hàng hóa của một số quốc gia, đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho rằng với ngành thép, áp lực cạnh tranh đối với hàng giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam sẽ cao hơn, trong khi hoạt động xuất khẩu bị kiềm chế do xu hướng bảo hộ gia tăng…

“Cần phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại đa phương và song phương nhằm thúc đẩy xuất khẩu, giảm áp lực trên thị trường trong nước, ngành đề xuất Chính phủ tăng cường quan hệ ngoại giao, đối thoại với các đối tác thương mại lớn nhằm hạn chế các chính sách bất lợi về thuế, bảo hộ thị trường… đối với hàng hóa từ Việt Nam,” đại diện VNSteel đề xuất.

Tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường

Có thể thấy, dư địa xuất khẩu sang Mỹ năm 2025 còn rất lớn, song theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump và nội các mới dự báo sẽ có những tác động rất to lớn, thậm chí là thay đổi đảo chiều đến tình hình chính trị, kinh tế, tài chính trên thế giới và khu vực.

“Việc thực hiện cân bằng thương mại và cùng có lợi ngày càng trở nên cấp bách. Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các nỗ lực trong thực hiện cam kết về mở cửa thị trường, đẩy nhanh giải quyết các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, thể hiện cam kết của Việt Nam trong duy trì quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước,” ông Hưng nhấn mạnh.

Cùng nội dung này, chuyên gia kinh tế Quang San cho rằng, chủ trương của Tổng thống Donald Trump là tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ. Thực tế trong nhiệm kỳ thứ nhất, ông đã áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ một số nước và nhiệm kỳ 2 lần này, dự kiến việc áp thuế sẽ còn mạnh mẽ hơn kể cả với các đối tác.

Đặc biệt, chuyên gia này lưu ý việc Mỹ điều tra nhiều vụ chống lẩn tránh thuế trong thời gian vừa qua, do vậy nếu Việt Nam kiểm soát không chặt để hàng từ nước ngoài “mượn đường” xuất khẩu thì hậu quả rất nặng nề, bởi không chỉ các mức thuế làm suy giảm trực tiếp các sản phẩm đó mà ảnh hưởng nhất là vấn đề uy tín và thương hiệu.

“Bên cạnh việc đáp ứng tốt các yêu cầu và tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, tự hoàn thiện để nâng cao sức cạnh tranh, cơ quan chức năng cũng cần chú trọng đến khâu đầu tư nhằm gắn kết hai nền kinh tế sâu sắc hơn," chuyên gia Quang San nhấn mạnh.

 Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 30% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, vì vậy nếu Mỹ thay đổi chính sách thương mại với hàng nhập khẩu của Việt Nam sẽ có những tác động rất lớn.

Để tiếp tục giữ vị thế xuất khẩu, giải pháp được chuyên gia này nhấn mạnh đó là việc mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu, trước hết là với 16 FTA mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa để nâng cao giá trị xuất khẩu, cũng như mở rộng sang các nước khác, nhằm phân tán lượng đầu tư xuất khẩu, giảm phụ thuộc quá lớn vào một nước, từ đó có thể tránh xảy ra những “cú sốc” khi có sự thay đổi về chính sách thương mại.

Bên cạnh đó, ông cũng khuyến nghị cơ quan chức năng tìm giải pháp để tăng lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, từ đó thay đổi năng lực của nền sản xuất trong nước, giúp tăng năng suất lao động cũng như tạo sự tăng trưởng bền vững trong thời gian tới đây.

“Việt Nam cũng có thể tính đến việc tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng, kể cả máy bay, phương tiện dân dụng... để cân bằng cán cân thương mại với đối tác này,” ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng với nền tảng vững chắc từ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và các cơ hội từ xu hướng toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2025 không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn mà còn tiếp tục củng cố vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu tận dụng tốt các cơ hội và giải quyết hiệu quả những thách thức, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đạt được những bước tiến lớn trong hợp tác thương mại với Mỹ./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chinh-sach-thue-quan-cua-my-da-dang-thi-truong-de-tranh-cu-soc-ve-thuong-mai-post1011222.vnp