Chính sách trợ cấp thúc đẩy cuộc đua tái chế pin xe điện ở Mỹ
Chính sách trợ cấp trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ đã thúc đẩy các dự án tái chế pin xe điện ở Bắc Mỹ, đưa khu vực vào tuyến đầu trong cuộc đua toàn cầu nhằm phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Vật liệu pin tái chế ở Mỹ đủ điều kiện nhận trợ cấp
Đạo luật IRA bao gồm một điều khoản tự động xem vật liệu pin xe điện được tái chế ở Mỹ là do Mỹ sản xuất hay không, nếu có là đủ điều kiện để nhận trợ cấp tín dụng thuế. Điều khoản này rất quan trọng vì khuyến khích các nhà sản xuất ô tô sử dụng pin làm từ các vật liệu được tái chế ở Mỹ dù nguồn gốc ban đầu có thể đến từ Trung Quốc.
Điều khoản này đang kích hoạt cơn bùng nổ xây dựng nhà máy tái chế pin ở Hoa Kỳ, đồng thời thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô nghiên cứu nhiều loại pin dễ dàng tái chế hơn.
Theo hãng nghiên cứu EMR, Trung Quốc đang xử lý hầu như tất cả hoạt động tái chế pin xe điện, lĩnh vực được dự đoán sẽ tăng quy mô từ 11 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 trên toàn cầu, lên 18 tỉ đô la vào năm 2028. Khi ngày càng có nhiều xe điện mới hoạt động trên đường thì số lượng xe điện cũ bị phế thải cũng tăng lên, giúp hoạt động tái chế pin phát triển mạnh mẽ hơn.
Nói với Reuters, Giám đốc bền vững của BMW (Đức), Thomas Becker, cho biết các khoáng chất trong các loại pin xe điện hiện nay, chủ yếu là lithium, cobalt và nickel, có giá trị trung bình từ 1.000 – 2.000 euro/chiếc.
Louie Diaz, Phó Chủ tịch của Công ty tái chế pin Li-Cycle (Canada), dự báo những vật liệu này có thể bị thiếu hụt trong vài năm tới khi các hãng xe đẩy mạnh sản xuất xe điện. Tuy nhiên, những khoang chất này có thể tái chế nhiều lần mà không ảnh hưởng đến hiệu quả. Hồi đầu năm nay, Li-Cycle được Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) phê duyệt khoản vay 375 triệu đô la để xây dựng một nhà máy tái chế pin ở New York. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm.
Đạo luật Đầu tư hạ tầng và việc làm 2021 của Mỹ phân bổ 73 tỉ đô la cho các chương trình tài trợ và sáng kiến hỗ trợ đầu tư hạ tầng năng lượng trong nước, bao gồm 6 tỉ đô la dành cho lĩnh vực sản xuất, chế biến và tái chế vật liệu pin, được giải ngân thông qua DOE.
JB Straubel, CEO của Redwood Materials, công ty tái chế pin có trụ sở ở bang Nevada, cho biết đạo luật IRA xem hoạt động tái chế vật liệu pin là một hoạt động “khai khoáng đô thị”, tức thu hồi vật liệu từ các sản phẩm phế thải tại địa phương. Hồi tháng 2, DOE đồng ý cấp khoản vay 2 tỉ đô la cho Redwood Materials để công ty xây dựng xây dựng khu phức hợp tái chế và tái sản xuất vật liệu pin ở Nevada.
Các công ty tái chế pin như Ascend Elements (Mỹ), Li-Cycle đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy ở châu Âu trong vài năm tới nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn và ưu đãi sản xuất của chính quyền liên bang đã thúc đẩy công ty sớm thiết lập các cơ sở tái chế mới tại Mỹ
“Đạo luật IRA đã thực sự làm thay đổi cán cân nhu cầu vật liệu pin. Chúng ta cần giữ lại những vật liệu có giá trị (từ pin phế thải), để tái chế và đưa chúng trở lại ngay vào xe điện”, Mike O’Kronley, CEO của Ascend Elements nói.
Cuộc đua xây dựng chuỗi cung ứng pin khép kín
Ascend Elements đã có một nhà máy tái chế ở bang Georgia và đã nhận được gần 500 triệu đô la tài trợ từ DOE cho dự án nhà máy tái chế ở bang Kentucky dự kiến khai trương vào cuối năm 2023.
Christian Marston, Giám đốc công nghệ của Công ty tái chế vật liệu pin Altilium Metals (Anh), cho biết ngành công nghiệp xe điện đang chứng kiến cuộc đua xây dựng “chuỗi cung ứng pin khép kín”, nơi các khoáng chất tái chế được đưa vào pin mới sản xuất trong nước.
“Mọi nước đều muốn kiểm soát chuỗi cung ứng pin và không ai muốn phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn dẫn đầu cuộc đua. Tháng trước, nước này công bố các tiêu chuẩn khắt khe hơn và tăng cường hỗ trợ nghiên cứu cho công ty tái chế pin. Sau khi IRA được ban hành vào năm ngoái, các quan chức Trung Quốc đã mô tả đạo luật này là “chống toàn cầu hóa” và cáo buộc Mỹ “bắt nạt đơn phương”.
Trên toàn cầu, có ít nhất 80 công ty hoạt động trong lĩnh vực tái chế pin xe điện, với hơn 50 công ty khởi nghiệp thu hút ít nhất 2,7 tỉ đô la đầu tư trong sáu năm qua. Các nhà đầu tư cho những doanh nghiệp này là những nhà sản xuất ô tô, nhà sản xuất pin và những tập đoàn khai thác như Glencore, theo dữ liệu của PitchBook
Tổ chức tư vấn Circular Energy Storage (CES) ở London dự báo, khối lượng pin xe điện có sẵn để tái chế sẽ tăng hơn 10 lần vào năm 2030. CES cho biết, khoảng 11,3 GWh công suất pin sẽ hết tuổi thọ vào năm 2022 và con số này sẽ tăng lên 138 GWh vào năm 2030, tương đương nhu cầu pin của 1,5 triệu xe điện. Tuổi thọ pin xe điện có thể kéo dài từ 10 năm trở lên.
Một số quan chức trong ngành dự đoán, 40% vật liệu pin được sử dụng trong xe điện mới có thể đến từ nguồn tái chế vào năm 2040.
Châu Âu áp đặt tỷ lệ vật liệu tái chế tối thiểu trong pin điện
Hiện tại, năng lực tái chế pin của Mỹ còn thấp và hầu như không có ở châu Âu. Tại một cơ sở ở Poole, miền nam nước Anh, Charles Trent, công ty tái chế ô tô cũ, xây dựng hai dây chuyền nơi các công nhân tháo dỡ các phương tiện cũ hoặc hư hỏng để tái chế mọi thứ.
Công ty thường bán pin xe điện cũ cho mục đích nghiên cứu hoặc sử dụng ở các xe chạy xăng chuyển đổi sang xe điện, một phần là vì không có nơi nào để tái chế. Ở châu Âu, pin xe điện cũ lâu nay được băm và nghiền thành “khối bột đen” rồi xuất khẩu sang Trung Quốc tái chế.
Giờ đây, các công ty tái chế trong khu vực đang tìm cách khai thác giá trị tốt nhất từ các khối bột đen đó. Bruno Thompson, CEO của startup The Battery Recycling Company (Anh), cho biết công ty có kế hoạch xây dựng nhà máy tái chế pin đầu tiên vào năm 2024.
“Công ty tái chế nào đạt được năng suất cao nhất với chi phí thấp nhất sẽ giành chiến thắng trong cuộc chơi này”, ông nói.
Ecobat (Mỹ), công ty chuyên cắt nhỏ pin ở châu Âu và Mỹ để tái chế ở những nơi khác đã cải thiện quy trình thu hồi vật liệu để có thể tái chế thành công 70% lithium từ pin cũ. Thea Soulem, Giám đốc thương mại Ecobat, tin rằng, tỷ lệ tái chế lithium sẽ đạt mức từ 90-100%.
Đạt được sản lượng tái chế cao là vấn đề quan trọng vì Liên minh châu Âu (EU) sẽ quy định lượng lithium, cobalt và nickel tái chế tối thiểu trong pin xe điện trong vòng tám năm tới. EU cũng sẽ áp đặt các tiêu chuẩn khắt khe hơn hơn đối với vật liệu pin tái chế bên ngoài châu Âu.
Kurt Vandeputte, Phó Chủ tịch cấp cao của Công ty vật liệu Umicore (Bỉ) nhận định, những điều kiện và tiêu chuẩn đó sẽ thúc đẩy hoạt động tái chế pin trong khu vực.
Tuy nhiên, có một mối lo ngại là các công ty tái chế không thể thu mua đủ lượng xe điện cũ cần thiết để tái chế với quy mô lớn. Hiện nay, khoảng 30% xe cũ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch được bán sang nước ngoài, cho các chủ sở hữu mới ở các nước đang phát triển hoặc bán dưới dạng phế liệu.
Một số hãng xe đang cố gắng kiểm soát pin trong các mẫu xe điện. Nissan đã mở dịch vụ cho thuê xe điện tại Nhật Bản để duy trì quyền kiểm soát pin. Hãng xe điện Nio của Trung Quốc cho khách hàng thuê pin để giữ quyền sở hữu.
Thomas Becker, Giám đốc bền vững của BMW, hy vọng giá trị cao của vật liệu pin sẽ khiến hoạt động tái chế trở nên hấp dẫn hơn so với việc bán xe điện cũ ra nước ngoài.
Theo Reuters