Chính sách tự công bố sản phẩm bị biến tướng thành công cụ tiếp tay cho hành vi làm thực phẩm giả

Tình trạng thực phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trở thành vấn nạn nhức nhối, nhất là khi những chính sách thông thoáng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng đã bị một số đối tượng lợi dụng để làm hàng giả.

Trao đổi bên lề hội nghị tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm, bà Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế - đồng ý rằng tình trạng sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng đang ngày càng diễn biến phức tạp và gây bức xúc trong dư luận.

 Bà Trần Việt Nga: Cơ chế tiến bộ lại bị biến tướng thành công cụ tiếp tay cho hành vi làm giả.

Bà Trần Việt Nga: Cơ chế tiến bộ lại bị biến tướng thành công cụ tiếp tay cho hành vi làm giả.

Chính sách thông thoáng bị lợi dụng kẽ hở

Theo bà Nga, một trong những nguyên nhân chính khiến vấn nạn này khó kiểm soát là do doanh nghiệp lợi dụng chính sách tự công bố sản phẩm – một cơ chế tiến bộ nhưng lại bị biến tướng thành công cụ tiếp tay cho hành vi làm hàng giả.

Thực tế vừa qua, cơ quan công an đã triệt phá nhiều đường dây sản xuất sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) giả, cho thấy mức độ tinh vi và liều lĩnh của các đối tượng. Dù hệ thống pháp luật hiện hành, từ Luật ATTP đến Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Bộ luật Hình sự, đã có những quy định tương đối đầy đủ, nhưng việc lách luật vẫn diễn ra tràn lan, nhất là khi chính sách tự công bố sản phẩm được triển khai theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Theo quy định này, doanh nghiệp chỉ cần tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mà không cần thẩm định trước của cơ quan quản lý. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cũng trở thành “lỗ hổng” để một số doanh nghiệp thiếu đạo đức trục lợi.

“Với cơ chế tự công bố, doanh nghiệp có thể tự công bố và sản xuất ngay mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Lợi dụng sự thông thoáng này, một số doanh nghiệp tự công bố các sản phẩm gắn mác dinh dưỡng y học hoặc sản phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt là thực phẩm bổ sung, mà thực chất là hàng giả hoặc không đạt tiêu chuẩn” – bà Nga thông tin.

Thủ tục đơn giản, không mất phí, lại không có cơ chế thẩm tra trước khiến số lượng sản phẩm tự công bố tăng chóng mặt, vượt quá khả năng hậu kiểm của cơ quan chức năng. Việc giám sát chủ yếu dựa vào hậu kiểm lại gặp nhiều thách thức như thiếu nhân lực, thiếu kinh phí kiểm nghiệm, khó khăn trong việc xác minh sản lượng sản xuất thực tế.

Những “lỗ hổng” trong cơ chế tự công bố đang bị biến thành “mảnh đất màu mỡ” cho hàng giả sinh sôi. Hành vi làm giả thực phẩm/TPBVSK không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành động vô nhân đạo, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và niềm tin của cộng đồng.

 Hàng trăm loại sữa giả đã được ra đời từ chính sách tự công bố sản phẩm

Hàng trăm loại sữa giả đã được ra đời từ chính sách tự công bố sản phẩm

Sửa chính sách theo hướng quản lý chặt chất lượng

Trong khi đó, thị trường lại bị bủa vây bởi các chiêu trò quảng cáo sai sự thật. Người tiêu dùng dễ dàng bị đánh lừa bởi hình ảnh người nổi tiếng, bác sĩ (thậm chí bác sĩ giả), quảng bá cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Điều này làm trầm trọng thêm thực trạng tiêu thụ thực phẩm chức năng kém chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Cục trưởng Cục ATTP cho biết để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đang xem xét sửa đổi Luật ATTP và Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng siết chặt cơ chế quản lý, khắc phục những tồn tại hiện nay, tăng cường kiểm tra và xử phạt hành vi vi phạm.

“Chúng tôi cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư nhân lực và kinh phí cho công tác hậu kiểm”- bà Nga chia sẻ.

Không kém phần quan trọng là vai trò của cộng đồng doanh nghiệp – những người cần đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu. Một cơ chế quản lý dù hoàn hảo đến đâu cũng khó có hiệu quả nếu người thực thi cố tình vi phạm.

Bà Nga cũng mong người tiêu dùng cũng cần trở thành “người tiêu dùng thông thái” bằng việc cẩn trọng với quảng cáo, tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi mua.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chinh-sach-tu-cong-bo-san-pham-bi-bien-tuong-thanh-cong-cu-tiep-tay-cho-hanh-vi-lam-thuc-pham-gia-post185357.html